Cho người nước ngoài mua nhà: Mở cửa đón tiền?

Cập nhật 27/10/2014 11:11

Đồng tình với quy định người nước ngoài được sở hữu nhà là quan điểm của nhiều đại biểu quốc hội trong phiên thảo luận về Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) còn đề nghị mạnh dạn mở rộng quyền sở hữu nhà cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài hơn nữa, nhằm đem lại sự thông thoáng để “đón gió mới” từ dòng vốn ngoại.

Kích thích nguồn lực

Con số hơn 70 ngàn người nước ngoài đang ở Việt Nam làm ăn lâu dài vẫn được nhiều chủ đầu tư - kinh doanh BĐS hay các nhà chính sách đưa ra để dẫn chứng về nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam. Nếu đáp ứng được nhu cầu này đã là một thành công nhiều mặt từ hấp dẫn đầu tư, xã hội cho đến hình ảnh hội nhập của Việt Nam... và quan trọng nhất là sự hưởng lợi đầu tư và dịch vụ BĐS.

Tuy nhiên, nếu đặt Việt Nam trong một thị trường chung của khu vực, châu lục hay thế giới hay Việt Nam là một phần trong chuỗi sản xuất toàn cầu... thì con số đó sẽ lớn hơn rất nhiều. Những nhà đầu tư không ở Việt Nam thường xuyên theo quan điểm "cư trú" nhưng đang đầu tư tiền bạc vào các dự án tại Việt Nam không hề nhỏ.

Sự hiện diện của họ kéo theo nhiều nhân lực có trình độ và thu nhập cao đến Việt Nam. Hơn thế, trong một xu hướng hội nhập, những thành phố lớn Việt Nam đang hướng đến những đô thị rộng mở giao lưu quốc tế thì ngoài nhu cầu ở, mua nhà như một nhu cầu đầu tư cũng cần được đặt ra như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

Vì thế, với nhà làm chính sách có kinh nghiệm về hội nhập quốc tế đề xuất mới nhất trong dự thảo Luật Nhà ở được trình Quốc hội lần này cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được phép mua nhà chính là đáp ứng một nhu cầu đã có.


Nhu cầu nhà ở cho người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay khá cao

Bởi đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay trên thị trường tài chính, xét cho cùng người nước ngoài cũng đang đưa nguồn vốn vào, huy động nguồn lực, tạo dựng tài sản và kinh doanh kiếm lãi ở Việt Nam.

Với BĐS cũng thế. Việc đơn giản hóa cho người nước ngoài nhập cảnh được mua nhà cần được xem như một lĩnh vực đầu tư. Với một thị trường cao cấp và phức tạp hơn như chứng khoán, tài chính còn phải "mở cửa đón gió" để phát triển thì với bất động sản càng không đáng lo ngại khi đây là món "không thể mang đi đâu".

Tầm nhìn dài hạn, phát triển ổn định

Chính sách cho người mua nhà ở Việt Nam đã bắt đầu mở nhưng khá chậm, so với yêu cầu thực tế và để mở cửa huy động một nguồn lực lớn.

Chính vì thế, dự thảo luật Nhà ở sửa đổi với các điều khoản mở cho người nước ngoài mua nhà nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu quốc hội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) còn đề nghị mở rộng quyền sở hữu nhà cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài hơn nữa, như có quyền cho thuê lại để đảm bảo công bằng với công dân VN.

Ông Trần Như Trung, người nhiều năm làm việc cho các tập đoàn tư vấn BĐS lớn nhất thế giới cho rẳng, nếu BĐS coi được người nước ngoài là thành phần bình đẳng như các thành phần khác, thì việc mở rộng điều kiện mua nhà cho người nước ngoài sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

"Đi theo một căn nhà sẽ kích thích hàng chục ngành sản xuất dịch vụ khác phát triển. Đây là kinh nghiệm của nhiều nước khác, nhất là các nền kinh tế Trung Đông. Với việc rộng mở cho người nước ngoài mua nhà, Trung Đông đã vươn lên thành nơi dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển bất động sản', chuyên gia này nói.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng dẫn chứng việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở đã được nhiều nước áp dụng như biện pháp xuất khẩu tại chỗ đối với nhà ở thương mại, nhà ở cao cấp, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Lịch sử làm chính sách Việt Nam đã nhiều ví dụ cho thấy, có nhiều lần cũng vì quá thận trọng, lo ngại ngại hay kiểu nới từ từ với các quy định được mở ra rất hạn chế, thậm chí đề ra rồi bỏ ngang khiến cho nhà đầu tư bất an và thất vọng bỏ đi. Và chỉ khi chúng ta nhận ra, vội vàng sửa lại có khi đã quá muộn. Muộn là vì cơ hội đã qua đi và sẽ càng muộn hơn khi những nguồn lực hiện nay không có nhiều và quốc gia nào cũng đang mở cửa để cạnh tranh thu hút.

Do đó, với quan điểm chung đã đồng thuận ủng hộ, thị trường đang trông đợi, quy định mang tính đột phá là cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam sẽ sớm được thông qua.

DiaOcOnline.vn - Theo Vef