Cấp chủ quyền nhà cho Việt kiều có gì mới?

Cập nhật 16/07/2008 08:00

Sở Xây dựng TP.HCM đang hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn để triển khai cho các quận, huyện cấp giấy chủ quyền nhà (giấy hồng) cho Việt kiều. Các quận, huyện sẽ cấp "giấy hồng" cho nhà ở của cá nhân, còn Sở Xây dựng sẽ cấp giấy cho các tổ chức.

Còn nhiều vướng mắc

Trong nhiều năm qua, TP.HCM mới chỉ cấp giấy chủ quyền nhà cho 107 trường hợp Việt kiều đứng tên sở hữu. Lãnh đạo Sở Xây dựng nhận định: số lượng giấy chủ quyền nhà đã cấp như vậy là quá ít so với nhu cầu thực tế. Tình trạng này do một số vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, tại TP.HCM có rất nhiều trường hợp giao dịch dân sự về nhà ở trước ngày 1.7.1991 không hợp pháp, các bên tự thỏa thuận mua bán, tặng cho bằng giấy tay do nhà ở chưa có giấy tờ hợp lệ. Nhưng điều 13 và 36 của Nghị quyết 1037 (của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1.7.1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia) quy định: "Đối với trường hợp người mua, người nhận tặng cho nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì khi lập thủ tục cấp giấy chứng nhận phải có hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở có giấy chứng nhận, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền".

Theo quy định này thì đối với các trường hợp mua bán bằng giấy tay là không thể hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định. Điều này cũng khiến cho công tác cấp giấy chủ quyền nhà ở cho Việt kiều gặp nhiều ách tắc.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đưa ra một số vấn đề khác như có nhiều trường hợp tạo lập nhà ở không hợp pháp trước khi xuất cảnh (như tự xây dựng không phép nhưng phù hợp quy hoạch, chuyển nhượng giấy tay...) nay chủ sở hữu là Việt kiều đề nghị cấp giấy chủ quyền nhưng Luật Nhà ở và Nghị định 90 không quy định cấp giấy chủ quyền cho các trường hợp nêu trên. Sở Xây dựng kiến nghị sớm bổ sung trường hợp này vào Nghị định 90 sắp sửa đổi vì trong thực tế, TP.HCM đang gặp nhiều lúng túng khi tiếp nhận hồ sơ dạng này.

Tăng tốc cấp giấy chủ quyền nhà cho Việt kiều

Trong khi chờ tháo gỡ nhiều vướng mắc nêu trên, ông Đỗ Phi Hùng - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: "Sau khi triển khai Nghị quyết 1037 và lấy ý kiến của các quận huyện, căn cứ theo Nghị quyết 1037 và quyết định 54 của UBND TP.HCM về cấp giấy chủ quyền, Sở Xây dựng sẽ sớm hoàn thành dự thảo về cấp giấy chủ quyền nhà cho Việt kiều trên địa bàn TP. Các giao dịch dân sự về nhà ở thuộc sở hữu tư nhân được xác lập trước ngày 1.7.1991 đối với các trường hợp thuê nhà, mượn nhà, ở nhờ nhà, mua bán nhà, đổi nhà, tặng cho nhà, thừa kế nhà, ủy quyền quản lý nhà giữa cá nhân với cá nhân đều được áp dụng theo Nghị quyết 1037".

Cũng theo Sở Xây dựng, các trường hợp nhà ở đang được cơ quan, tổ chức trong nước sử dụng làm trụ sở làm việc, công trình công cộng mà thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã hết trước ngày 1.9.2006 (ngày Nghị quyết 1037 có hiệu lực thi hành) hoặc hợp đồng không xác định thời hạn thì Việt kiều có thể lấy lại nhà nhưng phải thông báo cho đơn vị thuê trước từ 6 - 12 tháng.

Trường hợp cơ quan, tổ chức mượn nhà ở của Việt kiều thì người cho mượn được lấy lại nhà. Việc trả lại nhà được thực hiện theo 4 phương thức: trả lại nhà mà cơ quan đó đang sử dụng, trả bằng tiền theo giá thị trường, trả bằng nhà ở khác hoặc Nhà nước sẽ giao đất ở mới cho bên cho thuê.

Theo Nghị quyết 1037, trường hợp thừa kế được mở trước ngày 1.7.1991, người thừa kế còn quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam, đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa nhập quốc tịch nước ngoài thì sẽ được cấp giấy chủ quyền nhà đất. Những trường hợp Việt kiều đã thôi quốc tịch Việt Nam và đã nhập quốc tịch nước ngoài hoặc là người có nguồn gốc Việt Nam nhưng chưa từng có quốc tịch Việt Nam thì chỉ được hưởng phần giá trị thừa kế mà không được xác lập quyền sở hữu.

Các thủ tục cấp chủ quyền nhà bao gồm: đơn đề nghị; bản sao các loại giấy tờ; bản chính hợp đồng mua bán, tặng cho, thừa kế, giấy chứng minh quyền sở hữu và biên lai nộp thuế, lệ phí. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết cấp giấy chủ quyền trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời hạn được sở hữu nhà theo diện được cấp chủ quyền (theo Nghị quyết 1037) tối đa là 50 năm, từ ngày được cấp giấy chủ quyền.


Theo Thanh Niên