Nhất trí với nội dung trong điều 156 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi):“cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được quyền sở hữu nhà”, song các chuyên gia cho rằng, Luật cần quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú cũng như các điều kiện cụ thể khác để tránh sự đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường.
Việc mở rộng cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay.
|
Quốc tế mở, sao Việt Nam lại cấm
Đó là quan điểm của TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng trước đề xuất nới lỏng các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà riêng lẻ tại Việt Nam trong dự thảo Luật Nhà ở vừa được Thường vụ Quốc hội thông qua. TS Liêm cho rằng, đây là hình thức đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đạt hiệu ứng tốt thì không cớ gì Việt Nam lại cấm.
Theo thống kê cho thấy, hiện nay lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng có chiều hướng gia tăng, lượng lao động này đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế cũng như văn hóa hội nhập giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Không khó để nhận thấy, tại một số nơi trên địa bàn TP. Hà Nội như Khu đô thị Mỹ Đình có nhiều khu phố dành cho người Hàn Quốc, Nhật Bản… Họ làm việc cho các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam, tuy nhiên nhiều năm nay họ vẫn phải đi thuê nhà ở.
Thực tế này đã từng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận: Hiện có đến 130.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam nhưng họ đều phải đi thuê nhà ở vì không mua được nhà. Thực tế này bắt buộc họ phải lậu thuế, trốn thuế, bởi đi thuê 10.000 USD nhưng viết giấy chỉ có 2.000 USD. Đây cũng là căn nguyên khiến cho khối bất động sản cao cấp bị tồn đọng, nhiều biệt thự để trống, trong khi lượng người nước ngoài vào định cư ở Việt Nam khi hội nhập quốc tế đang tăng lên. Do vậy, để họ mua thì cũng “chẳng chết ai”.
GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cũng cho rằng: Lẽ ra quy định cho người nước ngoài mua nhà Việt Nam phải được áp dụng từ lâu. Bài học từ nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Singapore… đã cho thấy những hiệu ứng tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường cũng như các doanh nghiệp bất động sản. Việt Nam nên tham khảm từ các nước để sớm đưa quy định này vào dự thảo.
Theo phân tích của ông, việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam không những thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Không những vậy, quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở của dự luật cũng cho thấy, sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước, cũng như các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở. Bởi quy định chỉ cho phép những đối tượng này mua nhà ở thương mại trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực không cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.
Cần “xiết” chặt các quy định
Có thể khẳng định, vấn đề mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thời gian qua luôn là vấn đề nóng được Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tại hai phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội mới đây, phần đông các đại biểu đều thống nhất với quy định nới lỏng này, song một số đại biểu cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn về thời hạn cư trú cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường nhà ở.
Trong dự thảo luật có quy định cụ thể: người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Tuy nhiên, TS Liêm cho rằng, luật nới lỏng, tạo điều kiện thông thoáng song cũng cần quy định cụ thể về thời hạn cư trú, bởi nếu chỉ cho phép nhập cảnh mà được sở hữu nhà ở riêng lẻ với số lượng không hạn chế thì sẽ gây nhiều lo ngại, hoang mang cho người dân. Luật nên xem xét để tránh lượng người nước ngoài mua nhà ở những điểm “nhạy cảm” hoặc mua tập trung tại một khu nhất định.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cũng chia sẻ những băn khoăn trong điều 156: đối tượng được mua nhà được mở rộng đối với cả khách thăm thân nhân, du lịch là hơi rộng. Cần quy định rõ và giới hạn nhập cảnh bao nhiêu ngày thì mới được mua nhà, để đồng bộ với quy định tại Luật Xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Tại phiên thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi của Thường Vụ quốc hội, ngoài quan điểm đồng thuận với việc nới lỏng các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, nếu chỉ nhập cảnh vào vài ngày rồi đi mà được mua nhà thì ban soạn thảo cần phải cân nhắc.
Đây không phải lần đầu tiên các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, việc nới lỏng điều kiện trong bối cảnh hiện nay là hợp lý, song các quy định cũng cần đảm bảo được sự chặt chẽ để phù hợp với vấn đề quốc phòng, an ninh. Hiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vẫn đang được tiếp thu, lấy ý kiến hứa hẹn là cơ sở pháp lý, tạo bước đệm cho thị trường bất động sản có một “tương lai” bền vững.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng