Bất động sản đón dòng kiều hối

Cập nhật 18/12/2014 10:32

Thị trường nhà ở thay đổi vì nhu cầu tăng lên của kiều bào muốn sở hữu nhà tại Việt Nam.

Chính sách tạo kỳ vọng mới

Tính đến hết tháng 11/2014, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Dự kiến, con số này trong cả năm 2015 sẽ lên đến 5 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ lượng kiều hối đạt được con số đáng kể trên là do sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô có tác động tích cực đến tâm lý người dân. Đồng thời, chính sách thu hút đầu tư, chuyển nhận tiền thông thoáng, thuận lợi cũng là một trong những động lực giúp lượng kiều hối chảy về đất nước ngày một gia tăng.

Nhưng đáng chú ý là trong tổng giá trị kiều hối chuyển về nói trên, khoảng 21% đổ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS). Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng lượng kiều hối đầu tư vào BĐS vẫn tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, BĐS vẫn luôn là thị trường hấp dẫn, thu hút lượng đầu tư đáng kể của Việt kiều khắp nơi.

Thị trường BĐS, nhà ở có nhiều cơ hội tăng tốc

Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Mỹ nhận định, trong thời gian ngắn sắp tới, lượng kiều hối “đổ” vào thị trường BĐS sẽ còn tăng mạnh. Qua khảo sát cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cho thấy lĩnh vực BĐS vẫn là lựa chọn cao nhất khi đầu tư tại Việt Nam, tiếp đến là các ngành liên quan đến dịch vụ, sản xuất kinh doanh...

“Sẽ có một sự thay đổi lớn trên thị trường nhà ở vì nhu cầu của kiều bào muốn sở hữu nhà tại Việt Nam để sinh sống, học tập hoặc kinh doanh lâu dài rất lớn. Tuy nhiên, để tiềm năng này thành sự thật thì các bên tham gia thị trường phải đưa ra những thông tin hết sức minh bạch, tiếp đến là giảm tối đa những thủ tục mua nhà, vay tiền, thế chấp, chuyển nhượng nhà ở đối với các đối tượng là Việt kiều thật thuận tiện”, ông Mỹ nói.

Thực tế, một số Việt kiều hiện đang kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có rất nhiều kiều bào ở nước ngoài đang muốn về Việt Nam đầu tư và sinh sống, nhưng do không hiểu thủ tục về pháp lý và không biết hỏi ai. Vì nhiều kiều bào của ta khi đến cơ quan chức năng thì không được hướng dẫn cặn kẽ nên rất khó tiếp cận.

Thủ tục hành chính cần đồng bộ

Ông Lâm Nguyễn, Việt kiều Mỹ đang đầu tư mặt hàng nông sản xuất khẩu cho rằng, cơ quan hành chính là nơi cung cấp dịch vụ, nhưng nhiều nơi còn mang nặng tính thủ tục hành chính, cách hiểu chính sách mỗi nơi mỗi khác. Điều quan trọng và làm mất nhiều thời gian, nhất là các thủ tục xin cấp visa vào Việt Nam, rồi đến các thủ tục cấp phép đầu tư, mở công ty kinh doanh…

Bên cạnh đó, điều mà ông Lâm Nguyễn và không ít Việt kiều băn khoăn là liệu có trở ngại gì trong vấn đề thế chấp tài sản, bán nhà, vay tiền mua nhà tại Việt Nam đối với Việt kiều có được thuận lợi, dễ dàng như người trong nước không? Cũng như Việt kiều khi có nhu cầu tìm hiểu những quy trình, thủ tục liên quan đến nhà đất thì đến đâu, liên hệ với Đại sứ quán, Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, hay Câu lạc bộ Việt kiều để được biết?...

Nhiều Việt kiều tại TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra ý kiến, chính quyền địa phương nên dành cho Việt kiều theo chính sách “một cửa, một dấu”, tất cả những giấy tờ liên quan đến việc sinh sống, làm ăn tại Việt Nam nên thông qua một cơ quan hành chính nhằm tạo thuận lợi, thu hút bà con về quê hương làm ăn sinh sống...

Về vấn đề này, một đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Văn phòng TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các đề xuất trên cần được các bên hữu quan tiếp thu nghiên cứu, trao đổi, thảo luận để có thể áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Với cơ chế rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà hiện nay, thì công tác hỗ trợ cấp visa, thị thực cần phải đi trước một bước. Bên cạnh đó, việc thay đổi những “lề thói” trong cách giải quyết hồ sơ, giấy tờ, thủ tục cũng cần được chấn chỉnh kịp thời, nhằm hạn chế tối đa những vướng mắc không đáng có với kiều bào khi về nước làm ăn, sinh sống.

Hỗ trợ cho xu hướng kể trên, những sửa đổi mới nhất liên quan đến quyền sở hữu BĐS cho người nước ngoài đã được thảo luận trong một thời gian dài và những chủ trương, chính sách đưa ra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ Chính phủ cũng như nhiều bộ, ngành, DN BĐS và đại đa số người dân. Đặc biệt, việc cho phép người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề, cũng như cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có thời hạn đăng ký là 50 năm… là những thay đổi lớn mang tính tháo gỡ nút thắt cho thị trường BĐS.

Theo Công ty CBRE Việt Nam, việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ tạo thế cân bằng, minh bạch và ổn định cho thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam. Đồng thời, sự tham gia vào thị trường của các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng không kém. Trong bối cảnh hội nhập, việc sửa đổi luật này sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trong khu vực. Nó cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam có cơ hội tiếp cận với phân khúc tài sản hấp dẫn này trong một thị trường mới nổi với những đặc điểm hấp dẫn và những tiềm năng phát triển mạnh mẽ.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng