2 năm, chỉ 15 Việt kiều, người nước ngoài được cấp sổ đỏ nhà đất

Cập nhật 07/11/2017 13:07

Luật Nhà ở 2017 đã có hiệu lực hơn 2 năm (từ 1/7/2017), nhưng đến nay, số lượng Việt kiều, người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam khá ít do vướng nhiều vấn đề về thủ tục.


Nhu cầu mua nhà của người nước ngoài, Việt kiều rất lớn. Ảnh: Lê Toàn

Nhiều yêu cầu nhiêu khê và trái luật

Tại Hội nghị phổ biến thông tin, chính sách pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Việt kiều) do Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức cuối tuần qua, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đến ngày 15/5/2017, mới chỉ có 15 trường hợp Việt kiều, cá nhân người nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở. Con số này còn quá ít do với lượng kiều bào, người nước ngoài sống, làm việc tại TP.HCM.

Ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cho biết, điều kiện đầu tiên để Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận là phải nhập cư về Việt Nam. Theo đó, đối với trường hợp sử dụng hộ chiếu Việt Nam, thì hộ chiếu này phải còn giá trị và đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh. Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài, thì ngoài điều kiện còn giá trị và đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh, cần kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt.

“Chỉ đủ điều kiện này thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận mới thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận”, ông Quang cho hay.

Liên quan đến việc nhập cư trong bao lâu thì mới được cấp Giấy chứng nhận, ông Quang cho biết, các quy định hiện hành không quy định thời gian, miễn là được nhập cư, thoả mãn các điều kiện trên và là đối tượng được cấp Giấy chứng nhận.

Giải đáp thắc mắc của một Việt kiều quốc tịch Canada về việc ông có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị đến năm 2023, hiện ông cư ngụ tại quận 5 (TP.HCM), nhưng khi đi làm hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận tại quận 5, cơ quan cấp Giấy chứng nhận yêu cầu ông phải có giấy xác nhận là người gốc Việt, như vậy đúng hay sai?

Ông Quang trả lời, đòi hỏi này của cơ quan cấp Giấy chứng nhận là sai, vì theo quy định hiện hành, Việt kiều nếu có hộ chiếu Việt Nam, thì chỉ cần thêm điều kiện được đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh là được cấp Giấy chứng nhận, chứ không cần phải có giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt.

Ông Quang hướng dẫn, trường hợp này về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 5 làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Nếu văn phòng này không giải quyết, có thể liên hệ Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM để được giải quyết ngay.

Bà Thanh Dung, Việt kiều Đức, ngụ tại quận 9 (TP.HCM) cho biết, bà đang đứng tên trên Giấy chứng nhận nhà đất tại quận 9. Do bà vừa đổi hộ chiếu mới (hộ chiếu được cấp tại Đức), vì hộ chiếu bà hết hạn. Lần này bà về Việt Nam để làm thủ tục cập nhật số hộ chiếu mới vào Giấy chứng nhận nhà đất cho đồng bộ các giấy tờ liên quan, nhưng bà đang gặp khó khăn, vì cơ quan cấp Giấy chứng nhận tại quận 9 yêu cầu bà chứng minh 2 hộ chiếu trên là 1 người sử dụng. Tuy nhiên, khi bà yêu cầu bên phía Đại sứ quán Đức làm giấy xác minh 2 hộ chiếu là một người, thì cơ quan này không đồng ý, vì họ cho rằng, hộ chiếu mới được cấp đang có giá trị thì tại sao phải chứng minh bà là người đã sử dụng hộ chiếu cũ hết hạn.

“Ngay cả khi tôi trình cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận hộ chiếu cũ để chứng minh rằng tôi đổi hộ chiếu vì đã hết hạn, họ cũng không đồng ý cho tôi cập nhật trên Giấy chứng nhận số hộ chiếu mới và tôi không biết đi đâu để chứng minh việc này theo quy định của cơ quan cấp Giấy chứng nhận tại quận 9”, bà Dung bày tỏ.

Giải đáp việc này, ông Quang cho rằng, những khó khăn của bà Dung đang gặp phải là do cơ quan cấp Giấy chứng nhận tại địa phương không chấp nhận thủ tục. Ông Quang hướng dẫn bà Dung liên hệ trực tiếp với Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM tại số 12 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM để được hướng dẫn thủ tục giải quyết.

Quy định cần thoáng hơn

Theo ông Trần Hòa Phương, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, việc chứng nhận nguồn gốc người Việt do 3 cơ quan phối hợp thực hiện là Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài.

"Việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam cần phải theo đúng quy định của pháp luật. Nếu muốn vay tiền từ ngân hàng thì phải tiến hành thêm một số thủ tục khác. Tuy nhiên, cái khó nhất trong thủ tục sở hữu đất vẫn là xác nhận nhân thân", ông Phương nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, muốn kiều bào mua được nhà, thì luật và việc thực thi phải thông thoáng hơn. Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài cần phổ biến sâu rộng, các công ty bất động sản phải tư vấn, giới thiệu những dự án khả thi cho kiều bào.

Trước những vướng mắc về việc tiếp cận nhà ở củ Việt kiều, người nước ngoài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có công văn gửi các sở Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Tư pháp, Công an TP.HCM về việc chấn chỉnh công tác giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM phê bình thủ trưởng các đơn vị có liên quan chậm triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố trong việc xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng, không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở. Điều này gây chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà trên địa bàn Thành phố.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp các đơn vị để xác định khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại Thành phố. Đồng thời, khẩn trương xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng.

Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý cho Sở Tài nguyên - Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở trên địa bàn TP.HCM.

Lãnh đạo Thành phố cũng giao Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tăng cường kiểm tra, rà soát việc giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà. Theo khảo sát từ các văn phòng công chứng, đa phần trường hợp người nước ngoài đến công chứng mua nhà là nhằm để ở lâu dài, chứ không phải mua đi bán lại. Tuy nhiên, khi nghe công chứng viên giải thích về việc phải đợi xác định khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở, thì họ đã thay đổi vì lo sợ không được cấp giấy chứng nhận.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản