Ý nghĩa đồ trang trí Giáng Sinh, bạn đã biết?

Cập nhật 11/12/2014 09:00

Những món đồ trang trí Giáng Sinh không chỉ khiến không khí gia đình ấm áp hơn mà còn mang trong mình ý nghĩa đặc biệt.

Lễ Giáng sinh là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su ra đời. Tại Việt Nam, tuy không phải là một ngày lễ chính thức nhưng dần dần Noel trở thành một ngày hội để mọi người cùng nhau tụ tập, gặp gỡ. Những năm gần đây, nhiều gia đình cũng dọn dẹp và trang hoàng Giáng Sinh để chuẩn bị chào đón một năm dương lịch sắp đến.

Cùng tìm hiểu về ý nghĩa của từng đồ trang trí Giáng Sinh để chọn cho gia đình một cách trang trí phù hợp

Màu xanh - đỏ truyền thống


Trong trang trí Giáng Sinh, màu xanh - đỏ là hai màu truyền thống được sử dụng nhiều nhất và xuyên suốt trong các thiết kế. Màu xanh đại diện cho sức sống mãnh liệt, xuyên suốt của cây xanh dù cho mùa đông có lạnh giá, cũng giống như các tín đồ Cơ Đốc giáo tin rằng chúa Jesus mãi mãi trường tồn. Màu đỏ tượng trưng cho đau thương, máu thịt của chúa Jesus đã rơi khi bị đóng đinh trên cây Thánh Giá.

Thời gian bắt đầu trang trí Giáng Sinh

Hiện nay, hầu hết mọi nơi đều chuẩn bị trang trí Giáng Sinh từ một tháng trước đó. Tuy nhiên, theo truyền thống thì chỉ nên bắt đầu sửa soạn trang hoàng vào đêm trước Giáng Sinh (24/12). Người xưa quan niệm việc đem cây xanh như thông, nhựa sồi, thường xuân...vào nhà trước thời điểm đó sẽ không đem lại nhiều điều may mắn.

Vòng lá mùa vọng

Tục lệ treo vòng lá mùa vọng trên cao trước cửa được khởi xướng từ thế kỷ 16 để nói lên sự đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối. Vòng lá mùa vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh được trang trí thêm 4 cây nến hoặc các quả trang trí nhiều màu.

Cũng như sự vô tận của hình tròn, vòng lá xanh nói lên tình yêu vô bờ của Chúa với con người. Màu xanh lá nói lên hi vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người.


Cây Giáng Sinh

Thông là loài cây sống được trong khí hậu khắc nghiệt, kể cả trong bão tuyết, vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, vững chãi và màu xanh vĩnh cửu. Xuất hiện từ thế kỉ 16 ở nước Đức, dần dần loài cây này xuất hiện thường xuyên hơn trong các lễ hội Giáng Sinh.

Ngày nay, mỗi khi đến dịp Noel, nhà nhà lại sắm sửa cho mình một cây thông và trang trí những ngôi sao, quả châu, dải kim tuyến, đèn nhấp nháy... Cây thông được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới trong lễ hội trước thềm năm mới.


Ngôi sao Giáng Sinh

Ngôi sao 5 cánh thường được đặt trên vị trí cao nhất của cây thông Noel. Từ đó, các dây kim tuyến, quả châu...mới tỏa ra các phía lung linh đẹp mắt. Ngôi sao trở thành biểu tượng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế.


Tương truyền, lúc Chúa vừa chào đời thì xuất hiện một ngôi sao rực rỡ, ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm còn nhìn thấy. Từ các vùng phía đông xa xôi, có 3 vị vua lần theo ánh sáng tìm được đến nơi Chúa ra đời để dâng trầm hương và vàng bạc châu báu.

Dây kim tuyến

Dây kim tuyến không thể thiếu khi trang trí cây thông Noel. Truyền thuyết xưa kể rằng, có một gia đình rất nghèo muốn trang trí cây Giáng Sinh trong nhà nhưng không còn chút tiền nào. Đêm đó, khi cả nhà đã ngủ say, những con nhện đã nhả ra các sợi tơ óng ánh.

Chuông Giáng Sinh

Tại đất nước Tây Ban Nha, các chuông nhà thờ ngân vang vào lúc nửa đêm báo hiệu Chúa ra đời. Trong một số nền văn hóa Á Châu, tiếng chuông được dùng báo hiệu cho dân chúng biết một việc vui hay một sự kiện buồn nào đó vừa xảy đến. Ở những quốc gia Tây phương, tiếng chuông rung lên chào mừng Chúa Cứu thế xuống trần.


Bít tất

Truyện kể rằng nhà kia có 3 cô gái đến tuổi lập gia đình nhưng không có chàng trai nào nhòm ngó đến vì gia cảnh quá nghèo. Đức giám mục Myra rất thương xót nên đã ném những đồng tiền vàng xuống ống khói và vô tình rơi trúng vào các đôi bít tất mà các cô treo hong bên lò sưởi.  Các cô đã rất vui mừng khi có cơ hội để thực hiện nguyện ước của mình.


Trẻ em luôn mong nhận được quà vào đêm Noel và bố mẹ cũng nhân cơ hội này để tặng quà với mong muốn các bé luôn ngoan ngoãn và học giỏi. Từ đó có tục trẻ em treo bít tất bên cạnh lò sưởi để nhận quà như ước mơ từ ông già Noel.

Quà Giáng sinh

Khi Chúa Giê-su cất tiếng khóc chào đời trong một cái máng cỏ, ba vị vua phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, trầm hương và mộc dược. Vàng tượng trưng Chúa Giêsu là vua ( tức con Chúa Cha - Vua Nước Trời), trầm hương tượng trưng Giê-su là Thiên Chúa và mộc dược biểu hiện hình ảnh Giê-su bị đóng đinh trên cây thánh giá hay nói rõ hơn là sự chịu chết của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại.

Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Giê-su hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.


Ngày nay, những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bạn bè. Vào đêm trước Giáng Sinh, mọi người trong nhà thường hay xếp những hộp quà lớn nhỏ đủ màu sắc dưới chân cây thông để cùng nhau mở vào sáng hôm sau.

Nến Giáng Sinh

Có nhiều truyền thuyết kể về những cây nến đêm Giáng Sinh. Tuy nhiên, mọi người hay kể cho nhau nghe câu chuyện về một bé trai nọ bị đi lạc đêm Giáng Sinh. Cậu đang rất đói và rét bỗng nhìn thấy ánh đèn nến leo lắt quen thuộc ở cửa sổ phòng mẹ sáng trong đêm và tìm được lối về đến nhà.


Những ánh nến trên bàn tiệc, trong phòng khách, tại phòng ngủ,...giúp không khí đêm Giáng Sinh trở nên ấm cúng và lãng mạn hơn.


DiaOcOnline.vn - Theo Khám phá