“Quy hoạch” tổng thể trong thiết kế nhà vườn

Cập nhật 31/05/2011 15:25

Một việc tuy không mang tính phô diễn trong khâu thiết kế nhưng lại có ý nghĩa rất lớn cho một công trình tùy theo diện tích lớn hay nhỏ, đó là công tác quy hoạch tổng thể trong thiết kế nhà vườn.

Nguyên tắc tạo nên tổng thể hài hòa giữa công trình và sân vườn. là tạo sự ăn nhập giữa các không gian. Mỗi một vật thể nhỏ đều là những gạch nối dịu dàng giữa kết nối các không gian thành một tổng thể, hài hòa.

Trong tổng thể nhà vườn ngôi nhà thành điểm nhấn của tổng thể sân vườn và sân vườn là cộng hưởng tôn thêm vẻ đẹp, sự tập trung của ngôi nhà; ngôi nhà là vật trang trí cho tổng thể sân vườn. Hoặc một thiết kế tạo ra một tổng thể hòa nhập giữa nhà và thiên nhiên. Những ý đồ này phụ thuộc vào tư vấn của thiết kế hoặc mong muốn của gia chủ (chủ đầu tư).

Kết hợp giữa nhà, hiên, các góc view, cây cối để tạo sự liên kết, sự nối tiếp, tránh sự khô cứng trong không gian sống.


Một công trình nhà vườn trong thế đất bằng phẳng, phía sau là núi và phía trước là hồ nước trong xanh trên khuôn viên 5ha. Công trình này được xem như một dinh thự dành cho 3 thế hệ trên khuôn viên xinh đẹp.


Quy hoạch tổng thể nhà vườn trên khuôn viên 1,200m2. Ngôi nhà chính 130m2, nhà thờ họ (đã có sẵn) 60m2 và ao phía trước hình bán nguyệt rộng 600m2. Giao thông chính (cũ) vào nhà bên hông nhà được thiết kế lại đi vào từ phía bên phải uốn lượn theo ao và vào sân chơi. Yếu tố phong thủy kết hợp hài hòa với các nhu cầu sử dụng chung của gia đình ba thế hệ. Sự liên kết có tính phân vị giữa nhà thờ cũ và nhà ở mới như một bài toán khó được giải của việc thiết kế chi tiết ngay trong khâu quy hoạch tổng thể.


Quy hoạch tổng thể nhà vườn trên khuôn viên đất 1878m2 gồm nhà biệt thự (cho gia chủ sinh năm 1950), ao, bể vầy, hệ thống cây xanh trên đất đồi có chênh 2 cos khá rõ ràng. Khu nhà vườn giữ lại khá nhiều cây xanh đã có sẵn như bằng lăng phía lối vào cổng (cây cho hoa tím rất đẹp), hàng cau phía trước nhà chính, mít, xoài phía sau nhà, tường kè đá ong và giữ lại hàng chè bám tường làm trang trí. Ranh giới chênh code khá lớn được kè đá cho cỏ mọc xen kẽ. Yếu tố phong thủy, nắng, gió, nước được nghiên cứu kỹ lưỡng và là tâm điểm xuyên suốt quá trình hình thành ngôi nhà.

Dùng gạch nung lát lối dạo trong vườn. 

Có thể dùng thảm cỏ kết hợp cây ăn quả có tán đẹp và phù hợp trong sân vườn với khuôn viên có diện tích lớn.

Khi thiết kế quy hoạch tổng thể nhà vườn cần lưu ý:

Phong thủy của ngôi nhà: căn cứ theo tuổi của chủ nhà (người nam) để có những tư vấn thiết kế về phong thủy thực hành khoa học và phù hợp tâm lý, văn hóa truyền thống người Á Đông.

Chọn vật liệu lát nền cần lưu tâm tới việc gia chủ có sử dụng thường xuyên nhà vườn hay không. Ngoài trời, vật liệu lát cho đường giao thông chính toàn khu, lối dạo chơi có thể dùng đá chẻ, dải sỏi, hoặc đúc bê tông thủng.

Với lát nền trong nhà ở, thông thường, việc sử dụng nhà vườn hiện nay chủ yếu dành cho ngày cuối tuần, ngày lễ hoặc dịp đặc biệt, nghỉ ngơi không quá thường xuyên và dài ngày của gia chủ. Vì vậy vật liệu lát nền thường là vật liệu thô mộc như gạch Bát Tràng, gạch gốm Hạ Long, gạch nung hoặc loại gỗ sàn được tẩm sấy tốt. Không nên dùng vật liệu tráng men (sứ) cho những không gian ngoài trời hay không gian không thường xuyên sử dụng.

Xác định các không gian sử dụng như nhà chính, nhà phụ, chòi nghỉ, chỗ ăn ngoài trời, bàn trà… Đồng thời, tạo một không gian riêng, yên tĩnh để thư giãn.

Các chi tiết trang trí như hình dáng ngôi nhà, chiều cao ngôi nhà phụ thuộc vào diện tích tổng thể, thế đất bằng phẳng, hay thoải hoặc sự phân code tương đối lớn.

Sử dụng các loại cây và vị trí đặt cây trồng. Với nhà vườn thường tận dụng tối đa cây tự nhiên đã sẵn có trong khuôn viên đất và cây xanh của địa phương. Với ý đồ thiết kế và quan niệm thường bố trí những cây chắc chắn phía sau nhà, những cây dáng thanh, cây bụi, mềm, cây hoa phía trước (trước cau sau mít). Cũng cần lưu ý việc bố trí cây xanh bởi điều này ảnh hưởng tới việc chiếu sáng cho tổng thể khu, cho sân vườn và chiếu sáng cho chính ngôi nhà.

Trong thiết kế lối đi sử dụng cỏ: tạo sự nhẹ nhàng, tự nhiên; Sỏi, đá tự nhiên: tạo sự thô mộc, tiện dụng; Bê tông kết hợp cây ven đường: tạo sự tiện lợi cho sử dụng; Đá phiến: tạo sự sang trọng.

Và với một khu nhà vườn đẹp là sự hài hòa của các yếu tố trên và là sự chau chuốt của người thiết kế, sự chăm chút của chủ đầu tư. (KTS Vũ Quang Định, KTS Bùi Quang Vũ – Công ty CP ASPACE).

DiaOcOnline.vn