Linh hoạt cho cửa sổ

Cập nhật 03/06/2009 16:30

Cách thức xưa nay thường đặt cửa sổ cao khoảng 0,8 – 1m so với mặt nền nhà và thường là cách 0,8m – ngang tầm như lan can, người có thể chồm ra ngoài. Tuy nhiên, kiến trúc đương đại thì “vô chừng, có khi hạ sát nền”, kỹ sư xây dựng Nguyễn Văn Bắc nói.

Để tương thích với không gian “chứa đựng” ngôi nhà, hướng nắng gió, tạo góc nhìn... mà các công trình có những phương thức thể hiện có sự khác biệt. Tuy nhiên, mỗi thiết kế về vị trí, độ cao – thấp, rộng – hẹp... cửa sổ đều có những công năng sử dụng của riêng nó.

Trong điều kiện có thể ở xứ nhiệt đới nhiều nóng ẩm, các công trình thường trổ nhiều cửa sổ và cửa sổ to, rộng để đón ánh sáng trời và tạo sự thông thoáng tự nhiên. Ở đó, có những đợt gió mùa khắc nghiệt, từ tháng 5 đến tháng 10 có gió mùa tây nam, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau có gió mùa đông bắc. Nhưng hướng gió tốt mà dân gian ưa thích là hướng nam có gió lành mát mẻ.

Xu hướng hạ thấp cửa sổ xuống tận nền hay cận nền và trổ rộng thường được tổ chức ở phòng khách, phòng sinh hoạt chung hay phòng ngủ. Và, không gian các phòng này thường kê những đồ dùng cũng... hạ thấp, có tầm nhìn ra khoảng sân dù nhỏ với cây cảnh, hoa cỏ. Từ đó, tạo cho những không gian đó thoáng rộng ra, gần gũi môi trường tự nhiên một cách liên hoàn hơn.

 



Cửa sổ tạo thành một bức tường mở

 


Hoặc có những trường hợp không thể mở cửa sổ như thông thường – cách nền 0,8m vì vướng lối đi, góc nhìn “lồ lộ” từ ngoài vào; hay nhà nhỏ hẹp chẳng hạn, ở đó dụng vào công năng khác, không thể trổ cửa sổ... Khi đó, có thể lại phải mở cửa sổ trên cao gần phía trần phòng để thu ánh sáng và đối lưu không khí tự nhiên. Nhiều thiết kế, dù đã có cửa sổ chính rồi vẫn mở thêm những cửa sổ phụ trên các loại đầu cửa chính, làm tăng sự thoáng khí và tăng độ sáng cho các không gian nội thất.

Chưa kể mẫu mã và chủng loại vật liệu chế tác cửa sổ, riêng cách mở cánh cửa cũng đã đa dạng thể. Và chính có nhiều cách mở như vậy, người thiết kế có nhiều sự lựa chọn để tạo công năng sử dụng tốt tuỳ những tình huống cụ thể cũng như tạo nên yếu tố thẩm mỹ cho ngôi nhà. Ví dụ, cửa sổ mở cánh ra – vào thông thường; cửa sổ mở chống một góc chừng 45 độ; cửa sổ cánh lùa; cửa sổ mở lật lên xuống bằng những lá cửa; cửa sổ mở nghiêng; cửa sổ hai lớp, trong là kính, ngoài lá sách... Mỗi cách thức đều có tác dụng nhất định, tạo không gian sống giao tiếp được nhiều với môi trường bên ngoài.

 



Cửa sổ có chiều cao gần bằng cửa đi

 



Dạng cửa sổ hạ sát nền