Chọn sofa thời “thượng vàng hạ cám”

Cập nhật 28/10/2018 09:56

Đời sống khá giả lên, nhiều người chấp nhận bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua nội thất nói chung và sản phẩm sofa nói riêng. Tuy nhiên, con số hàng chục, hàng trăm triệu đồng đó phần nhiều không phải là “tiền nào của nấy”, bởi nhiều sản phẩm ở các đơn vị phân phối lớn khi đến tay khách hàng bị đội giá lên nhiều lần so với thực tế.

Sản phẩm nội thất tại nhiều siêu thị lớn thường gánh theo chi phí quảng bá, marketing rất lớn.

Đắt chưa hẳn đã sang

Theo chia sẻ của các chuyên gia nội thất, để mua một bộ sofa ưng ý, bạn cần nắm rõ kích thước, nhu cầu và số lượng sản phẩm mình cần mua. Để làm được điều đó, trước hết hãy đo kích thước ngôi nhà và các không gian phòng một cách cẩn thận. Lập mặt bằng và đánh dấu kích thước vị trí đặt nội thất. Điều này sẽ giúp bạn định hình và có một công cụ ước lượng đánh giá món đồ cụ thể. Tránh việc mua phải đồ quá to, quá bé, sinh ra các khoảng không gian “chết” trong căn hộ.

Bên cạnh đó, kể cả đã ưng một món đồ thì cũng không nên mua bằng mọi giá tại duy nhất một nơi bán hàng, mà cần có sự tham khảo thực tế cũng như các phương tiện thông tin trực tuyến. Để biết giá mà nhà cung cấp đưa ra có hợp lý hay không trước khi tới cửa hàng, showroom xem sản phẩm, người tiêu dùng cần xác định món đồ đó được làm chất liệu gì, sản xuất trong nước hay nhập từ nước ngoài, nhà cung cấp có thương hiệu hay không...

Sau đó, người tiêu dùng so sánh với giá của các nhà cung cấp cùng phân khúc trên thị trường, để biết sản phẩm đó nằm trong khoảng giá bao nhiêu là hợp lý.

“Tuy vậy, khảo giá trên mạng thường không đem lại cái nhìn tổng thể, tùy theo từng vùng, từng nguồn hàng mà mỗi nơi có một cách báo giá khác nhau. Để an tâm, hãy đi khảo giá trực tiếp ở nhiều showroom để được nhìn tận mắt mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nên nhớ ghi chép lại cẩn thận giá cả và chi tiết các mẫu sản phẩm bạn thích để có thể đưa ra lựa chọn và so sánh sau này. Đôi khi ta thường gặp những trường hợp cùng 1 mẫu sản phẩm nhưng được báo 2 giá chênh lệch nhau rất lớn.

Điều này có thể do nguồn gốc, xuất xứ hoặc do chất liệu sản phẩm khác nhau. Người tiêu dùng nên đến tham khảo trực tiếp tại showroom để có thể đưa ra lựa chọn xác đáng. Bởi, không phải lúc nào món đồ rẻ hơn cũng là món đồ kém chất lượng và món đồ đắt chưa hẳn đã sang”, anh Phạm Ngọc Cường, Giám đốc Kinh doanh Công ty Nhà Xinh tư vấn.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, thông thường người mua sẽ gặp phải tình huống hai món đồ giống nhau nhưng một món có giá tiền cao hơn do màu sắc hoặc chất liệu đang là xu hướng thời thượng. Trong trường hợp này, hãy cân nhắc chất liệu tổng thể, thiết kế, màu sơn căn nhà của mình và đặc biệt là khu vực dự kiến sẽ đặt món đồ đó.

Bởi việc phối màu căn nhà và nội thất phù hợp có những nguyên tắc gần như bất di bất dịch và không phụ thuộc vào những thứ mốt nhất thời. Bên cạnh đó, hãy đặt chất lượng và giá thành của sản phẩm làm tiêu chí quan trọng để lựa chọn. Những thứ phù phiếm như xu hướng thường thay đổi rất nhanh, chỉ một thời gian sau là món đồ hot đó đã hết hot.

Theo anh Cường, có những bộ sofa đơn vị anh phân phối không khác gì sản phẩm tại các siêu thị đình đám hiện nay, nhưng giá thành có thể rẻ hơn vài lần

Một trường hợp khác người tiêu dùng hay gặp khi mua sắm và đóng đồ nội thất, đó là lựa chọn giữa 2 chất liệu sản phẩm, một mẫu với chất liệu thường và một mẫu chất liệu đắt tiền với giá thành cao hơn nhiều.

Theo kinh nghiệm của các nhà phân phối, để khẳng định đẳng cấp thì nên chọn mẫu sản phẩm sofa với chất liệu cao cấp, đắt tiền. Tuy nhiên, nếu không đủ điều kiện kinh phí thì lựa chọn sản phẩm mẫu mã tương đương với chất liệu thường cũng rất tốt, độ bền tương tự như sản phẩm cao cấp. Có khác chỉ là về thẩm mỹ và đẳng cấp mà thôi.

“Người tiêu dùng có thể không biết thực chất phần lớn món đồ nội thất đang bán tại thị trường Việt Nam có xuất xứ nguồn gốc từ Trung Quốc. Nếu khéo léo, bạn vẫn có thể mua được món đồ tốt với chất lượng đạt tiêu chuẩn và giá không bị đội lên bởi các chi phí không cần thiết.

Để làm được điều đó, hãy kiểm tra chất lượng sản phẩm một cách cẩn thận, yêu cầu có bảo hành và luôn mua hàng ở cửa hàng uy tín đã được đảm bảo”, anh Trường, một chủ cửa hàng chuyên đánh hàng sofa từ Trung Quốc về tiết lộ.

Cẩn thận “xanh vỏ đỏ lòng”

Mua sắm, chọn đồ trang trí nội thất có thể biến thành một vụ tra tấn tinh thần và bòn rút tiền bạc nếu như bạn không có một kế hoạch từ trước và chi tiêu hợp lý. Với một kinh phí và hạn mức nhất định, vấn đề cốt lõi là khéo léo, tinh tế lựa chọn những món đồ giá rẻ mà phù hợp với nhu cầu của gia đình.

Theo nhận định của giới chuyên gia, để mua đồ nội thất từ phòng khách, phòng ngủ hay phòng bếp tốt, không chỉ phụ thuộc vào giá cả mà còn nhiều yếu tố khác. Ngay cả với một thương hiệu tốt, bạn cũng có thể gặp rủi ro về sự thiếu trung thực của nhà cung cấp về xuất xứ cũng như chất liệu sản phẩm.

Trên thực tế, đa số người tiêu dùng Việt đang “đi mò” để mua sofa

Ở góc độ khác, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ về nhu cầu đối với sản phẩm nội thất mình cần mua. Bởi có cùng một sản phẩm với mẫu mã, chất lượng và chức năng như nhau nhưng không phải showroom nào cũng đồng một giá. Ví dụ, cùng một bộ bàn ăn có mẫu mã, chức năng, màu sắc như nhau thì hãng nội thất PTCasa giá khác, Nội thất Xinh và nhiều đơn vị khác lại có giá khác nhau.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Ngọc Cường cho hay: “Có thể những hãng cung cấp nội thất lớn có những bộ sofa rất giống chúng tôi nhưng theo thương hiệu nên họ đẩy giá lên rất cao hoặc “đánh” vào thị phần khách tiêu dùng có thu nhập cao.

Có thể những bộ giống hệt nhau, nhập ngoại cùng một công ty nhưng về nước là giá khác nhau. Ví dụ như sản phẩm ghế sofa, chúng tôi đánh giá có những bộ chỉ ngang tầm về chất lượng, mẫu mã nhưng một số nhà phân phối bán giá cao gấp 3 - 4 lần chúng tôi, lên đến hơn 300 triệu đồng/bộ”.

Ở góc độ khác, theo nhận định của giới chuyên gia nội thất, hiện tại, một số hãng nội thất đang đẩy mạnh các chiến dịch marketing dòng sản phẩm sofa nhập khẩu từ các hãng nổi tiếng của Ý, Đức, Tây Ban Nha... Tuy nhiên, khi mua những sản phẩm này, người tiêu dùng cần rất thận trọng, bởi bên cạnh giá tăng cao do phải gánh chi phí quảng bá lớn thì sự mập mờ về nguồn gốc cũng dễ khiến khách hàng ngậm trái đắng.

Về góc độ này, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Cường cho biết thêm: “Nhiều doanh nghiệp phân phối hiện nay nói họ có chứng nhận xuất xứ, chất lượng (COCQ), nhưng thực chất như thế nào cũng không ai biết được. Bởi không ít các đơn vị lách bằng cách nhập một số ít sản phẩm từ các hãng lớn như Ý, Đức… để lấy số COCQ, còn lại là nhập từ Trung Quốc và khi khách hàng hỏi nguồn gốc, họ vẫn đưa COCQ số hàng đã nhập để chứng minh (?!)”.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTBĐS