Còn nhớ, nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên khi bắt đầu ra mắt thị trường đã mời khách uống thử sản phẩm tại các trung tâm thành phố lớn. Người Sài Gòn uống thử rất nhiều, người Hà Nội uống ít hơn, người miền Trung gần như không uống.
Một nhà văn hóa sau đó khái quát hóa rằng vì người miền Trung không bao giờ cho phép mình ăn uống “đầu đường xó chợ”. Người Bắc “bảo thủ” hơn, ngại thay đổi, thường làm theo truyền thống và thói quen. Họ nghĩ: “Ông tôi, bố tôi đều làm như vậy nên tôi cũng sẽ làm như vậy”. Người miền Nam năng động hơn cả.
Nếu ra phố Sài Gòn, bạn thản nhiên khi thấy người bán hàng, nhân viên lễ tân cúi gập người chào thì ở Hà Nội, bạn không tin vào tai mình khi vào cửa hàng mà được ai đó nói lời cảm ơn. Bởi người Hà Nội luôn sẵn sàng tâm thế bị “mắng mỏ” khi ra đường. Cũng bởi ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, thói quen văn hóa - lịch sử đã để lại một quan điểm cho rằng làm nghề phục vụ là hạ cấp.
“Khi không hiểu hiểu sâu về văn hóa, anh sẽ không làm kinh doanh tốt được”, người kể cho tôi nghe câu chuyện trên vốn là một nhà tư vấn kinh doanh, kết luận bằng một câu như vậy.
Hoàng hôn trên hồ Tây Hà Nội.
Vậy thì văn hóa nào là của người Sài Gòn, văn hóa nào của người Hà Nội? Cuộc tranh cãi này chưa bao giờ có hồi kết. Công chúng không dễ đồng ý với bạn khi bạn đưa ra một tên gọi hay gắn cho chúng một tính từ nào đó. Nhưng bạn có thể cụ thể hóa được phần nào cái gọi là văn hóa người Hà Nội hay người Sài Gòn bằng những câu chuyện kể.
Khi tôi lần đầu “vô Sài Gòn”, ngồi ăn cơm ở căng-tin của cơ quan tôi luôn miệng chào “ăn cơm với em” mà không biết mọi người nhìn mình cười độ lượng. Một đồng nghiệp sau đó nói rằng nếu tôi mời cơm ai thì họ sẽ ăn, còn với người Hà Nội, mời cơm được hiểu theo nghĩa chào xã giao (“Tôi ăn cơm đây, anh cứ làm việc của mình đi”). Ai mà ăn thì rất dễ... bị ghét.
Không ngạc nhiên khi ở Sài Gòn bạn gặp một anh có vẻ quê quê, đi xe cà tàng, áo quần xuề xòa nhưng thực tế lại là một đại gia. Ở Hà Nội, thậm chí có những người đi ô tô, áo quần sành điệu có khi ví lại mỏng dính. Người Hà Nội thích ăn mặc có gu riêng, chứng tỏ bản thân hơn người khác trong khi dân Sài Gòn mặc sao gọn gàng là được.
Người Sài Gòn rất bộc trực và không khách sáo như người Hà Nội. Họ ít khi hỏi về gia đình bạn hay bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Họ cũng không hay đánh giá bạn qua cái xe của bạn đi, điện thoại bạn đang dùng hay bộ quần áo bạn mặc mà họ đánh giá bạn qua cách bạn sống với mọi người ra sao.
Sài Gòn nhìn từ phía cầu Thủ Thiêm.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu lý giải các câu chuyện trên rằng bởi Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội, nép mình nhờ sự bảo vệ của sông Hồng. Còn Sài Gòn vừa là đô thị trẻ vừa là một bến cảng quốc tế. Sông Sài Gòn thông với biển, có xu hướng “mở” và luôn bị ảnh hưởng bởi thủy triều tuy không gần biển. Ngay từ 300 năm trước Sài Gòn đã là thương cảng, kinh tế hàng hóa phát triển. Các chúa Nguyễn khi Nam tiến đã chiêu mộ người từ xứ Quảng Nam, xa hơn là Trung và Bắc Trung bộ đến khẩn hoang lập ấp, cùng với người Hoa, người Khơme, Chăm... làm nên một Sài Gòn năng động mà vẫn ung dung thư thái, chân phương mà cởi mở, bộc trực mà dễ chịu.
Mỗi vùng đất đều có những điều thú vị... Sài Gòn đáng yêu thế nhưng với đa số người Bắc vào miền đất ấy, thích Sài Gòn nhưng rất yêu Hà Nội. Bởi Hà Nội là mảnh đất dù còn nhiều hạn chế của một nền văn hóa Bắc bộ khép kín nhưng đến một lần không dễ quên. Vùng đất kinh kỳ ấy có mưa xuân lất phất, có ngày Tết se se lạnh, có mùa thu nồng nàn hoa sữa, là những con đường heo may vàng lá sấu, là tiếng chuông chùa ngân vang trên mặt Hồ Tây lảng bảng sương, có gió sông Hồng thổi se sắt... “Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội rưng rưng heo may”, (nhạc sĩ Phú Quang) quả không dễ quên so với cái trầm mặc và buồn hiu hắt của Huế, cái xôn xao, hối hả, ngập tràn ánh sáng của Sài Gòn.
Đường Thanh Niên dọc Hồ Tây rợp bóng mát cây xanh.
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Không ai phủ nhận các cô gái Hà Nội nói chuyện rất hay, tự tin, lưu loát. Người Sài Gòn nói không nặng như người miền Trung, không nói như hát như con gái Huế, và giọng cũng không thanh như dân Hà Nội. Họ nói với cái kiểu sảng khoái của dân Nam bộ. Các cô gái nói giọng mềm mại, ngọt ngào, và cũng rất tự nhiên, vui vẻ. Người Huế hay dùng các từ đệm như “o, mô, ni, chừ, răng...”, người Sài Gòn hay dùng các từ đệm như “nghen, hen, hén, ta, ghê”. Hà Nội “buôn dưa lê” thì Sài Gòn là “tám”. Người Sài Gòn xưng “con” thay vì “cháu” như ở Hà Nội...
Kể ra những điều dài dòng trên để thấy rằng, văn hóa là những giá trị lớn, nó có sức thuyết phục mạnh mẽ vô cùng song nó cũng là bức tường thành kiên cố nếu bạn không biết cách vượt qua. Người làm kinh doanh lại càng phải hiểu sâu về văn hóa khách hàng của mình.
Trên mảnh đất hình chữ S này, có bao nhiều điều khác biệt. Nhưng trong mỗi vùng miền, mỗi con người và trong chính những người sinh ra ở một miền, lớn lên ở một miền và cuộc đời tạo ra cơ duyên sống ở nhiều vùng miền khác, luôn có sự pha trộn văn hóa như sự chuyển động không ngừng của dòng chảy cuộc sống.
Lung linh Sài Gòn đêm...
Khi bạn biết yêu Hà Nội, thích Sài Gòn, mến cái nắng gió miền Trung, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấu những bức màn văn hóa, có cơ hội thành công cao hơn những người khác. Sự đa dạng văn hóa giúp xã hội phát triển nhanh hơn là vì vậy.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKT Sài Gòn