Hàng năm cứ vào dịp mùa thu, hàng nghìn còn chim sáo đá lại có màn trình diễn ngoạn mục trước lúc hoàng hôn trên bầu trời Scotland và nhiều nước khác trong khu vực ôn đới.
Đây là hiện tượng thiên nhiên hấp dẫn hiếm có được người ta gọi tên là "mặt trời đen". Một đàn chim khổng lồ di cư tạo thành nhiều hình dạng kỳ thú, thay đổi liên tục trên bầu trời.
Chim sáo đá là một giống chim nhỏ thuộc họ chim sẻ. Những bầy sáo đá di cư được coi là một trong những cảnh đẹp độc đáo của thiên nhiên, thu hút đông đảo khách du lịch đến chiêm ngưỡng.
Các nhà khoa học cũng không có lý giải chắc chắn về hiện tượng lạ thường này. Ngay cả những nguyên tắc toán học phức tạp cũng chưa giải thích được vì sao hàng nghìn con chim sáo đá có thể cùng nhau nhào lộn trên không mà không bị va chạm nhau trong khoảng thời gian dưới 100 mili giây. Những con chim sáo đá có xu hướng quy tụ lại để bảo vệ lẫn nhau, tránh được những kẻ săn mồi như chim ưng, chim ó và chúng có thể đạt tốc độ lên đến 20 dặm mỗi giờ (32 km/giờ).
Mỗi con chim sáo đá phải chú ý theo dõi hướng đi của sáu hoặc bảy con khác trong đàn chim khổng lồ để giữ được khoảng cách nhất định. Đến mùa xuân năm sau, từng đôi chim sáo đá sẽ tách đàn để xây tổ ấm và chúng sẽ lại nhập đàn vào mùa thu năm sau.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động