Viên ngọc Đất Mũi

Cập nhật 28/03/2010 17:58

Đứng từ Đất Mũi hướng về phía đông nam, dễ nhận ra một cụm đảo xanh rì nổi lên giữa biển trời bao la. Cụm đảo Hòn Khoai còn giữ nét hoang sơ, yên tĩnh được xem như viên ngọc của Đất Mũi.


Cụm đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, cách đất liền 18 cây số, gồm Hòn Khoai, Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ... tạo thành một kiệt tác của thiên nhiên. Trong đó, Hòn Khoai nổi lên uy nghi và hùng vĩ với diện tích 561ha, cao 318 mét. Thời Pháp thuộc, trên địa bạ ghi tên hòn đảo này là Poulo Obi.

Đại ngàn giữa biển khơi

Nhìn từ trên cao, đảo có hình dáng như củ khoai nhưng theo truyền tụng dân gian, sở dĩ gọi Hòn Khoai là vì từ xa xưa đến nay, trên đảo có nhiều giống khoai rừng, có thể do cư dân mang tới trồng từ lúc mới khai hoang, cứ đến mùa mưa là chúng đua nhau mọc. Hằng năm dân trên đảo và đất liền thường kéo ra thu hoạch, coi như món quà hào phóng thiên nhiên ban tặng.

Từ cửa sông Rạch Gốc, ngồi tàu mất khoảng hai tiếng rưỡi sẽ đặt chân lên Hòn Khoai, vừa tới bãi Nhỏ, thật khoan khoái, nhẹ nhàng hít thở không khí trong lành.


Có thể nói đây là một khu du lịch sinh thái lý tưởng nằm giữa trùng khơi, biển rộng hiền hoà. Càng thích thú khi chúng ta men theo các bãi bồi hoặc vòng qua bãi Lớn ngắm nhìn những vách núi cheo leo, những hòn đá cuội trầm tĩnh vô ngôn, xen kẽ những khóm hoa rừng.

Hòn Khoai là loại đảo đá, đồi và rừng thiên nhiên hoang dã, cây cối mọc um tùm tạo nên một "đại ngàn" giữa biển khơi. Mọi thứ còn nguyên, chưa bị ai tàn phá.

Điểm du lịch sinh thái tuyệt sắc

Lần theo những triền đồi thoai thoải uốn theo hình trôn ốc, băng rừng, lội suối, vừa đi vừa ngắm nhìn những mảng xanh thơ mộng được bố trí thành nhiều tầng. Đặc biệt là những gốc cổ thụ - dấu ấn của một vùng đất có bề dày lịch sử vài trăm năm.


Đến với Hòn Khoai, du khách sẽ có dịp ghé thăm trạm ra đa và ngọn hải đăng, một trong những ngọn nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ, Côn Đảo, Phú Quốc. Hòn Khoai có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 nay vẫn còn nguyện vẹn. Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận là di tích - thắng cảnh cấp quốc gia kể từ năm 1994.


Hòn Khoai chẳng những là một danh thắng của Cà Mau mà còn là nơi ghi dấu chiến công vang dội của thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã cùng dân chúng chiến đấu chiếm Hòn Khoai từ tay giặc Pháp vào năm 1940.

Hòn đảo chứa đựng bao huyền thoại về một thời khai hoang mở cõi, nơi hội tụ nhiều cảnh quan tươi đẹp. Đặc biệt là suối nước trong veo - những dòng sữa tươi mát của đảo cùng với một quần thể động thực vật phong phú luôn mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng và khám phá.




Dưới các tán rừng già và trong các khe đá còn có trăn hoa, kỳ đà, sóc bụng trắng và hơn 20 loài chim quý. Anh Phan Châu Tuấn, Hạt trưởng Kiểm lâm Hòn Khoai phấn khởi nói: Ngoài việc trông nom, bảo vệ rừng, bộ phận kiểm lâm còn trồng mới 35ha rừng, thả nai và 3.000 con trăn gấm đen để bổ sung cho tài nguyên rừng”.

Tiệc giữa đại ngàn

Khách du lịch đến Hòn Khoai, điều thú vị nhất là bày tiệc giữa rừng, nơi có những tán dù cổ thụ hoặc quây quần bên bờ suối nghe nước róc rách, nghe tiếng chim kêu ríu rít. Trong không gian đó, vừa thưởng thức những món đậm đà hương biển như sò, vọp, tôm tích, sú… vừa hát cho nhau nghe những bài tân cổ hoặc những làn điệu dân ca mượt mà của xứ biển.

Tại hòn đảo ngọc này, ngoài những thảm thực vật nguyên sinh với nhiều cây rừng quý hiếm như lim, trắc, sến, sao, dâu... còn có các loài cây ăn trái như ổi, xoài, mít, chuối... những dây leo chằng chịt uốn lượn trên những tàn cây rậm lá.

Bờ biển còn có nhiều rong biển bám trên đá cũng là những vị thuốc mát và bổ… Hòn Khoai còn là một kho tàng dược thảo quý giá như: huyết rồng, kỳ hương, phục linh, thiên niên kiện, rán bay, thần thông, cát lồi, nấm linh chi. Nếu có những ngày nghỉ dưỡng, nhớ đến Hòn khoai để dự tiệc giữa đại ngàn, thưởng thức những món từ rau rừng thảo dược.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Ảnh: Internet