Về thăm làng cổ Đường Lâm

Cập nhật 04/06/2013 15:18

Một chuyến đi trong ngày đến ngôi làng cổ Đường Lâm thanh bình nằm cách trung tâm Hà Nội không xa, là một lựa chọn không tồi cho những ngày cuối tuần.

Một ngày hè oi ả đầu tháng 6, Đường Lâm đón chúng tôi bằng bản hợp ca vào hạ của những chú ve râm ran khắp các ngả đường. Dưới bóng mát của cánh cổng làng tựa bên gốc đa cổ thụ, chúng tôi quẩn quanh ngắm nhìn những nét sinh hoạt của người dân mà tưởng chừng như thời gian đã ngưng đọng lại. Đường Lâm, một ngôi làng Việt cổ còn tồn tại với nguyên vẹn những giá trị của bản sắc phi vật thể và vật thể hòa quyện vào nhau qua hàng thế kỉ. Và dường như những thay đổi, những biến động của cuộc sống hiện đại bên ngoài kia vẫn chưa thể nào chạm đến linh hồn của ngôi làng.

Đường vào làng cổ Đường Lâm


Cổng làng

Ao sen ngát hương ngay sát cổng làng

Đường Lâm gồm có 5 thôn: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm nằm tựa vào nhau dưới vùng chân núi Ba Vì, bên cạnh các con sông lớn như: sông Đáy, sông Đà, sông Hồng, sông Tích. Trong đó Mông Phụ là thôn có cổng làng xưa nhất được xây dựng từ 1833, phía trên có dòng chữ “ Thế hữu hưng ngơi đại” nghĩa là thời nào cũng có nhân tài. Điểm nhấn ở thôn này là đình Mông Phụ, được xây vào năm 1684 dưới đời vua Lê Hiển Tông, trên một khu đất trống giữa đỉnh đồi, nơi trung tâm làng. Đình mang một lối kiến trúc cổ đậm bản sắc của người Việt xưa, được thiết kế theo kiểu chữ Công. Từ đình nhìn ra phía tay phải là Xích Hậu, nơi tiếp khách trước khi vào đình làm lễ. Xưa những người con gái lấy chồng phương xa ngày lễ về có thể dừng chân ở đây và chuẩn bị lễ vào đình. Hai bên hông có hai giếng cổ được coi là mắt rồng. Hàng rào bao quanh được xây dựng bằng đá tổ ong, tạo nên một vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc cho ngôi đình.

Đình Mông Phụ

Rời Mông Phụ, chúng tôi tiếp tục rảo bước trong vô định mà không theo một kế hoạch nào trước cả. Những con đường lát gạch nghiêng đã ươm màu hoài cổ cứ thế đưa lối chúng tôi qua từng cánh cổng phủ đầy hoa. Cánh cửa gỗ khép hờ như một lời chào mời của gia chủ rằng bạn có thể ghé vào uống cốc nước vối cho lại sức trước khi tiếp tục cuộc hành trình khám phá làng cổ. Lấp ló ẩn hiện sau bức tường xanh rêu kia là những ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi, còn nguyên vẹn hình hài dù đã trải qua bao thăng trầm của thời cuộc. Những ngôi nhà cổ được Nhà nước công nhận và đầu tư bảo quản rất cẩn thận. Mọi việc sửa chữa và xây dựng đều phải qua sự kiểm duyệt của cơ quan bảo tồn trước khi tiến hành. Nhờ quy trình quản lý khá khắt khe như vậy, nên Đường Lâm sau bao năm vẫn không hề thay đổi nhiều.

Đường làng



Ngôi nhà cổ





Đang mùa gặt, đâu đâu cũng thấy những xe chở lúa

Đường Lâm là một địa điểm thu hút nhiều du khách

Chúng tôi lang thang tới nhà thờ công giáo Đường Lâm, được xây dựng từ năm 1953, theo lối kiến trúc của các nhà thờ Châu Âu. Nhà thờ có tháp chuông rất đẹp. Khuôn viên nhà thờ không rộng lắm, mọi thứ cũng đã cũ kĩ và hoen úa. Đường Lâm còn được mệnh danh là ấp hai vua, vì nơi đây cũng là nơi trưởng thành của hai vị anh hùng dân tộc là Ngô Quyền và Phùng Hưng. Lăng của hai ông nằm ở thôn Cam Lâm, lăng Ngô Quyền được xây dựng bằng gạch, lợp ngói mũi hài, xây vào thời Thành Thái (1889 -1907). Tương truyền vua Ngô Quyền đã buộc voi chiến và ngựa chiến tại đây, có rặng Duối cổ được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đền thờ Phùng Hưng thì được xây theo kiểu chữ nhị cũng vào thời Thành Thái. Hội đền được tổ chức vào ngày 8 tháng giêng âm lịch.


Nhà thờ công giáo ở Đường Lâm

Sau khi viếng thăm lăng Ngô Quyền và Phùng Hưng, chúng tôi lại bách bộ trong khuôn viên làng cổ, ghé thăm hết di tích này đến di tích khác. Những Đình Mẫu, Đình Cam Thịnh, Đình Hoài Giáp, chùa Mía, chùa Ón cổ kính in màu thời gian. Những chiếc giếng cổ thời xa xưa mang nhiều truyền thuyết huyền bí. Những ngôi nhà cổ vẫn giữ được nghề truyền thống như làm bánh chè Lam, chè kho, kẹo lạc, kẹo dồi... Thấm mệt, chúng tôi dừng lại ở quán nước ven đường, thưởng thức một ly chè mát lạnh, phiếm chuyện xưa cùng người làng, ngỡ như mình đang sống lại những năm tháng xa xưa của nhiều thế kỉ trước. 

Quán nước ven đường

Rảo bước lang thang ở Đường Lâm trong một buổi trưa hè vắng lặng, trên những con đường phủ rơm vàng tươi thơm ngai ngái, tiếng nói cười của du khách thỉnh thoảng vang lên đâu đó phá tan cái không gian im ắng giữa cái nắng trưa mùa hè. Bất chợt nhìn thấy một nụ cười hiền hậu của cụ bà đang bỏm bẻm nhai trầu, mọi mệt nhọc dường như tan biến nhường chỗ cho một sự kính trọng và lòng biết ơn, những người con Đường Lâm đã tồn tại và gìn giữ những di sản qúy giá của hồn dân tộc Việt.

Con đường nhỏ trải đầy rơm vàng óng


DiaOcOnline.vn - Theo Tri Thức Trẻ