Khi đến sân bay quốc tế Pulkovo tại thành phố St. Petersburg, tôi hầu như chưa có ấn tượng gì đặc biệt về thành phố này. Đến khi có nhiều thời gian khám phá St. Petersburg, tôi mới hình dung được sự phát triển của đế chế Nga vào thế kỷ XIX mà thời kỳ cực thịnh diện tích của nó đã chiếm 22 triệu km2, tương đương 1/6 diện tích Trái Đất.
St. Petersburg cổ kính
Thành phố được xây dựng dưới thời Peter Đại đế, được coi như “cửa sổ phía Tây” nơi lãnh thổ của Nga giáp với Bắc Âu. Được thiết kế bởi các kiến trúc sư châu Âu vào thế kỷ XVIII và XIX với sự ngăn nắp và tráng lệ, St. Petersburg là một trong các thành phố đẹp nhất của châu Âu, làm say mê biết bao du khách.
Trải qua nhiều thế kỷ, thành phố cũng được đổi tên nhiều lần. Đầu tiên là St. Petersburg, đến năm 1914 trong khi giao chiến với Đức trong Chiến tranh thế giới thứ I, thành phố được đổi tên thành Petrograd. Sau ngày vị lãnh tụ V.I. Lenin của Liên bang Xô viết qua đời, thành phố đổi tên thành Leningrad. Khi Liên Xô sụp đổ, sau một cuộc trưng cầu dân ý, thành phố được đổi tên lại St. Petersburg.
Phòng tiếp khách tại Cung điện Catherine, St. Petersburg.
|
Nếu có dịp đến đảo Vasilevski, nằm bên kia bờ sông Neva, bạn sẽ thấy rõ ràng sự quy hoạch trong kiến trúc của thành phố với các đại lộ thẳng tấp. Tương truyền rằng sau khi Peter Đại đế tham quan thành phố Venice, ông đã quy hoạch và cho đào các con kênh thẳng tắp nhằm biến St. Petersburg thành Venice của Nga. Rất tiếc ông đã mất trước khi dự án hoàn thành và sau đó người ta đã cho san lấp các con kênh đào thành các đại lộ thẳng tắp như ngày hôm nay.
Từ phía hữu ngạn của sông Neva, khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố St. Petersburg với Đại giáo đường St. Isaacs, thành trì Peter & Paul và bảo tàng Hermitage.
Khung cảnh của những tòa nhà cổ kính dọc theo dòng sông Neva, các con kênh đào và các đại lộ chính gợi nhớ đến các thành phố lớn như Paris, Amsterdam, Venice hoặc Berlin. Mặt khác, chịu ảnh hưởng kiến trúc của thời Xô viết, thành phố này còn có những nét đẹp riêng không nơi nào có được.
Cùng vĩ tuyến với các thành phố Seward, Alaska, Cape Farewell và Greenland, St. Petersburg hầu như không hề tắt nắng suốt 24 giờ trong ngày giữa Hè (cuối tháng 6, đầu tháng 7). Ngày 21 đến 23 thường được coi là ngày dài nhất trong năm với nhiều lễ hội dân gian và ca nhạc suốt đêm, đêm trắng bắt đầu từ 11-6 và kết thúc vào 2-7. Nhiệt độ mùa Đông tại đây rất khắc nghiệt, thường lạnh dưới 00C và kỷ lục về giá lạnh ở đây là -480C.
Đại giáo đường St. Issacs.
|
Với mái vòm hùng vĩ bằng vàng, Đại giáo đường Isaacs nổi bật trên nền trời của thành phố St. Isaacs. Kiến trúc sư Pháp Ricard De Montferrand là người chiến thắng trong cuộc thi chọn mẫu thiết kế đại giáo đường này do Nga hoàng Alexander đệ nhất tổ chức. Giáo đường được bắt đầu xây dựng năm 1818, nhưng mãi đến 1858 mới được hoàn thành dưới thời của vua Nicholas đệ nhất. Một số chiếc tàu và xe lửa được thiết kế và chế tạo riêng nhằm đưa những cột đá granite khổng lồ từ Phần Lan về để xây dựng giáo đường.
Kiến trúc sư thiết kế Đại giáo đường St. Issacs.
|
Đây là một trong những kiến trúc quan trọng của thủ đô thời đó, nên khi khánh thành đã có sự hiện diện đầy đủ các nhân vật quan trọng, từ Nga hoàng đến các bộ trưởng của Nga. Mãi đến năm 1990, thánh lễ mới được tiếp tục thực hiện tại giáo đường này sau khoảng thời gian 62 năm gián đoạn dưới thời Xô viết.
Cung điện Mùa Hè còn gọi là Cung điện Catherine, được xây dựng lần đầu năm 1717. Đến năm 1733, hoàng hậu Anna chỉ định hai nhà kiến trúc Mikhail Zemtsov và Andrei Kvasov nới rộng cung điện. Đến năm 1752, nữ hoàng Elizabeth đã yêu cầu kiến trúc sư hoàng gia Bartolomeo Rastrelli phá hủy kiến trúc cũ và thay thế bằng lâu đài hoành tráng, sặc sỡ hơn theo kiểu rococo cầu kỳ. Sau bốn năm thi công, kiến trúc sư và đội ngũ thợ xây giỏi đã hoàn thành cung điện mới hoàn toàn, dài 325m, làm kinh ngạc, sững sờ triều thần và các đại sứ nước ngoài.
Trong suốt thời gian trị vì của nữ hoàng Elizabeth, cung điện rất nổi tiếng với vẻ bên ngoài sặc sỡ đặc biệt. Hơn 100 ký vàng đã được dùng để mạ mặt ngoài của cung điện và các bức tượng dựng trên mái của lâu đài. Cũng có tài liệu nói rằng toàn bộ mái của cung điện cũng được làm bằng vàng nguyên chất. Cung điện được sử dụng bởi nhiều Nga hoàng khác nhau đến năm 1917 và bị tàn phá nặng nề bởi Chiến tranh thế giới thứ I. Hiện nay, hầu như tất cả các phòng đều được phục chế lại theo nguyên bản thiết kế của kiến trúc sư Rastrelli.
Nổi tiếng nhất tại lâu đài này là Phòng Hổ phách, được trang trí và thiết kế từ các loại hổ phách quý, hàng ngàn năm (là quà của vua Phổ tặng Peter Đại đế năm 1716). Những báu vật này đã bị Đức quốc xã cướp đoạt và cho đến nay Nga vẫn đang truy tìm. Phòng Hổ phách đã được phục chế theo đúng phiên bản cũ.
Moscow tráng lệ
Do lo sợ phát xít Đức sẽ dễ dàng tấn công thủ đô St. Petersburg nên chính quyền Xô viết đã quyết định dời thủ đô về Moscow, và từ đó đến nay Moscow từng là thủ đô của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) và nay là thủ đô của Liên bang Nga. Những cư dân đầu tiên của thành phố này được ghi nhận từ thế kỷ thứ XII và công tước Yury Dolgoruky là người có công trong việc xây dựng tường rào và hào bao quanh thành phố để chống lại sự cướp bóc.
Dân số hiện nay có trên 12 triệu người và mới đây, Moscow đã vượt qua Tokyo trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Những căn hộ mới xây giá trung bình khoảng 10.000 USD/m2 đã vượt quá xa so với thu nhập của đại bộ phận dân chúng tại đây.
Ga xe điện ngầm Moscow.
|
Tình trạng kẹt xe khá nặng tại Moscow vì số lượng xe hơi của thành phố này đã lên tới hơn bốn triệu chiếc. Xen lẫn các loại xe đời mới nhất của các hãng xe nổi tiếng trên thế giới như Mercedes, BMW, Ford,… trên đường phố, vẫn còn các loại xe Lada, Moskvich được sản xuất cách đây ba, bốn chục năm.
Thế nhưng phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Moscow cũng như khách đến thăm nơi này là xe điện ngầm (gọi là metro) với hơn 7 triệu lượt người đi lại hàng ngày. Hệ thống xe điện ngầm đầu tiên được đưa vào sử dụng từ năm 1935, hiện nay số lượng nhà ga xe điện ngầm đã vượt qua con số 150. Những ga đầu tiên được xây dựng rất sâu dưới lòng đất, được sử dụng như hầm tránh bom trong trường hợp có chiến tranh.
Hình trang trí ga xe điện ngầm tại Moscow.
|
Ga điện ngầm tại Nga nổi tiếng với các trang trí nghệ thuật khác nhau. Ga Kievskaya nổi tiếng với các hình cẩn đá lịch sử của Ukraina và nhiều hình ảnh tươi vui của giai cấp vô sản. Ga Mayakovskaya từng giành được giải đặc biệt trong Triển lãm thế giới tại New York năm 1938 có nhà ga chính bằng inox và đá cẩm thạch. Ga Komsomolskaya có các hình cẩn đá của các anh hùng dân tộc của Nga. Đây cũng là ga có trang trí với nhiều ngọn đèn chùm hết sức lộng lẫy.
Xe điện ngầm tại Nga có lẽ do chưa được đầu tư mới kịp thời nên nhiều chiếc khá cũ kỹ. Thật bất tiện nếu đi xe điện ngầm mà không biết tiếng Nga. Tên các nhà ga đều ghi bằng tiếng Nga và tuyệt đối không có chỉ dẫn nào bằng tiếng Anh.
Chúng tôi dự kiến tham quan Điện Kremlin ngay ngày đầu tiên khi đến Moscow, nhưng phải dời đến ngày hôm sau, do nơi đây đóng cửa để đón tiếp phái đoàn của Tổng thống Mỹ Obama.
Điện Kremlin nằm bên bờ phía Bắc của sông Moscow, là phần cổ nhất của thủ đô và hiện nay là nơi làm việc của cơ quan quyền lực tối cao của chính quyền Nga. Nó được xây dựng khoảng năm 1150, làm pháo đài bảo vệ thành phố. Sau đó thành phố ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các công tước của Nga và đến năm 1320 thì nơi đây trở thành tổng hành dinh của nhà thờ Chính thống Nga.
Khẩu thần công của Nga hoàng đúc 1586, Kremlin.
|
Nằm trên diện tích khoảng 275.000m2 trên một hình tam giác không cân đối, Điện Kremlin là một khu phức hợp, lấy Quảng trường Nhà thờ là trung tâm và được bao quanh bởi sáu kiến trúc, trong đó là ba nhà thờ.
Nhà thờ mười hai thánh tông đồ, Kremlin.
|
Trước đây tại khu vực phía ngoài điện Kremlin có các công trình xây dựng bằng gỗ, nhưng đến năm 1843 thì bị phá bỏ hoàn toàn theo lệnh của Đại công tước Ivan III do chúng dễ bị cháy. Sau đó, khu vực này được chuyển đổi thành khu vực thương mại chính của thành phố, thỉnh thoảng được sử dụng làm nơi diễn ra lễ đăng quang của các Sa hoàng. Quảng trường bắt đầu được xây dựng và được sử dụng để tiến hành các nghi lễ chính thức của các chính quyền Nga sau đó.
Tại Quảng trường đỏ còn có lăng Lenin, mở cửa cho khách tham quan từ 10 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Xung quanh quảng trường này là nhà thờ St. Basil với kiến trúc màu sắc rực rỡ như trong truyện cổ tích, được xây dựng từ năm 1555, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhà thờ Kazan và Trung tâm Thương mại GUM.
Vào thời Xô viết, GUM là cửa hàng bách hóa lớn nhất Moscow, còn ngày nay nó là biểu tượng của giới nhà giàu Nga mới nổi sau này vì các của hàng tại đó đầy ắp hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Có thể dễ dàng mua các hàng mới nhất của Louis Vuitton, Prada, Gucci… với giá đắt hơn châu Âu khoảng 20%.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân cuối tuần