Từ cổng vòm đến cửa Roll

Cập nhật 05/03/2008 08:34

Năm lên mười một tuổi, tôi thi vào trường Gia Long – Sài Gòn chỉ vì say mê cái cổng vòm của trường. Chiếc cổng cong cong, cao ngạo không chịu ẩn mình dưới hàng cổ thụ mà kiêu hãnh ngẩng đầu, dáng vẻ uy nghi pha chút kỳ bí, nhìn xe cộ tất bật ngày ngày trôi qua ngoài đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) với vẻ hững hờ.


Nhưng tới tận hai năm sau, tôi mới chính thức mặc chiếc áo dài trắng đính phù hiệu Gia Long và ôm cặp bước vào trường. Cổng vòm vẫn là nỗi đam mê của tôi nhưng vì trường có tới bốn lối ra vào, cổng chính dành cho các nữ sinh đi xe đạp, còn tôi đi học bằng xe “đưa rước học sinh” nên phải vào trường bằng ngã Ngô Thời Nhiệm hoặc Trương Định…


Vậy mà tôi vẫn được đàng hoàng bước trong cổng vòm hằng ngày là nhờ cô bạn ngồi bên đi học bằng xe đạp. Biết nỗi khổ của bạn là phải dắt xe chờ trường mở cửa, tôi giành dẫn xe; nhỏ bạn khoái chí vì được rảnh rang tản bộ, thưởng thức hàng rong quanh trường!..

Cảm xúc thật khó tả hết khi tôi đi chầm chậm, tận hưởng không khí mát lạnh trong vòm và đặt bước chân đầu tiên vào sân trường rộng thênh thang, nhìn mấy hàng liễu cạnh mái ngói rêu phong, lắng nghe âm thanh xào xạc của lá vàng, thoảng trong gió mùi thơm của hàng bông sứ…


Năm tôi mười sáu - cả trường bãi khóa. Từ cổng vòm, tôi hòa vào dòng người xuống đường và bị bắt trong chiếc áo dài còn đính phù hiệu Gia Long. Sau một tuần khóc hết nước mắt bên trong song sắt Tổng nha Cảnh sát vì… sợ ma và sợ chuột, tôi được “hộ tống” lên trại giam Thủ Đức.

Không biết kiến trúc sư nào hay thiệt – cổng vòm và cửa roll của nhà tù Thủ Đức thiết kế giống hệt nhau, chỉ khác nhau về tên gọi và cách đi vào!

Với cổng vòm, tôi phải lấy hết can đảm đưa tất cả sách, nào truyện, nào thơ…vào chiếc rương to đùng, khóa kín lại, cắn răng liệng chìa khóa xuống sông, để “chuyên tâm” luyện thi. Với ý chí của đứa bé mới lên mười tuổi – muốn được mặc áo dài trắng, mang phù hiệu “Hoa Mai” đường hoàng bước vào cổng vòm - tôi đã được nguyện vọng, cho dù phải mất hai lần thi. Ở tuổi đó tôi đã biết ngân nga:

“Ai chiến thắng mà không từng chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”…


Dưới cổng vòm, tôi đã được trang bị kiến thức và văn hóa: say chiến thắng Bạch Đằng Giang cùng hành quân tốc chiến với anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, khóc cùng công chúa Ngọc Hân trong “Ai tư vãn”…Tôi không phải học mà gần như “nuốt” lấy thơ văn, từ giọng điệu quý phái của Bà Huyện Thanh Quan tới chất trần tục, biếm đời của Hồ Xuân Hương, Tú Xương…còn Đời và Thơ của Nguyễn Công Trứ là niềm say mê khôn dừng.

Còn cửa roll, tôi nào có muốn vào! Nỗi nhớ nhà, nhớ lớp, sợ ma, sợ chuột, sơ dơ…Vậy mà được đi qua với một dàn lính hộ tống - kể cũng hay hay khi tất cả mọi người từ các chị em nữ tù tới các nhân viên của trại đều biết “cô bé Gia Long” duyên dáng, thanh mảnh với mái tóc thề và áo dài trắng, đi vào tù với nụ cười bình thản.

Rồi trong cửa roll tôi được học thêm truyền thống đấu tranh của dân tộc mà trường chưa dạy tôi. Tôi được biết nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam đã đi qua cửa roll vì một mục đích duy nhất là: đem lại cho Tổ quốc trọn vẹn dải giang san trải dài từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau…


Từ giã cổng vòm thân yêu, chia tay cửa roll đáng ghét, tôi nhẹ nhàng đi làm Cách mạng với tất cả niềm tin và hi vọng. Mãi cho đến hết tuổi học trò tôi cũng chưa được một lần bước lại cổng vòm để tận hưởng niềm hạnh phúc thả hồn bay bổng với thơ ca…Còn cửa roll, tôi phải trở lại lần thứ hai với một con người hoàn toàn khác, không chỉ được trui rèn trong lửa đạn, biết thế nào là sự hy sinh, mà còn hiểu được rằng: muốn làm một người hoàn thiện không dễ dàng gì…

Theo KT Nhà Đẹp