Thư gửi người không thể về Việt Nam ăn Tết...

Cập nhật 06/02/2008 08:53

Tất bật... Không khí Tết tràn ngập ngoài phố, len lỏi trong các ngõ ngách của Hà thành. Phố phường đến hôm nay dường như đã bớt hẳn sự đông đúc, có lẽ bởi rất nhiều người đã theo tiếng gọi của Tết quê, của gia đình. Chẳng thế mà có người khẳng định, muốn yêu Hà Nội nhất hãy đến với Hà Nội vào những ngày Tết.

Trên các con phố, người ta thấy những chiếc xe máy chở cành đào, cây quất hối hả về nhà hay đưa ra ngoài chợ. Dọc theo phố là các hàng bày bán cây cảnh đủ loại, từ các loại hoa truyền thống như thủy tiên, cúc,… cho đến đỗ quyên, đồng tiền, địa lan,…

Các con phố bán bánh kẹo, mứt Tết nổi tiếng vào thời điểm cuối năm lúc nào cũng đông và dễ tắc đường, phải kể đến là Hàng Buồm, Hàng Đường, Bà Triệu, Đồng Xuân,… Cũng không kém phần nhộn nhịp là các cửa hàng quần áo trên Hàng Ngang, Hàng Đào, Đinh Liệt,…

Hội chợ Xuân theo thông lệ hàng năm được tổ chức ở triển lãm Giảng Võ, Vân Hồ hay Cung văn hóa Việt Xô, lúc nào cũng thu hút một lượng lớn khách hàng… Cứ thế, phố Hà Nội cứ nhộn nhịp, Tết cứ đến lúc nào mà mọi người không hay.


Gần Tết, gia đình nào cũng lo lau dọn, trang trí và mua sắm. Ai cũng nghĩ, càng ngày Tết sẽ càng đơn giản, bớt đi các khâu rườm rà, nhưng chẳng ai bớt được những việc có vẻ "không tên" kia. Mỗi gia đình thu nhỏ như một biểu tượng của xuân mới với các sắc màu rực rỡ. Màu đỏ của hộp mứt, của phong bao lì xì… Màu xanh của lá cây, của lộc non, của bánh chưng, của cây giò Tết…

Màu hồng của đào phai, màu cam của quất chín, màu vàng của hoa mai… Tết, theo một cách hiểu nào đó là sự tụ họp. Với mỗi gia đình thì sự tụ họp còn được thể hiện qua bàn thờ tổ tiên với nén hương trầm, với cặp bánh chưng, với mâm ngũ quả, với lọ hoa, với mâm cỗ,… Chính vì ý nghĩa của sự tụ họp đó mà khi Tết đến, nhiều gia đình, nhiều bạn bè... lại nhớ đến người thân của mình đang ở xa.



Các gian hàng bán tranh, sản phẩm trang trí nhà
và bao lì xì thường đông khách vào ban đêm.


Đến giờ phút này thì đồng hồ đang đếm ngược để cả Việt Nam cùng hân hoan "Chúc mừng năm mới".

Ai cũng hiểu, do phong tục tập quán, rất ít nơi có không có "Tết âm lịch" như ở ta. Bên kia đang là những ngày hết sức bình thường. Vì bận rộn, vì học hành, thi cử… nên bao người ở xa chẳng thể về quê ăn Tết cùng gia đình. Ở nơi nào đó, bạn phải thức đến sáng sớm để đón giao thừa, hay đêm giao thừa lại là một buổi chiều ở trời Tây. Buồn lắm chứ.

Nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ người yêu, nhớ không khí của cái Tết "ngày xưa", dù ngày xưa ấy có khi còn ít hơn 360 ngày trước. Chỉ biết chia sẻ với mọi người qua email, qua tin nhắn, qua những phút trò chuyện điện thoại vội vàng,… Và chỉ nhắn được một câu “Nhớ chụp nhiều ảnh Tết Hà Nội”.

Vâng, Tết là đây!

Hương vị Tết… Là của hoa, hoa quất, hoa hồng, hoa cúc… Mùi nồng của gạo nếp bánh chưng. Thơm của bát canh măng nghi ngút khói. Hòa hợp của nem cuốn. Thoảng của dưa hấu đỏ. Dịu nhẹ của hương trầm. Dễ chịu của chậu nước lá mùi hôm mùng 1. Hòa quyện… hương và vị Tết.


Âm thanh… ồn ào mua bán ngoài chợ, ngoài phố. Nhộn nhịp xe cộ hối hả về quê ăn Tết. Xa rồi tiếng pháo nổ, bây giờ có pháo hoa rực rỡ bầu trời trong 15 phút từ giao thừa. Chuông chùa ngân vang vào tĩnh lặng của lúc giao mùa ấy… Rồi tiếng chổi tre của cô lao công sau một đêm giao thừa vui vẻ của mọi người. Cả không gian yên ả, Thanh bình của Hà Nội ngày mùng 1 Tết. Đặc biệt là âm thanh của những lời chúc, sao mà vui vẻ và thân thương… Và hãy tĩnh lại để “lắng nghe mùa xuân về”…

Chắc hẳn ở xa nhà nhưng những người Việt cũng có một cái Tết theo cách riêng của mình. Những người cùng quê vẫn tụ họp nhau lại để đón Tết, để cùng chúc nhau một năm mới với nhiều niềm vui. Người ở nhà muốn gói trọn, gửi hết không khí, màu sắc, hương vị, các món ăn của Tết cổ truyền cho bạn qua bức thư này.



Xuân về trên Quảng trường Ba Đình.


Dù chắc hẳn không đủ, nhưng mong phần nào giúp bạn nhớ và sống cùng không khí Tết quê nhà. Một cái Tết thì không thể thiếu những lời chúc, vậy thì chúc các bạn một mùa năm mới luôn thành công, may mắn và sức khỏe. Còn phải chúc bạn luôn vững tin và mạnh mẽ, để trở về Việt Nam cùng chúng tôi sống, làm việc và đón Tết.

Gửi đến các bạn - những người ở phương xa - cảm nhận của một người trong nước về Tết Hà Nội, Tết Việt Nam. Đôi lúc tôi hỏi mình có nên gửi những dòng thư này không, bởi tôi sợ sẽ gợi nhắc, gợi nhớ để rồi làm bạn buồn. Nhưng tôi hiểu, để sống tốt trong hiện tại thì ta không thể quên quá khứ, không thể không hướng tới tương lai. Hy vọng, bạn sẽ phần nào được sống trong không khí của một cái Tết “mới” ở Hà Nội.

DiaOcOnline.vn