Thăm quê hương William Shakespeare

Cập nhật 02/03/2008 08:51

Ai đó đã nói, sự đền bù xứng đáng nhất cho nỗ lực sống của con người là vẻ đẹp nghệ thuật kiến trúc. Người ta còn nói kiến trúc là một bản nhạc mà mỗi giai âm là một công trình và tổng phổ của nó chính là cảnh quan đô thị... “Nghe-nhìn” nó, tâm hồn con người được nâng đỡ, thăng hoa trong niềm hân hoan bất tận.

Sự quyến rũ ấy khiến chúng tôi xách ba lô đi đó đi đây, ngất ngây với những vẻ đẹp kiến trúc của: Moscow, Sofia, Prague, Budapest, Paris, Roma, Bắc Kinh, Thái Lan, Singapore, Washington DC... Lần này đến London, rồi đi dọc chiều dài Vương quốc Anh tới Edinburgh, thủ phủ của vùng Scotland nổi tiếng với khăn lông cừu Ca-sơ-mia, những “đàn ông mặc váy kẻ”, các cuộc duyệt binh và các hoạt động nghệ thuật.



Thành phố là nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật


London, không nhà chọc trời...

Gây ấn tượng đầu tiên cho chúng tôi ở cái xứ sở có lượng mưa trung bình hằng năm trên 1.000 mm với những cơn gió thổi từ Đại Tây Dương này, không phải là ga hàng không Heathrow rộng lớn khủng khiếp mà là những con phố nhỏ, bắt đầu hoặc kết thúc bằng một quảng trường. Nơi đó, từng dãy nhà nhìn sang nhau bằng cửa sổ phía trước và những ban công treo các giỏ hoa tươi tắn cùng đua sắc, làm cho phố xá đã vài trăm tuổi trở nên sinh động và tràn đầy sức sống.


Tu viện Westminster.

Cổ kính và yên tĩnh.


Ấn tượng sau đó là một số kiến trúc cổ nhất thời Phục hưng và thời của kiến trúc sư nổi tiếng Andrea Palldio (1508-1580) còn sót lại. Những tòa nhà nhỏ có dạng hình vuông của người Anglo-Saxon, một số lâu đài và nhà thờ với các mái vòm rất lớn của người Noóc-Măng cuốn hút tầm nhìn. Những khung vòm và chóp hình nón vươn cao trên bầu trời ghi dấu ấn Gô-tích, nhưng nhiều hơn cả là phong cách kiến trúc thanh nhã, hoa mỹ kiểu Ba-rốc và Rô-cô-cô thường thấy ở châu Âu cho nhà thờ và phong cách Victoria cho cung điện và nhà ở khiến ta choáng ngợp.

Nếu trung tâm London không khác là mấy so với thủ đô của các nước châu Âu thì ven đô, nơi những ngôi nhà nhỏ kiểu Victoria có cửa sổ lồi ra ngoài buông rèm trắng và cảnh quan vườn là sự thú vị. Vườn là “đặc sản” của họ, gây ấn tượng thẩm mỹ với toàn thế giới. Du khách dù đã ngưỡng mộ quang cảnh London với đồng hồ Big Ben, tu viện Westminster, cung điện Buckingham, nhà thờ chính tòa St.Paul và tháp London cũng không thể không nức nở với vẻ đẹp vườn mà người Anh chăm chút cho mỗi ngôi nhà của họ ở ngoại ô.

Làm mới cái đã cũ

Chảy qua trung tâm một thủ đô lớn nhất châu Âu trên một diện tích hơn 600 dặm vuông là dòng sông Thames, với 2 bên bờ những lâu đài soi bóng, với những cây cầu kiểu cổ bắc ngang. London không chỉ đẹp vì những giá trị cổ điển mà còn đẹp bởi những gì đang diễn ra. Một trong số đó là cây cầu Thiên Niên Kỷ bắc từ bờ hữu chạy sang bờ tả, chạy thẳng vào sân trước của Tate Modern, nơi trưng bày những tác phẩm nghệ thuật cách tân. Không cần phải liên tưởng sâu xa, cũng có thể nhận ra sự thi vị của ý tưởng của kiến trúc này.



Cung điện Buckingham.


London luôn có thêm hàng triệu khách du lịch thường xuyên bên cạnh dân số đông đúc vốn có, vận tải sẽ làm ô nhiễm môi trường nếu không có giải pháp. Xanh tươi bốn mùa và đẹp là giải pháp đầu tiên, đồng bộ. Xen giữa những lâu đài tồn tại hàng trăm năm, những phố xá đông đúc là những công viên Hyde, Green, St James và các công viên Hampstead Heath, Richmond và những hàng cây chạy trên các phố, dọc theo các cung điện, dây leo bò trên các tường hồi nhà ...

Giao thông ở London luôn làm người ta thắt tim vì các làn đường quá hẹp nhưng rất an toàn do hầu hết được điều khiển bởi “các tay lái lụa” sử dụng vô-lăng nghịch (Có lẽ để khắc phục điều này, việc đầu tiên những người Anh đặt chân lên nước Mỹ đã làm là thiết kế những con đường rộng với nhiều làn xe chạy).

Mới mấy ngày, chưa kịp “ngắm nghía” cho bõ công “lặn lội đường dài ở xứ đắt đỏ”, chưa kịp uống một đêm của quê hương Whisky, của rượu Pimms (một thức uống đặc thù Ăng-lê có mùi dâu được James Pimms phát triển năm 1840), chúng tôi đã phải chia tay London để đi thêm 900 km về phía Bắc tới Scotland.

Thành phố của lễ hội



Hoa treo trên cột trong lòng phố.


Từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối, xe chạy qua cao nguyên Ê-cốt, những cánh đồng mới gặt hút tầm nhìn bằng màu vàng bao la, những bãi chăn thả cỏ xanh ngút ngàn màu. Bò, dê và cừu thong thả gặm cỏ. Xe đưa chúng tôi qua những địa danh mà các đội bóng đá mang tên như: Manchester, Newcastle để vào Edinburgh, thành phố thị tứ văn hóa nằm trên ngọn núi lửa đã tắt từ thuở xa xưa, có dải đất ven bờ của vịnh Forth chạy dài về hướng Bắc. Một thành phố huy hoàng và lãng mạn xứng đáng để người ta đặt niềm tin cho những triển vọng cao quý của nó.



Lễ hội nghệ thuật ở Edinburgh được coi lớn nhất thế giới, được hình thành từ 1947 đến nay chưa có đối thủ, vốn là một phong trào khởi xướng sau chiến tranh nhằm tạo sự thống nhất châu Âu bằng văn hóa. Hàng ngàn cuộc biểu diễn đã được tổ chức, đáp ứng mọi thị hiếu, khuyến khích mọi khả năng và là một địa điểm để tuyển chọn và kiếm tìm những tài năng chưa biết trong nhân loại.

Ai là tổng công trình sư cho cả chiều dài lịch sử xã hội ở xứ sở này? Một xứ sở đi từ truyền thống (những lâu đài từ thời Trung cổ được bảo quản kỹ lưỡng, dấu tích của hoàng tộc, các bãi chiến trận còn nguyên màu sắc huyền thoại và lãng mạn) đến xã hội hiện đại với một kế hoạch vĩ mô về khuyến khích các sáng tạo mới của mọi tầng lớp nhân dân không chỉ riêng xứ mình mà cho cả toàn cầu.

Hằng ngày ở trước lâu đài hoàng gia có duyệt binh. Vé xem duyệt binh phải mua trước từ cả năm, nhưng trước giờ duyệt binh hàng ngựa chiến tuyệt đẹp trên lưng có các ngự lâm quân gõ móng đi lại ở bên ngoài để khuyến mại dòng người khao khát mà không có vé.

Không chỉ duyệt binh, hàng trăm chương trình nghệ thuật diễn ra trong các công trình công cộng, trên đường phố cuốn hút hàng triệu lượt người xem. Nếu xem đủ ngần ấy chương trình chắc phải mất ít nhất 600 ngày. Cho nên, hàng triệu người ấy chắc cũng như chúng tôi vừa mới về đã mơ ước thêm một lần trở lại.

Theo Địa Ốc Tuổi Trẻ