Thăm làng Minnathu

Cập nhật 29/05/2011 09:45

Minnathu là một ngôi làng nhỏ nằm rất gần với khu Bagan cổ (Myanmar), nơi có hàng ngàn ngôi đền tháp nằm bên bờ sông Ayeyarwady. Giữa những lặng lẽ thành Bagan thì Minnathu là nơi bạn có thể tìm thấy dòng chảy cuộc sống - một chút động trong cái tĩnh tại bình yên của chốn này.


Gánh nước về nhà

Sáng sớm ngày thứ hai trong hành trình khám phá Bagan, chúng tôi dậy rất sớm và ăn sáng trong ánh điện vàng le lói ở bancông tầng hai nhà nghỉ. Dưới đường, ánh đèn xe đi chợ sớm quét qua bóng những nhà sư trong màu áo cà sa đỏ sậm đang bắt đầu nghi lễ khất thực của một ngày. Chiếc xe ngựa đã đợi trước cổng nhà tự bao giờ.

Từ Nyaung U, cách tốt nhất để đến với Minnathu là xe ngựa. Xe đạp không là lựa chọn tốt, lý do rất đơn giản bởi con đường dẫn vào làng cát khá dày và không hề bằng phẳng, chưa kể cái nắng nóng của Bagan. Trên đường di chuyển, xe ngựa sẽ đi qua một loạt ngôi đền tháp rất đáng được tham quan và chiêm ngưỡng như Iza Gaw Na, Nanda Pyin Nya, Thambula, Payathozu.

Vó ngựa lọc cọc đưa chúng tôi rời khỏi Nyaung U tiến về khu tháp Nan Myint. Minnathu có một vị trí khá đặc biệt so với nhiều ngôi làng khác ở Bagan như Leya, Taungbi hay Hpyauk Seik Pin vì đây là ngôi làng nằm lọt giữa một loạt ngôi đền tháp lớn và có kiến trúc cầu kỳ, hoành tráng. Minnathu nằm trên đường Myat Lay và ngay sát với đền Thamanpaya và Ta Wa Gu.

Minnathu đang thức dậy ở phía nam. Những người dân đang rảo bước ra đồng, bước chân longyi vội vàng, hối hả trên trảng cát, đám cây bụi mọc lúp xúp và con đường mòn với hai bên bờ rào là cây xương rồng.

Minnathu lặng lẽ và có dáng vẻ nhọc nhằn trong cái nắng chói chang và lớp bụi cát thỉnh thoảng lại bị gió cuốn lên phủ mờ không gian ngôi làng nhỏ. Chiếc xe ngựa dừng lại bên một bờ tường dài, dưới một gốc cây lớn cành lá khẳng khiu như vạch những vết ngang dọc trên nền trời. Một đàn dê đi qua cuốn bụi bay mù mịt. Một vài chiếc xe bò trắng ì ạch chở nông dân ra đồng. Lặng lẽ và khô cong.
 


Xe ngựa là phương tiện hợp lý nhất để đến thăm làng Minnathu


Một ngôi nhà điển hình ở làng Minnathu

Chúng tôi vào một quán tạp hóa nhỏ nằm ngay đầu làng. Đây là quán dừng chân duy nhất người làng Minnathu dành cho du khách. Dăm chiếc ghế bố, một ít đồ ăn uống lặt vặt, bánh kẹo, nước uống. Nan Nan, cô bé chủ quán mặt trát dày bột Tanaka tránh nắng, đang thay hoa cúc trong những chiếc lọ treo trên vách liếp tiếp chúng tôi bằng vốn tiếng Anh ít ỏi. Mấy em bé đang chơi sau vườn, thấy có khách dừng chân cũng rón rén lên nhà, ngồi yên lặng trên tấm phản ngắm nhìn những người khách lạ.

Chúng tôi hỏi Nan Nan nhà bếp để xin nhờ nấu mì gói cho bữa sáng. Nhà bếp nằm cách quán một khoảng sân rộng, cạnh ngôi nhà sinh hoạt của gia đình. Kiến trúc nhà ở Minnathu có nét gì đó dân dã và đồng quê như những ngôi nhà ở miền quê Bắc Trung bộ. Cũng những tấm vách làm từ những tấm nứa đan, mái lợp tranh, gian bếp bé hơn nằm bên chái, nơi có cửa sổ xinh xinh trổ ra cạnh lu nước, bếp kiềng, than vùi...

Bạn tôi lúi húi lấy nồi, xin nước, cời bếp lửa. Một phụ nữ chuẩn bị cho chúng tôi mấy cái bát để đựng mì, lấy mỡ trong âu để rán trứng. Chút ngạc nhiên và thậm chí thích thú cười khúc khích khi thấy một nam thanh niên vào bếp nấu bữa sáng cho cả nhóm. Đám trẻ con ngồi ngoài ô cửa sổ nhỏ nhìn vào. Không biết khói bếp đã làm tôi cay mắt hay khoảnh khắc giản dị và bình yên ở làng Minnathu hôm ấy, khoảnh khắc không thể tìm lại ấy, đã khiến tôi rưng rưng.


Thổ cẩm truyền thống Bagan


Trong sân nhà

Sau khi ăn sáng và uống một tách cà phê Minnathu, chúng tôi đi lang thang quanh làng. Những ngôi nhà nằm rải rác, nhà nào cũng có khoảnh sân vườn rộng lớn, quét tước sạch sẽ. Đám trẻ con cứ tự chơi với nhau, đứa trèo lên xe cải tiến, đứa ngồi bệt ở đống củi, đứa lê la ở hiên nhà. Ngoan ngoãn, không quậy phá, chỉ cười tủm tỉm và ù té nấp sau lưng mẹ, lưng chị khi chúng tôi rủ đi chụp hình.

Người dân ở làng Minnathu ngoài đi làm đồng còn làm thêm việc sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Họ làm một vài sản phẩm để bán cho khách du lịch như quay sợi dệt vải, dệt khăn, làm khung tranh bằng tre, làm thuốc lá. Những sản phẩm thủ công khá thô sơ và mộc mạc. Ngay đến cách họ bán hàng tại nhà cũng mộc mạc, dù khách có mua hàng hay không cũng được mời ghé nhà chơi, ngồi vào bàn uống nước, hút thử xì gà Bagan.

Chúng tôi lang thang ở Minnathu hết nhà này sang nhà khác. Nhà thì vào bằng cổng chính hẳn hoi, nhà thì đi cắt qua vườn của người khác. Nhà có chú bò trắng nằm ườn bên bờ rào, nhà lại có chú đang chậm chạp kéo cối xay bằng cách đi vòng tròn. Mỗi người mỗi việc, nắng cứ nắng, gió cứ gió, cát bụi cứ cát bụi, người làng Minnathu cứ lặng lẽ và bình thản. Như thể thời gian không hề trôi.


Nan Nan trước cửa quán tạp hóa với lời chào “Every body welcomed”

Giữa trưa, con đường ở đầu làng trở nên tíu tít bởi những người phụ nữ đi gánh nước. Nước ở Minnathu rất hiếm, có một công trình trữ và lọc nước được tổ chức WB tài trợ xây ở đầu làng. Các gia đình hằng ngày tới đây mua nước gánh về đổ vào chum, vào lu. Một chú bé cầm cuốn sổ đánh dấu gạch số thùng nước mà các gia đình chở đi, cuối tháng sẽ thu tiền và số tiền này sẽ được tiếp tục tái đầu tư cho việc nâng cấp, giữ gìn nguồn nước.

Những đôi quang gánh hối hả rảo bước trên con đường cát bụi, đôi lúc nước sánh ra và biến mất ngay trên lớp cát bỏng. Người phụ nữ đã đi qua cổng làng, lướt qua ngôi đền gạch đỏ đang bừng lên trong nắng chói. Tôi vẫn ngồi im lìm dưới gốc cây và nhìn theo cho tới khi lớp cát bụi khiến mắt tôi hoa lên không còn nhìn thấy nữa, trả lại một không gian trong trẻo và nhẹ nhàng.

Tôi biết mình sẽ luôn nhớ về một Minnathu bình yên như thế. Nơi tôi đã gặp Nan Nan, đã thấy cô bé thay bình hoa cúc cũ bằng những bông hoa mới, để ngôi nhà nhỏ của cô luôn là một nơi ấm áp chào đón mọi người. Như câu nói bằng tiếng Anh giản dị trên biển hiệu: Every body welcomed!

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ