Thăm Côn Sơn

Cập nhật 07/11/2010 10:50

Về Côn Sơn mùa thu là thời gian đẹp nhất để chiêm ngưỡng cảnh sắc thắng tích này. Đây cũng là những ngày Côn Sơn thu mình, nép bóng dưới những tán thông cổ thụ, chuẩn bị một mùa hội xuân tấp nập và đông vui sắp tới.

 
Từ bàn cờ tiên, ngắm nhìn khung cảnh dưới chân núi - Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng

Nằm cách Hà Nội 80km về phía đông bắc, khu du lịch Côn Sơn thuộc địa phận xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh (Hải Dương) là một điểm đến trong tuyến hành hương Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử - Quỳnh Lâm. Khu du lịch sinh thái, nhân văn và tâm linh nổi tiếng này mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách về tham quan, lễ bái, vui chơi và nghỉ dưỡng.

Trái ngược cảnh chen chúc đông nghịt khách thập phương vào những ngày hội chính đầu tháng giêng và tháng tám hằng năm, những ngày thu là lúc đất trời Côn Sơn chìm trong tĩnh lặng, bình yên. Chỉ trong không gian yên ả như vậy du khách mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của một thắng tích, nơi mấy thế kỷ trước người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau khi từ bỏ chốn quan trường đã về đây sống ẩn dật, vui với cỏ cây, mây nước.

Hành trình Côn Sơn có thể bắt đầu bằng vãn cảnh Côn Sơn tự, ngôi chùa được khởi dựng vào thời Trần. Cùng với chùa Yên Tử, Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, đây là một trong bốn trung tâm lớn của thiền phái Trúc Lâm với tam tổ là Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái.

Với lối kiến trúc theo chữ công (I), chùa Côn Sơn thật bề thế giữa thiên nhiên tươi đẹp, bên trong chùa hiện còn lưu giữ khá nhiều cổ vật, tượng cổ. Đặc biệt, chùa còn tấm bia đá có khắc tên “Thanh hư động”, tương truyền là bút tích của vua Trần Huệ Tông khi về thăm Côn Sơn năm 1373.

Chùa là nơi tu hành của quốc sư Huyền Quang. Sau khi ngài viên tịch, vua Trần Minh Tông cho xây Đăng Minh bảo tháp ba tầng bằng đá xanh, bên trong đặt xá lợi và tượng của vị tam tổ. Từ đó đến nay, ngày tổ Huyền Quang nhập niết bàn dần trở thành hội xuân ở Côn Sơn. Sau hội xuân (tháng giêng) là hội mùa thu (tháng tám) để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
 
Đền thờ Nguyễn Trãi - Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng

Đến với Côn Sơn, du khách sẽ nghe kể về huyền thoại giếng Ngọc nằm ở chân núi sau chùa Côn Sơn, nước trong xanh và mát lạ kỳ. Tương truyền thiền sư Huyền Quang một hôm đang ngủ bỗng có thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quý này. Du khách viếng Côn Sơn thường lấy nước giếng Ngọc để uống và rửa mặt với niềm tin sẽ được mát mẻ, thanh tịnh, trong sạch.

Từ giếng Ngọc, khách lên đỉnh núi ở độ cao hơn 200m để ngắm bàn cờ tiên. Sau khi trèo hết 600 bậc đá qua những tán thông già giữa tiếng gió vi vu và khí hậu mát mẻ, khách đến với một bàn cờ bằng đá trên đỉnh Côn Sơn, từ đây có thể ngắm nhìn một vùng rộng lớn thuộc hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương bên dưới.

Tích xưa kể rằng những người dân trong vùng lần theo lối mòn trong mây mù lên núi dạo chơi, tới gần đỉnh núi chợt nghe có tiếng người cười nói. Đến đỉnh không có bóng người nào, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở dang của các tiên ông đã cưỡi mây xuống thế gian chơi cờ.

Cuối cùng, du khách không thể bỏ qua đền thờ Nguyễn Trãi, một quần thể kiến trúc mới được tu bổ. Đền nằm dưới chân núi Phượng Hoàng, phía sau là dòng suối trong mát chảy suốt bốn mùa. Suối có di tích Thạch Bàn, chính ở nơi này hơn 500 năm trước nhà chính trị, quân sự lỗi lạc cũng là nhà thơ lớn Nguyễn Trãi đã viết Côn Sơn ca (Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm).

Ở lưng chừng núi là khu đền thờ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, và một khu nền nhà cũ tương truyền là nơi Nguyễn Trãi sống trong những ngày ông về Côn Sơn ẩn cư.

Đi giữa bạt ngàn rừng thông cao tít, mùi nhựa thông dìu dịu lan tỏa khắp không gian, ngắm những dòng suối và thác nước quanh năm róc rách, với khách quả thật là “tiên cảnh”. Mùa này đến Côn Sơn, du khách còn được thưởng thức món hạt dẻ rừng thơm ngon từ khu rừng thiêng Yên Tử, nếm món cốm Nam Sách, bánh đậu xanh... nổi tiếng của tỉnh Hải Dương.
 
Giếng Ngọc - Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng
 
Suối mát Côn Sơn
 
Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi thường đến làm thơ - Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ