Chẳng hiểu vì sao mỗi khi nghĩ tới mùa thu Hà Nội, trong tôi lại ngân lên câu thơ "Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi" của một nhà thơ nước ngoài. Thực ra, câu thơ này nữ thi sĩ viết trong một hoàn cảnh khác, ở một đất nước khác và đương nhiên không dành cho Hà Nội. Tuy nhiên, sự dịu dàng thì ở đâu cũng có, cũng dễ làm ta rung động, cũng là nguồn cơn cho những cảm hứng thi ca dào dạt. Và tôi, vâng, tôi đã cảm nhận được từ thu Hà Nội những dịu dàng riêng biệt, từ trái tim mình.
Mùa thu. Dấu hiệu nào để ta nhận ra cái mùa đẹp nhất, lãng mạn nhất trong năm của Hà Nội. Một tinh mơ đã bắt đầu se se gió sau những ban mai oi ả? Một Hà Nội tinh mơ chớm lạnh, dịu dàng trong yên tĩnh phố xá đầu ngày. Chưa có nhiều người đi, chưa có nhiều xe chạy. Chưa có nhiều ồn ào, chen chúc, khói bụi. Chưa có nhiều vội vàng, hấp hoảng...
Thong thả đi bộ trong phảng phất sương mai. Nói phảng phất bởi đầu thu sương còn rất mỏng, mỏng và nhẹ như không có thật. Se sẽ mát và thấp thoáng màu lam, thế thôi! Ngước nhìn trời. Vời vợi xanh. Màu trời thu. Trở lại hay mới sinh thành? Và, những đám mây trắng, hình như cũng thanh thoát hơn giữa muôn trùng bao la.
Trên những vòm cây dọc phố nắng vàng tươi như vẽ. Nắng như mật mùa thu, quyến rũ vô cùng. Lung linh nắng Hồ Gươm, lấp lánh nắng Tây Hồ... Nghìn năm sắp qua rồi, nghìn năm nữa sẽ đến... Ai trả lời ta câu hỏi này: Nắng thu bây giờ có khác nắng thu xưa và mai sau liệu còn thiên thanh, bạch lộ? Chập chờn xưa cổ trong những câu thơ Cúc hoa khai xứ tức trùng dương (Kìa hoa cúc nở ấy trùng dương) của Huyền Quang; Lộ trích thu đình dạ khí hư (Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương) của Trần Nhân Tông; những Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo của Bà Huyện Thanh Quan và gần hơn là Gió thổi mùa thu hương cốm mới của Nguyễn Đình Thi...
Mùa thu, nhất là thu Hà Thành càng nhiều vấn vương tơ tưởng lắm. Đồng hành trên lối thu là những câu thơ bâng khuâng man mác. Mùa thu Hà Nội cũng là một bài thơ đẹp, vừa cổ kính, vừa tươi tắn, cao rộng như đất trời châu thổ Hồng Hà, rêu phong như thành quách nghìn năm, lại bé nhỏ đơn sơ như ngọn lá lăn xào xạc trên đường...
Điểm nhấn của thu Hà Nội phải chăng vẫn là hoa cúc và cốm Vòng. Hoa cúc nhiều vẻ rực rỡ đồng bãi ngoại ô, theo xe máy, xe đạp vào nội đô tỏa sắc tươi thắm. Hoa cúc bền sắc còn đượm màu khi lá đã tàn. Hoa cúc thanh cao mà gần gũi, sáng tươi mà không đài các, là sự lựa chọn của không ít người khi mua về cắm trong nhà. Cái lãng mạn xưa, rất xưa ấy bây giờ ít gặp, nhưng thi thoảng sau những cúc hoa tươi tắn ta vẫn được ngắm gương mặt thôn nữ hây hây đến từ một vùng ngoại ô nào đó của Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng hay mãi Sóc Sơn...
Theo sử cũ thì Hà thành ngày xưa có một cái chợ mang tên Hoàng Hoa thị (chợ Hoa vàng). Hoa vàng, đích thị là hoa cúc rồi. Có lẽ đó là thứ hoa đẹp được bán nhiều nhất ở cái chợ có tên rất đẹp này. Hoàng Hoa Thị thuộc Ngọc Hà, một làng hoa nổi tiếng của Thăng Long – Hà Nội. Ngọc Hà giờ đã là phố, con sông Ngọc chỉ còn thấp thoáng trong ca dao tục ngữ của đất kinh kỳ mà thôi.
Thu, phảng phất hương cốm mới. Cốm Vòng. Một đặc sản rất thu Hà Nội. Gọi là cốm Vòng vì nó được làm ra từ làng Vòng, Dịch Vọng, Cầu Giấy. Sách Đại Nam nhất thống chí nhắc 29 thổ sản đặc sắc của Thăng Long có nêu đến cốm dẹt Dịch Vọng, tục gọi là cốm Vòng. Nếp hoa vàng, hạt đang ngâm sữa được lựa chọn kỹ càng là chất liệu làm ra thứ quà nổi tiếng đó. Rang cốm phải nhỏ lửa, đều tay. Khi giã cũng phải nhẹ và nhanh, giã xong một lượt phải sảy vỏ. Giã đủ bảy lượt, sàng sảy bảy lượt mới được hạt cốm xanh trong thơm dẻo.
Ở làng Vòng còn truyền lưu bài Văn tế Thần Cốm: Chất dẻo cũng là loài mới trắng/Nhai dần dần càng ngọt càng ngon/Mùi thoảng giống nếp hoa vàng/Ngửi thơm thơm như không như có... Cốm Vòng đang lang thang cùng mùa thu Hà Nội. Những hạt cốm thơm dẻo được gói trong lá sen tươi, một sợi rơm vàng mới buộc ngoài cũng mang hương vị của thu Hà thành.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP