Tầm nhìn

Cập nhật 12/01/2008 10:47

Ngày giông bão, lúc gió mùa đông bắc rét buốt, khi nắng gắt hay có những phút cô đơn…tôi thường ngồi lặng lẽ trong ngôi nhà của mình và nhìn ra bên ngoài. Mật độ xây dựng dày đặc trong thành phố, sự thất cách trong thiết kế khiến cửa sổ phòng bị bức tường hàng xóm che chắn gần hết.



Nếu phải kết nối với thế giới bên ngoài tôi phải “lách” qua một khe nhỏ kẹp cứng giữa hai khối bê tông. Sau tiết Đông chí, khi cần, nắng sáng thật khó chan hòa tới những góc ẩn khuất. Mùa hè oi nóng, khi cần, một làn gió mát cũng chẳng lướt qua.

Không gian sống của riêng tôi còn bị ngăn cách với bên ngoài bởi hàng chấn song lạnh lùng. Chút cảm hứng sống gần thiên nhiên trong tôi bị co lại và dần dần biến dạng.

Muốn nhìn thấy chút nắng xiên qua những vạt lá cây quá xa xỉ bên vườn hàng xóm hay dõi theo một cánh chim sâu…tôi cứ phải kiễng chân, dài cổ, nghiêng vặn hết cỡ lưng. Phải vật vã lắm tôi mới có thể thỏa mãn được chút niềm vui nhỏ bé.

Sau những lúc làm việc mỏi mệt, tôi nhận rõ hơn cảm giác trói buộc, dồn ép, bức bối của một không gian sống chật hẹp. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều năm qua tôi cố tập cho mình cách nhìn ngược vào suy nghĩ, cảm xúc và chút niềm tin hư vô của chính mình.

Tôi thường nhắm mắt để biến ngoại cảnh thành những hư ảnh nhập nhòa, bất định. Ánh mắt khép rất nhanh khiến tôi tự đánh lừa mình bằng một cảm giác tựa như lúc thần thức thoát bỏ thể xác. Nhưng khốn nỗi mọi mong muốn đa phần lại rất ảo tưởng và phi lý. Với phàm trần khả năng trở về nội giới luôn tỷ lệ thuận với khoảng không cao rộng mà cảm nhận thị giác đạt tới.



Những khung cửa panorama có phải là sự
gặp gỡ lý thú giữa điện ảnh và kiến trúc?


Vậy con người xây nhà dựng cửa là để giải phóng hay giam lỏng bản thân mình? Con người dựng nhà để né tránh những bất an của trời đất hay để nuôi dưỡng những bất an ghê gớm hơn đang ngợp choáng trong tâm hồn? Nên hiểu thế nào cho đúng về khái niệm và giá trị của văn minh đô thị? Làm gì để cân bằng mọi tài sản vật chất, tiện nghi với những giá trị tinh thần trong đời sống? Liệu có là quá sớm khi đặt lên bàn cân để đong đếm cái giá phải trả cho cuộc sống hiện đại hơn nhưng thiếu văn minh hơn?



Một tác phẩm xếp đặt của kiến trúc sư.


Càng nhiều nghi vấn về cuộc sống cá nhân và đời sống đô thị thì càng nao nao nhớ đến những ô cửa mở rộng trong những kiến trúc mà mình từng lui tới. Trên nóc bảo tàng Scotland, hai kiến trúc sư Benson và Forsyth đã trổ một ô cửa panorama cực lớn từ mảng tường bê tông nhằm mở hướng cho du khách ngắm nhìn ra toàn bộ thành phố thủ đô Edinburgh cổ kính. Từ bất kỳ góc nào của khu vườn treo cách đó không xa nhìn lại, người ta luôn cảm nhận thấy bức tranh phong cảnh do tự nhiên vẽ lên. Hoành tráng nhất là khi gió mạnh kéo mây vần vũ từ biển Fith of Foth về đậu trên nóc những lâu đài cổ trên đồi Carlton. Nắng lách qua mây, sải những vệt rẻ quạt dài. Khoáng đạt vô cùng.




Tiêu điểm.



Trong tiết thu Tokyo đẹp đến nao lòng, tôi nhận thấy rất nhiều ô cửa lớn trong đền thờ Minh Trị đều mở ra một sân vườn nhỏ. Mọi cảm xúc dường như bị hút vào đó. Góc nhìn cứ khép nhỏ dần chỉ muốn dõi theo một cánh chim quạ đang chao nghiêng. Nhà, sân, vườn, những lớp cây xanh hay cuộc sống của loài chim hoang…đều lặng lẽ tôn vinh kiến trúc tôn nghiêm. Mọi nỗ lực của kiến trúc sư nhằm tìm đến sự tiết chế. Mọi sự tiết chế hướng tới cái duy nhất, độc tôn, tĩnh lặng.

Từ Đông sang Tây, từ ô cửa sổ hiện đại Scotland tới góc nhìn truyền thống của người Nhật, điều dễ nhận thấy: văn minh của một dân tộc nhiều khi không phô lộ trong những kiến trúc quá to lớn hoành tráng. Tầm vóc của mỗi cá nhân rất có thể được tạo dựng từ một thái độ biết nuôi dưỡng, trân trọng dù chỉ là một khoảng nhìn đẹp. Để có được điều bình dị ấy lại thật cần một tầm nhìn lớn.



Tầm vóc của mỗi cá nhân rất có thể được
tạo dạng từ một thái độ biết nuôi dưỡng,
trân trọng dù chỉ là một khoảng nhìn đẹp.


Theo Kiến Trúc Nhà Đẹp