Sức quyến rũ của Kbang

Cập nhật 04/09/2013 10:46

Những tán cây cổ thụ hun hút dọc đường đi, cây cầu treo làng Krối hùng vĩ bắc qua dòng sông Ba, tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã khi màn đêm xuống...


Khung cảnh thơ mộng ấy chắc hẳn sẽ để lại một ấn tượng khó quên về chốn núi rừng Kbang, nơi gắn bó với con đường Trường Sơn Đông huyền thoại năm xưa và nay vẫn như viên ngọc chưa tì vết của núi rừng Tây nguyên.


Vượt qua những vòng cua gấp, hiểm trở của đèo An Khê, đi thêm vài cây số nữa trên quốc lộ 19 thuộc địa phận thị xã An Khê, chúng tôi rẽ phải, tiến thẳng về Kbang, một thị trấn miền núi nhỏ nhắn, hiền hòa thuộc tỉnh Gia Lai. Tôi đến với Kbang trong sự tò mò của một chàng trai đất Bắc về một vùng Tây nguyên có người anh hùng dân tộc Ba Na tên Núp trong tác phẩm Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc vốn đã ăn sâu vào trí nhớ lớp học sinh chúng tôi thời ấy.

Tỉnh lộ 669B, cũng là đường Trường Sơn Đông, con đường nhựa nhiều khúc cua hiểm trở nhưng mát rượi dưới tán lá rừng. Muốn tìm đến làng người Ba Na, chúng tôi phải đọc đi đọc lại tên những con đường khó nhớ, nào đường liên xã Đắk Smar - Krong - Đắk Krong, rồi Sơ Pai - Sơn Lang - Kon Pne...


Khu tái định cư với những ngôi nhà nhỏ đều tăm tắp như khuôn đúc của người Ba Na lướt qua làm tôi đâm hoang mang: đâu rồi nhà sàn, nhà rông của người bản địa? Khí hậu ở Kbang có nét đặc trưng so với nhiều nơi khác trong tỉnh Gia Lai, đang vào mùa mưa, buổi sớm gió luồn qua sườn đồi mát rượi, bầu trời xanh trong, khoe sắc tím bình minh lãng mạn.

Cảnh vật ở đây như được một họa sĩ tài ba phối màu tuyệt hảo trên những cánh đồng, những sườn đồi thoai thoải chạy mãi đến tận đường chân trời. Đó là màu xanh của cánh rừng non đang hồi sinh, màu vàng úa của nương bắp đang chờ người hái, màu đỏ tươi phì nhiêu của đất vừa được cày xới...


“Cháy” hết mình trong đêm hội cồng chiêng.

Krối là ngôi làng cuối cùng của Đắk Smar trên trục đường liên xã giáp ranh với xã Krong. Làng dựa lưng vào núi, mặt quay về dòng sông Ba hùng vĩ. Một cây cầu treo dài hơn chục mét, chiều rộng khoảng 3m vắt vẻo bắc qua dòng sông là điểm nhấn đặc sắc hiếm có. Từ trên cầu, bạn sẽ tha hồ thả hồn chạy theo cơn gió mát, hay ngắm nhìn thác nước kỳ vĩ với bao nhiêu là khối đá hình thù phong phú.

Nếu hạ nguồn sông Ba đang khô kiệt, héo hon vì thủy điện và ô nhiễm nguồn nước thì ở thượng nguồn này nước sông trong vắt, hiền hòa. Dân làng Krối tranh thủ ngâm mình tắm mát sau một ngày lên nương mệt nhọc.

Nấm linh chi được tìm thấy trong khu bảo tồn Kon Chư Răng ở Kbang.

Đến Kbang đúng ngay dịp lễ hội dúi đang diễn ra ở xã Kon Pne vào vụ lúa mới quả là một may mắn hiếm có. Kon Pne từ trước đến nay được mệnh danh là “vương quốc” của nhiều loài dúi. Đồng bào Ba Na xem con dúi là biểu tượng của sự cần cù và chịu khó, có lẽ lễ hội xuất phát từ suy nghĩ đó. Lễ hội dúi cũng chỉ diễn ra duy nhất trong cộng đồng dân tộc Ba Na tại đây, cầu mong cho mùa màng bội thu và giáo dục con cháu siêng năng, cần cù làm ăn.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày đêm, nhưng công tác chuẩn bị phải mất bảy ngày với hai lễ vật không thể thiếu là một con dúi và ghè rượu cần. Vào ngày hội, dân làng tập trung về nhà rông chứng kiến già làng cúng và cùng cầu nguyện cho mùa màng. Sau nghi lễ là các tiết mục văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng của nam nữ trong làng.

Cầu treo làng Krối qua kỹ thuật chụp “hiệu ứng mắt cá”.

Tiếng trống nổi lên cũng là lúc điệu múa nhịp nhàng của những cô gái, điệu nhảy “máu lửa” của những chàng trai Ba Na hòa quyện vào nhau bên ánh lửa bập bùng. Đã từng nghe nói về sự hết mình với khách, “cháy” hết lòng với vũ điệu cuồng nhiệt của người Ba Na, nhưng đến đây tôi mới thật sự cảm được điều đó. Điệu nhạc sao mà rộn rã, tiếng cười của người Ba Na sao mà hào sảng.

Cơn mưa bất ngờ vẫn không làm ngừng cuộc vui. Nói như chàng trai Tây nguyên ở đây: “Cuộc chơi chỉ dừng khi đốm lửa đã tàn”.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ chủ nhật