Sơn Mỹ, miền đất hồi sinh...

Cập nhật 24/02/2008 20:02

Hơn 30 năm đã qua, cuộc sống đang dần thay da đổi thịt, ký ức về một thời chiến tranh gian khổ cũng đã lùi sâu vào dĩ vãng. Chẳng mấy người còn nhớ, còn nghĩ nhiều về những ngày tháng ác liệt đó nữa. Nhưng như vậy không có nghĩa là tất cả mọi người đã quên hoàn toàn những gì đã xảy ra. Tất nhiên, việc nhớ về nó không phải để ghim hận trong lòng, không phải để chờ cơ hội trả thù, mà nhớ để không bao giờ quên cảnh giác, nhớ để linh hồn những người đã ngã xuống luôn thấy ấm lòng.



Tượng đài tại khu di tích Sơn Mỹ.




Nhà triển lãm các hiện vật còn sót lại và một số hình ảnh.


Lần đầu đến khu chứng tích, tôi và bạn không vội bước vào khu triển lãm hình ảnh mà đi vòng xung quanh xem những gì còn sót lại của thôn Mỹ Lai ngày xưa. Một cây cổ thụ thật to đón chúng tôi ở lối vào khi vừa bước qua chiếc cầu bắc ngang con kênh nhỏ, mồ chôn của hàng trăm người trong thôn, có lẽ nó chính là một trong số rất ít những nhân chứng còn sống của làng Sơn Mỹ.


Ngày nay, khi đến với khu di tích Sơn Mỹ, người ta có thể thấy bên cạnh những nền nhà cũ ngày xưa là những căn nhà mới được tái tạo theo nguyên tác. Bên kia là nền cũ của những nhà ngôi nhà cháy trụi chỉ còn trơ lại những gốc cột đen thui, những bức tường loang lổ, xác xơ vì bom đạn…



Bên này cỏ đã mọc lên xanh rì rậm rạp nhưng vẫn không thể nào che giấu đi được vết tích của cái chuồng bò gia đình ngày xưa.


Nhìn tổng quan thì Sơn Mỹ là làng quê đẹp nổi tiếng của miền Trung với mỹ danh “Cổ luỹ cô thôn”. Thôn Mỹ Lai dọc sông Kinh hết sức nên thơ, khiến vị quan triều Nguyễn Trương Đăng Quế khi về nghĩ hưu nơi đây đã tự hào cho rằng Sơn Mỹ chỉ đẹp sau kinh đô Huế.



Ảnh: Nguyễn Trần


Nhưng giờ đây, sau tất cả những gì đã xảy ra, Sơn Mỹ chỉ đơn thuần là một khu di tích lịch sử mỗi năm đón chào hàng trăm cuộc viếng thăm, tham khảo của khách du lịch thập phương.


Những ai đã một lần đến đây đều không bao giờ có thể quên được những gì mình đã thấy, đã cảm nhận. Một nỗi buồn man mác với số phận của hàng trăm còn người vô tội, một sự tiếc nuối cho những gì từng rất đẹp trong quá khứ, một suy nghĩ miên man không dứt về sự khác biệt giữa hai không gian chỉ cách nhau một bức tườnng gạch thấp: bên ngoài bức tường là cuộc sống thường nhật của người dân đang diễn ra yên ả, hiền hòa tuy vẫn còn nhiều khó khăn...


Bên trong bức tường là không gian của kỉ niệm, nơi chốn bình yên, im lặng của những người đã nằm xuống...



Đôi khi tôi tự hỏi liệu có ai còn ở trong hầm?


Thật sự, có lúc, tôi có cảm giác như những người trong thôn xưa vẫn sống, vẫn sinh hoạt, … chỉ có điều là mình không thấy họ mà thôi. Thời gian trôi qua, mọi thứ đang dần thay đổi, cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra, những cánh đồng lúa xanh rì vẫn theo mùa trổ bông đòng đòng, những em bé miền quê nghèo vẫn hàng ngày vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo véo von. Tiếng sáo của các em cứ bay xa, bay xa mãi, hòa quyện vào tâm hồn từng người, từng lũy tre, từng chái bếp... như tiếng hát của Hòa Bình đang vang lên trên vùng đất anh hùng.



Những hình ảnh như thế này sẽ còn sống
mãi trong lòng những người Việt Nam.


Từ đây, xuôi chừng 3 km nữa thì biển Mỹ Khê sẽ hiện ra ngay trước mắt với bãi cát vàng duyên dáng óng ả dưới cái nắng miền Trung. Khi đi ngang qua đây, tôi biết rằng, “mỹ danh” Cổ Lũy Cô Thôn không hoàn toàn biến mất, nó vẫn còn đó, người dân ở đây vẫn đang cố gắng để giữ nguyên nét đẹp hiền hòa của mình cho dù trải qua bao nhiêu biến động của thời gian và lịch sử.



Biển xanh vẫn ồn ã xô từng cơn sóng bạc đầu vào bãi cát vàng duyên dáng.


Xuân lại về trên vùng đất đầy những vết thương. Hoa nở rực rỡ như ngàn lời chúc mừng “Cổ lũy” đang hồi sinh.


Bỗng nghĩ thầm, quá khứ cũng đã ngủ yên…

Nguyễn Trần-DiaOcOnline.vn
Ảnh: Internet