Sân tuyết

Cập nhật 21/08/2007 16:24

Sáng sớm, tuyết rơi trắng trời. Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy tuyết rơi cảm giác thật khó tả. Tôi đứng lặng trước sân căn nhà số 144 phố Bei-yan-men, Tây An - kinh đô xưa cũ nhất của đất nước Trung Hoa nơi duy nhất trên con phố này còn có những vạt tuyết tinh khôi không dính một vết bánh xe, không vương một dấu chân bẩn khiến tôi chợt nhớ đến một khái niệm, một thành ngữ sân tuyết đã đọc từ thuở nào.





     

Tích xưa kể rằng Du Tạc và Dương Thời đến nhà Trình Tử, một danh Nho thời Tống để cầu học. Học trò đến nơi thấy thầy đang nhắm mắt suy ngẫm nên đứng lặng chờ đợi. Đến khi Trình Tử mở mắt đã thấy tuyết rơi quanh chỗ hai học trò đứng dày đến hơn một thước. Từ đó có cách gọi “cửa Trình”, “sân Trình”, “cửa tuyết”, “sân tuyết” hay thành ngữ “cửa Khổng, sân Trình”, chẳng những để chỉ nơi học đạo Nho mà còn hàm ý ngợi khen chí đèn sách, cầu học của nho sinh thuở trước.

Tôi không ngờ ngôi nhà mình đang đối diện lại chính là tư gia của Zhenziang, một Nho sinh, một học giả xuất sắc dưới thời vua Tư Tông nhà Minh. Năm Sùng Trinh thứ 14, Zhenziang, học trò người tỉnh Jiangsu, mới 12 tuổi đã về kinh đi thi và được chính vua Tư Tông Tư Do Hiệu chấm đỗ Thám hoa.





 





     Lúc về đêm

Tư gia của Zhenziang rộng 2130 m2 với kiến trúc hết sức bình thường này là của chính đức vua ban cho Zhenziang như một phần thưởng. Lệnh của vua Tư Tông, tất cả các quan văn, võ mỗi khi qua trước cửa nhà đều phải rời kiệu, xuống ngựa. Dưới triều nhà Thanh, vua Càn Long còn tặng bài vị bốn chữ biểu dương thành tích thi cử của Zhenziang.

Vào năm 2002, khu nhà sau khi trùng tu đã đoạt giải thưởng dành cho di sản văn hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO trao tặng. Năm 2003, Học viện Nghệ thuật Trung Quốc ở Tây An đã tiếp quản ngôi nhà, sử dụng nó vào việc giảng dạy cho sinh viên cao học ngành kiến trúc của Trường Đại học Xây dựng Công nghệ Tây An và Trường Đại học Khoa học, Công nghệ Na Uy, đồng thời là đối tượng cho một đề tài nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Trường Đại học Trường An.

Hiện nay trong khuôn viên ngôi nhà thường xuyên tổ chức các triển lãm kiến trúc đời Minh, Thanh, đồ gỗ hồng sắc, kiến trúc dân gian, chạm khắc trên gốm, giới thiệu nghệ thuật cắt giấy, tranh vẽ về đạo Phật có nguồn gốc Tây Tạng, các bài hát, điệu múa cổ... cho du khách thập phương chiêm ngưỡng.

Theo Kiến trúc Nhà Đẹp