Với người Ý, Pompeii còn hơn cả là niềm tự hào. Còn với hàng triệu triệu du khách hàng năm vẫn lần tìm về thành phố nằm phía Tây Nam đất nước Italia này - thành phố cổ Pompeii là một trong những di sản khảo cổ vĩ đại nhất và bí ẩn nhất thế giới.
Hơn 2.000 năm trước, bên bờ Địa Trung Hải, Pompeii là một thành phố sầm uất thời đế quốc La Mã cực thịnh. Pompeii có 20.000 dân, nổi tiếng với sản phẩm dầu ô liu, nho. Phía Tây Nam của thành phố này nằm cách núi lửa Vesuvius chưa đến 10km và cư dân ở đây dường như đã quen với những đợt thức giấc của người khổng lồ. Pompeii cách vịnh Nables tươi đẹp khoảng 20km vì vậy nơi đây là một địa điểm nghỉ mát thuận lợi có thế dựa núi nhìn biển với phong cảnh hữu tình.
Theo ghi chép trong những tài liệu cũ, thành phố Pompeii là do bộ lạc Oscans xây dựng. Ngay từ thế kỷ VII TCN, nơi đây là một thành phố nhỏ nhưng có dân cư đông đúc, là nơi các đoàn lái buôn tụ về buôn bán. Năm 89 TCN, thành phố Pompeii bị La Mã chiếm đóng và trở thành thuộc địa của đế quốc này. Đến năm 79, nơi đây trở thành trung tâm hoan lạc của giới thượng lưu. Giới quý tộc, phú thương lũ lượt kéo nhau đến Pompeii để xây dựng nên rất nhiều lâu đài, biệt viện tráng lệ, ra sức tìm hưởng thú vui. Với dân số lên đến hơn 25.000 người, Pompeii đã trở thành kinh thành “tửu sắc” nổi tiếng thế giới thời bấy giờ.
Theo các nhà địa chất học thì ngọn núi lửa Visuvius cao 1.277m so với mặt nước biển là một ngọn núi lửa hoạt động điển hình và chính ngọn núi lửa này đã chôn vùi tất cả thành phố Pompeii sau một đợt phun trào.
Thế nhưng vào những năm đầu công nguyên, các nhà hiền triết đã căn cứ vào địa hình đặc trưng của ngọn núi lửa này mà nhận định rằng ngọn núi lửa đã dập tắt. Người dân Pompeii lúc đó hoàn toàn tin tưởng vào nhận định này mà không mảy may nghi ngại gì về hoạt động của ngọn núi lửa. Hai bên sườn núi được che phủ bởi màu xanh mơn mởn của các nông trại. Trên bình nguyên đâu đâu cũng thấy những cánh rừng trồng chanh, cam, nho…Chẳng ai nghĩ rằng ngọn núi lửa đã tắt kia đang âm thầm vận động chuẩn bị cho một tai họa hủy diệt khủng khiếp. Vào một ngày tháng 2 năm 63 một trận địa chấn dữ dội đột ngột xảy ra tại khu vực này khiến cho nhiều công trình kiến trúc bị sụp đổ. Tuy nhiên, sau cơn địa chấn qua đi, người dân Pompeii lại xây dựng thành phố xa hoa lộng lẫy hơn trước.
Nhưng tất cả đã không ngờ đợt phun trào của ngọn núi lửa Vesuvius vào ngày 24/8 năm 79 sau Công nguyên lại đột ngột và kinh hoàng đến như vậy. Những cột dung nham nóng bỏng phun lên tưởng chừng như chạm đến tận trời, bắn tung tóe ra bốn phía, muội đen mù mịt khắp trời đất đổ xuống khiến Pompeii bao phủ bởi bởi nhiều lớp tàn tro và đất đá. Một nhà khoa học trẻ tên là Pliny tận mắt chứng kiến đã mô tả trong tài liệu: “Chúng tôi bị bóng đêm bao bọc. Chỉ nghe thấy tiếng gào khóc chói tai của phụ nữ, trẻ em và tiếng la hét của nam giới”. Núi lửa Vesuvius đã phá hủy 2 thành phố trong đợt tuôn trào này. Đó là Herculaneum nằm ngay dưới chân nó bị “luộc” chín trong bùn sôi và dung nham, và Pompeii bị vùi lấp trong lớp đất đá dày. Cả thành phố nằm dưới lớp tro tàn trong ngày định mệnh được tiên đoán trước. Tất cả mọi thứ, từ những đồ vật như bàn ghế, tranh vẽ và con người đều đóng băng theo thời gian.
Mãi đến năm 1748, người ta mới chính thức khai quật thành phố Pompeii và việc khai quật đã cung cấp nhiều điều đặc biệt về cuộc sống con người cách đây hơn 2000 năm. Theo dấu tích khai quật các nhà khảo cổ đã phát hiện những khối rỗng do hàng nghìn xác người bị sức nóng của dung nham núi lửa thiêu sống họ thành tro. Khi đổ thạch cao vào đó họ nhận ra những người dân Pompeii đã chết trong đủ mọi tư thế. Khi tai họa xảy ra, một số người thu gom mâm bát và các đồ vật thờ cúng vào bao tải và chạy ra ngoài. Một số khác ẩn náu trong một ngôi nhà và bị tro bùn lấp trong đó. Một người trong số họ đang cầm rìu trên tay để phá những bức tường hòng tìm lối thoát. Theo đánh giá chung thì rất nhiều người chết ngạt vì tro bụi. Họ đều giống nhau là chết trong tư thế tự nhiên, không có dấu hiệu đau đớn. Những nghiên cứu mới đây dựa trên đánh giá về vết nứt của men răng và sự đổi màu của xương cho thấy nhiệt độ môi trường lên tới 5000C. Sức ép của hơi nóng khủng khiếp đã khiến cơ thể ngừng hoạt động gần như ngay lập tức. Vì thế, không ai kịp có phản xạ tự vệ hoặc tỏ ra đau đớn. Các nhà khảo cổ đã tìm được khoảng 1.150 thi thể nạn nhân đã bị chôn vùi trong trận trào nham thạch. Hầu hết các thi thể đều tìm được dưới dạng bị thạch cao bao phủ toàn bộ, cộng với tư thế co quắp và nét mặt kinh hãi vẫn còn hiện nguyên.
Sau cái ngày 24/8, cuộc sống tại Pompeii đã dừng lại giống như cách một chiếc kim đồng hồ ngừng chạy và sau đó mọi thứ được vùi sâu xuống lòng đất. Gần 2.000 năm trôi qua tất cả đã đứng yên như thế, cho đến tận năm 1750 các nhà khảo cổ mới phát hiện và đưa Pompeii trở lại với thế giới loài người.
Các nhà khảo cổ khám phá nhiều điều về cuộc sống của cư dân ở 2 thành phố này trước thảm họa núi lửa. Dưới 9m tro tàn là nhà cửa, đường xá vẫn còn nguyên vẹn. Nền đường lát đá, vỉa hè là những phiến đá cao để người đi bộ có thể đứng lên đó khi trời mưa. Trên các bức tường người ta tìm thấy những dòng quảng cáo: “30 cặp đấu sĩ sẽ so tài vào ngày 8, 9, 10 tháng 4. Có chương trình đấu thú dữ và có bạt che nắng cho khán giả. Những dòng này do Aemilius Celer viết dưới ánh trăng”. Thành phố có nhiều cửa hàng sầm uất như các tiệm bánh mỳ, cửa hàng quần áo, đồ gốm. Những nhà tắm công cộng được trang trí bằng thạch cao và cẩm thạch rất cầu kỳ. Trong nhà của người dân Pompeii có nhiều thiết bị y tế gia đình. Các nhà khoa học cho rằng, khi một ai đó bị thương, có thể họ sẽ được chăm sóc ngay tại nhà, thay vì phải tới bệnh viện. Có thể nói người dân Pompeii khá thạo việc khâu các vết thương và chăm sóc người ốm.
Đến nay, thành cổ Pompeii mới chỉ có 3/5 diện tích được khai quật. Nhưng sự huy hoàng tráng lệ xưa kia của thành cổ Pompeii cũng đã được bày ra một cách khá rõ ràng. Thành cổ Pompeii có diện tích 1,8km2. Tường thành được xây dựng bằng đá, tường bao dài 4,8km và có 7 cửa thành với 14 lầu tháp hoành tráng; 4 con phố lớn rải đá cắt ngang, dọc tạo thành 9 khu vực. Mỗi khu vực đều có phố lớn nhỏ thông nhau, ở phố lớn còn lưu lại vết xe bằng sắt rất sâu trên mặt đường giống như xe ngựa vừa đi qua. Ở ngã tư các phố lớn đều có máy nước bằng đá cao gần 1m, dài khoảng 2m để cung cấp nước cho thị dân. Máng nước thông với tháp nước được dẫn từ nguồn nước của một ngọn núi cao ngoài thành bằng một máy treo xây bằng đá. Sau đó, các tháp nước này phân phối nước đến những máng nước công cộng ở các ngã tư. Suối phun và ao cá của các gia đình quý tộc, thương gia giàu có cũng đều dựa vào hệ thống cung cấp nước này. Người Pompeii còn xây dựng hai rạp hát. Rạp hát lớn nhất nằm ở phía Đông Nam thành phố được xây năm 70 trước Công nguyên có sức chứa 2 vạn người. Rạp này còn được dùng làm sân thi đấu vật giữa người với người và người với dã thú. Ở sườn Đông của rạp hát lớn có một sân thể thao, mỗi góc dài khoảng 130m. Sân thể thao này rất hào hoa tráng lệ, có bể bơi đặt ở giữa. Theo dự đoán, sân có thể chứa được hơn một vạn người và cũng có thể ở đây thường xuyên diễn ra các hoạt động kinh tế, chính trị và tôn giáo của toàn thành phố Pompeii.
Hiện nay phế tích thành phố cổ Pompeii được UNESCO xếp hạng vào mục di sản thế giới và là một điểm hấp dẫn khách du lịch vào bậc nhất của nước Ý với lượng khách trung bình 2,5 triệu lượt mỗi năm. Có lẽ vì vậy việc “cứu” hay phục hồi Pompeii đã trở thành vấn đề “nóng” gây bàn cãi nhiều nhất tại Italia trong nhiều năm qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Thể thao Việt Nam