Pha Luông: vùng đất trên trời

Cập nhật 05/06/2014 10:29

Cả vùng đất rộng lớn trên đỉnh Pha Luông là nơi hẹn hò của những chàng trai cô gái người Mông.

Nằm ở vị thế hiểm trở nên Pha Luông vẫn được những người dân ở đây ví như “con đường tơ lụa” cho việc vận chuyển ma túy

Đỉnh núi Pha Luông được xem là nóc nhà của Mộc Châu – Sơn La. Điều đặc biệt nhất ở đây không phải nằm ở độ cao hơn 2.000m mà chính là vùng đất rộng cả hec-ta trên đỉnh núi giống như một thế giới khác, tách biệt với mọi thứ xung quanh. Những vách đá dựng đứng với rất nhiều vết nứt kiến tạo khiến nơi đây trở nên hùng vĩ và độc đáo. Pha Luông cũng là ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào.

Nằm ở vị thế hiểm trở nên Pha Luông vẫn được những người dân ở đây ví như “con đường tơ lụa” cho việc vận chuyển ma túy. Chính điều này làm cho hành trình chinh phục đỉnh núi này của chúng tôi phải lùi lại tới 3 - 4 lần. Bạn phải có được giấy phép của đồn biên phòng Pha Luông và chỉ được đi trong vòng một ngày, đó là những gì chúng tôi có được sau những lần thất bại.

Đỉnh Pha Luông đã chứng kiến nhiều câu chuyện tình yêu của những chàng trai cô gái người dân tộc Mông

Cung đường “những tảng đá bay”

Để lên được đỉnh núi Pha Luông, có hai cung đường để đi. Một là từ hướng rừng Xuân Nha, điểm đầu cách thị trấn Mộc Châu chừng 40km, hành trình leo núi có phần sang đất bạn Lào. Hiện nay, cung đường này đã bị cấm hoàn toàn. Đường thứ hai hướng từ cửa khẩu Lóng Sập, bản Pha Luông, đây là hướng mà những người dân bản địa vẫn thường đi. Đường thứ hai ngắn hơn, nhưng dốc và hoàn toàn đi trong rừng rậm Xuân Nha.

Khi người bạn ở Mộc Châu thông báo đã xin được giấy phép cũng là lúc cả đoàn chúng tôi vui mừng rời khỏi Hà Nội để lên Mộc Châu rồi theo cung đường thứ hai mà người dân tộc Mông vẫn đi.

Khởi hành từ Mộc Châu khi trời còn chưa sáng rõ, chúng tôi theo quốc lộ 43 hướng đi cửa khẩu Lóng Sập chừng 20km thì rẽ vào lối đi Mường Ve. Con đường nhựa men theo sườn núi của vùng biên giới buổi sáng tĩnh lặng và yên bình, những mái nhà còn ẩn hiện giữa lớp sương mỏng, dăm ba người dân đi nương từ rất sớm.

Những "tảng đá bay" có ở khắp nơi trên núi Pha Luông

Chúng tôi chỉ được phép tận hưởng sự ngọt ngào của đường nhựa trong khoảng 7km đầu còn sau đó là những gian nan của đường off-road. Quãng đường chỉ hơn 10km với đất đỏ, dốc thẳng đứng cùng vô vàn khúc cua liên tiếp là những món quà đầu tiên mà Pha Luông ban tặng cho chúng tôi.

Một điều may mắn cho cả đoàn là những ngày gần đây không mưa, chứ chỉ cần vài hạt mưa nhỏ thôi thì chắc chúng tôi sẽ phải bỏ cuộc. Tôi không nhớ rõ bao nhiêu lần phải xuống xe rồi cài số 1 cùng hai người đẩy đằng sau nữa mới vượt qua được những con dốc. Cung đường khiến tôi nhớ tới những câu thơ cũ “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” mà nhà thơ Quang Dũng đã mô tả về vùng đất này trong bài “Tây Tiến”.

Điều đặc biệt ở đây, cũng giống như những khu vực biên giới hiểm trở với Lào mà tôi đã từng có dịp đi qua, có rất nhiều những vách núi, tảng đá to chắn ngang đường. Những tảng đá rêu phong với đủ các hình dáng, khi ở bên đường, khi trong lòng suối, khi lại lưng chừng đồi khiến cả đoàn khá thích thú.

Đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam (phải) và Lào (trái)

Còn tôi, tôi tưởng tượng như là xưa kia đã có một vụ nổ thiên thạch cực lớn làm cho những tảng đá bay tứ tung và cắm phập vào những gì cản trở chúng trên đường. Tôi gọi đó là những tảng đá bay cho thêm phần thi vị, cũng là câu chuyện đi đường giúp xua tan những mệt mỏi cho cả đoàn.

Bản Pha Luông buổi sáng vẫn còn được phủ kín bởi sương giăng trắng xóa. Chúng tôi tiến thẳng vào đồn biên phòng, phần là để báo cáo cũng là để nghỉ ngơi sau chặng đường off-road hạng nặng vừa rồi. Những người lính biên phòng cởi mở và thân thiện, nhấp chén trà ngồi nghe những lời dặn dò của anh Việt trưởng đồn về những chú ý đặc biệt cũng như một số kỹ năng đi rừng.

Những vách núi dựng đứng là đặc sản của Pha Luông

Anh cho biết đây là vùng đất với an ninh khá phức tạp, đồn thường xuyên tổ chức tuần tra chung với các bạn biên phòng Lào để đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, mùa mưa gần như chỉ có thể cuốc bộ làm cho cuộc sống ở đây gần như tách biệt hẳn thế giới bên ngoài, điều này dẫn tới nhiều đối tượng buôn bán hàng lậu và ma túy qua biên giới. Anh Việt nhắc đi nhắc lại chúng tôi phải tuyệt đối không được nghỉ đêm trên đỉnh Pha Luông mà bắt phải đi và về trong một ngày.

Lạc lối trong rừng thẳm

Ghi nhớ những lời căn dặn của đồn trưởng Việt, trình giấy phép và để lại giấy tờ tùy thân theo đúng thủ tục, chúng tôi bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Pha Luông. Khởi đầu là những lối mòn nhỏ của người dân đi làm nương, rồi dần dà chúng tôi phải tự tìm đường để lên. Dù trời đã sáng hẳn nhưng cả vùng vẫn bị bao phủ bởi lớp sương mù đặc quánh. Mặt trời chỉ le lói những tia nắng yếu ớt trên rặng cây, phía dưới thấp những cây bụi như hoa mua, hoa sim nở tím cả sườn đồi.

Cả đoàn dù đã mệt nhoài nhưng vẫn cố bước lên phía trước, bởi theo kinh nghiệm đã leo các ngọn núi ở Tây Bắc, khi lên cao qua lớp mù sẽ có rất nhiều điều bất ngờ của thiên nhiên.

Hỏi đường liên tục nếu bạn không muốn mình bị lạc giữa rừng

Đúng như dự đoán, khi nghe những tiếng hò reo của đồng đội leo trước là tôi biết, đất trời đã không phụ công. Vượt lên hẳn tầng mây mù là không gian khoáng đạt, lớp mây đặc quánh phía dưới như nước lũ cuồn cuộn chảy dần tan dưới ánh nắng chói chang. Cả khoảng trời rộng lớn trước mắt, giờ đã có thể nhìn rõ những người dân bản đi làm nương, và cũng chính họ đã giúp dẫn tối chúng tôi theo đúng đường rừng vẫn đi hàng ngày.

Cả khu rừng Xuân Nha vào mùa xuân đang rực rỡ sắc màu bởi vô số loài hoa đua nở. Những thảm lá cây đủ màu như một tấm đệm xốp nâng đỡ bước chân chúng tôi. Những tảng đá to với các hình thù khác nhau bị rễ cây bao phủ tạo nên khung cảnh hệt như khi đi vào rừng nguyên sinh.

Mải mê ngắm các loài hoa, tảng đá cùng hệ động thực vật ở đây mà điều tệ hại nhất với chúng tôi đã xẩy ra: lạc đường. Người bạn dẫn đường dù đã lên đỉnh Pha Luông nhưng đây là lần đầu tiên đi cung đường này nên hoàn toàn định vị theo phương và hướng. Cả đoàn vạch cây để tìm lại lối mòn của người dân đi rừng nhưng không thấy. Theo lịch trình thì chỉ mất khoảng 4 tiếng là có thể lên tới đỉnh, nhưng đến nay đã quá trưa mà chúng tôi vẫn phải mò mẫm trong rừng.

Tại độ cao gần 2.000m, khu rừng rậm xen lẫn với hàng ngàn thân tre trúc. Chúng tôi phải phát cây và lần mò trong điều kiện khá ẩm ướt, cảm giác lạc đường với cái bụng lép kẹp thật không dễ chịu chút nào. Những đàn ruồi đen bé xíu chỉ chực chờ chúng tôi dừng chân là vây bám lấy.

Chọn một cây khá cao, người bạn dẫn đường trèo lên với hi vọng có thể nhìn thấy đỉnh để xác định hướng đi. May mắn cho chúng tôi là từ đây có thể thấy đỉnh Pha Luông, một cuộc mở đường nhằm đúng hướng được bắt đầu. Cả đoàn lầm lũi bước, người đi trước phát quang, người đi sau giữ cành cây để tiến lên, cũng may mà thời tiết nắng và có gió chứ mưa thì có lẽ chúng tôi phải bỏ cuộc.

Vượt khu rừng tre là trải nghiệm rất thú vị

Vùng đất trên trời

Những kinh nghiệm đi rừng luôn cần thiết và hữu dụng trong những trường hợp lạc đường như thế này. Không ai nghĩ rằng khi vượt qua khu rừng trúc rậm rạp này lại là một không gian thoáng đãng đến vô cùng. Vùng đất rộng cả héc-ta này chính là đỉnh Pha Luông. Đỉnh Pha Luông là một vùng núi đá với bề mặt rộng lớn và khá phẳng, tách biệt hẳn với khu rừng rậm.

Có lẽ một vụ cháy đã xẩy ra ở đây chưa lâu khi chúng tôi dẫm lên những thảm hoa đỗ quyên rộng lớn, giờ chỉ còn những khóm nhỏ chênh vênh bên bờ vực sâu hun hút. Bờ vực đá hùng vĩ và kỳ ảo vượt xa tầm tưởng tượng của chúng tôi, phía dưới vực là khu đồi rộng lớn của nước bạn Lào.

Một điều đặc biệt là khi đứng ở đỉnh Pha Luông, chúng tôi dễ dàng nhận ra ranh giới giữa Việt Nam và Lào bởi vì có sự khác biệt rất lớn về hệ thực vật. Phía bên lãnh thổ nước ta, khu rừng Xuân Nha mùa xuân rậm rạp xanh tốt thì bên nước bạn Lào là đồi trọc, đồi cỏ bạt ngàn.

Hãy luôn cẩn trọng khi đứng trên những vách đá ở Pha Luông

Những cơn gió Lào thổi ngược từ hẻm vực lên nhiều khi làm chúng tôi đứng không vững. Cả không gian rộng lớn với bầu trời bao la cùng núi rừng trùng điệp khiến những mệt nhọc của chặng đường leo núi như tan biến hết sạch, thay vào đó là cảm giác vui sướng đến tột cùng khi được đứng giữa đất trời tự do.

Cứ tưởng rằng, trên đỉnh núi này sẽ chỉ có mỗi mình chúng tôi nhưng sự thật lại không phải như vậy. Có rất nhiều những đôi trai gái người Mông lên đây để vui chơi. Dò hỏi, chúng tôi mới biết đây là khu vực người Mông lấy làm điểm hẹn hò. Họ diện những bộ váy áo sặc sỡ nhất và cùng vui đùa với những bó hoa đỗ quyên rất lớn.

Hẻm núi này cũng chứng kiến nhiều cảnh bi ai của tình yêu trai gái khi không được gia đình ủng hộ, họ đã gieo mình xuống vực. Trên đỉnh núi còn có một hòn đá lớn với vết khắc hình con rồng độc đáo mà không biết có tự bao giờ. Những câu chuyện kỳ bí trên đỉnh Pha Luông khiến những ai có ý định qua đêm nơi đây sẽ chùn bước.

Vì lạc đường, chúng tôi có ít thời gian vui chơi hơn, gấp rút về trước khi trời tối nên đành lỡ hẹn ra thăm quan cột mốc biên giới. Theo lối chân một đôi bạn người Mông đi về, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi đỉnh Pha Luông. Khu vực quanh đỉnh có nhiều khe nứt gãy địa chất, với vực sâu hun hút mà nếu chỉ sơ sảy thì có lẽ tôi sẽ không còn ngồi đây để kể về hành trình này được nữa.

Xuống bằng đường chính dốc hơn nhiều so với lối mở đường mà chúng tôi đi lạc

Xuống bằng đường chính, nhưng dốc hơn nhiều so với lối mở đường mà chúng tôi đi lạc. Dù đã cố gắng bám sát đôi bạn nhưng chỉ thoáng một lát là chúng tôi đã bị đôi bạn người Mông bỏ mất dấu.

Chúng tôi tới cửa rừng cũng là khi những tia nắng cuối ngày dần buông xuống phía núi xa. Mặt trời chiếu hắt lên những nương ruộng mùa đổ nước loang loáng. Bắt gặp những người dân bản đi làm nương về, trò chuyện về cuộc sống, về đỉnh Pha Luông huyền bí khiến hành trình của chúng tôi như ngắn lại. Ngoảnh lại phía sau, đỉnh Pha Luông vẫn ở đó kỳ ảo vươn mình như đầu rùa trên nền rừng xanh thẳm. Hẹn gặp lại Pha Luông một ngày không xa, nhất định là như thế...

Kinh nghiệm:

- Đỉnh Pha Luông không quá cao nhưng khá dốc, vì thế cần chuẩn bị đủ đồ dùng đi rừng, kinh nghiệm leo núi cũng là điều kiện tiên quyết cho hành trình này.

- Phải xin phép đồn biên phòng trước khi leo và phải có người dẫn đường thông thạo địa hình.

- Hoàn toàn có thể lên và xuống trong vòng một ngày. Hiện tại vẫn chưa được phép qua đêm trên đỉnh Pha Luông vì tình hình an ninh phức tạp.


DiaOcOnline.vn - Theo Autocar Vietnam