Nơi thời gian dừng lại

Cập nhật 18/06/2007 16:29

“Một thế giới riêng. Một cái nhìn riêng. Nghệ thuật làm cho người xem thú vị ở chỗ đó” (*).

Bắt đầu từ năm 1993, Bảo tàng nghệ thuật Singapore (SAM) đã tiến hành sưu tầm những tác phẩm nghệ thuật vào thế kỷ 20 của các nghệ sĩ trong nước và khu vực Đông Nam Á. Cho đến nay, với hơn 6.500 tác phẩm thuộc đủ thể loại như hội họa, sắp đặt, điêu khắc… đây có thể được xem như một bộ sưu tập nghệ thuật của khu vực lớn nhất thế giới. Bắt đầu từ giữa năm 2005 kéo dài đến năm 2008, cuộc trình diễn “Art of our time” tại SAM với hơn 100 tác phẩm chọn lọc sẽ giúp người xem hòa mình vào chốn ngưng đọng của những giọt thời gian.



Góc Việt Nam tại SAM.


Không gian triển lãm được chia thành hai khu vực. Đầu tiên, “Unyielding Passion: 8 masters of Singapore Art” là nơi trưng bày tranh của tám nghệ sĩ (Chen Wen Hsi, Cheong Soo Pieng, Liu Kang, Georgette Chen, Chua Mia Tee, Tan Swie Hian, Tang Dawu và Iskandar Jalil) có ảnh hưởng lớn đến nền hội họa của Singapore từ giữa thế kỷ 20 đến nay.
 
Kế đến, bộ sưu tập nghệ thuật của các nghệ nhân Đông Nam Á với tên gọi “Of Tides and Times: Encounters with Southeast Asian Art” chiếm toàn bộ không gian của tầng hai có thể được xem như tâm điểm của triển lãm bởi sự đa dạng về thể loại, số lượng tác phẩm đến từ các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
 
Dạo chơi qua từng ô cửa nghệ thuật, khán giả như hiểu thêm về lịch sử hội họa địa phương và cả những khuynh hướng nghệ thuật được các nghệ nhân trong khu vực chọn thể hiện. Những quan điểm sáng tác, ảnh hưởng về điều kiện xã hội, chính trị cũng được các tác giả khắc họa rất rõ trên từng tác phẩm của mình.
 
Ai trót yêu nền mỹ thuật Đông Nam Á chắc chắc phải biết đến những cái tên Hendra Gunawan (Indonesia), Amorsolo (Philippines), Lê Phổ, Bùi Xuân Phái (Việt Nam).



Tranh của Bùi Xuân Phái.

Góc Việt Nam là một gallery thu nhỏ với những họa phẩm nổi tiếng tồn tại sau nửa thế kỷ thử thách của Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái. Tranh của hai nghệ sĩ trẻ Đặng Xuân Hòa và Trần Trọng Vũ cũng góp mặt trong đợt triển lãm này.












Tác phẩm của các nghệ nhân Đông Nam Á.


SAM tổ chức khá bài bản với những buổi hội thảo, thuyết trình và thông tin về từng chủ đề từng khu vực nghệ thuật cụ thể xuyên suốt “art of our time” đến năm 2008. Gói cả một thế kỷ nghệ thuật của khu vực vào triển lãm, người xem không những không bị rối về thời điểm lịch sử của từng tác phẩm nghệ thuật mà còn hiểu sâu hơn vào từng giá trị cá nhân của những tác giả mình quan tâm. Trông người lại ngẫm đến ta, nhưng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…





Nội thất và không gian bên ngoài của Singapore Art Museum.


(*) Trích trong nhật ký “Viết dưới ánh đèn dầu” của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Mỹ Phương - DiaOcOnline.vn