Làng quê Lộc Yên miền trung du Tiên Phước, Quảng Nam vốn nổi tiếng với những ngôi nhà cổ, ruộng bậc thang và nhiều cây trái nổi tiếng: bòn bon, chuối, tiêu, chè, mít, quế, vườn cau... Tản bộ qua làng này, du khách sẽ ngạc nhiên rồi nhanh chóng cảm thấy thân quen khi bước chân qua những ngõ đá rêu phong.
Ngõ đá dẫn vào nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng
Ngõ đá, bậc đá, thềm đá là những điểm nhấn thu hút tầm mắt du khách trước tiên. Nhà cửa nơi đây chỉ thấy thấp thoáng xa xa trong vườn. Vùng trung du bán sơn địa này có đồi núi nhấp nhô, thoai thoải. Trong lòng đất cơ man nào là các loại đá phong hóa. Biết bao thế hệ tiền nhân đã nhọc nhằn đào xới, dọn đá để có một nơi ở và vườn tược vững bền xum xuê cây trái hôm nay.
Ngõ vắng ban trưa
Không bõ công khẩn hoang, những viên đá nằm rải rác hàng ngàn năm trong lòng đất cản trở công việc trồng tỉa đã được con người sắp xếp lại thành những bức tường rào, những lối đi dung dị... đồng thời cũng là những công trình chống xói mòn đất rất hữu hiệu.
Đặt chân lần đầu lên những ngõ đá rêu phong, dưới những tán bòn bon xanh mát, dù chỉ một mình người ta vẫn thấy gần gũi, ấm cúng bên những ngõ đá đã qua bao bàn tay - đời người công phu gọt tỉa, sắp xếp, hòa cùng bóng vườn râm mát. Cảm giác nhẹ nhàng, thư thái như từ đá tỏa ra. Có lúc như lạc vào một thạch trận trong cổ tích.
Lối đá như từ trong ngõ nhà đổ xòa ra ruộng lúa
Lại có lúc như được chiêm ngưỡng những tác phẩm sắp đặt tuyệt vời. Cái hồn của làng quê này là những ngõ đá xinh xắn lượn quanh co ven sườn đồi, băng qua khu vườn thoảng hương hoa trái, lúc thoai thoải, lúc bằng phẳng, lúc là những bậc đá chen lẫn vài đám hoa... Không có ngõ nào giống ngõ nào, đó là một nét riêng không lẫn vào đâu được.
Những ngõ đá duyên dáng và độc đáo đã trở thành một chi tiết không thể thiếu trong không gian nhà cổ nơi đây. Cụ Huỳnh Thúc Kháng trong những tháng ngày về đây vui thú điền viên quê nhà đã tức cảnh:
“Ai xây, ai đắp khéo nên kìa
Đổ xòe nước bạc, đá so le”.
Ngôi nhà rường cổ lưu niệm cụ Huỳnh cũng là một di tích kiến trúc đặc biệt có đến hàng trăm năm tuổi thấp thoáng sau một ngõ đá được sắp xếp ngay thẳng với hàng chè tàu, giữa một khu vườn ngát hương quanh năm bốn mùa hoa trái. Nhà ở vùng này chẳng nơi nào có ngõ đóng then cài, chỉ có ngõ đá với không gian mở.
Một ngõ đá mới được hoàn thành
Tha thẩn quanh vùng, nếu muốn, du khách cứ việc rẽ vào nghỉ chân bên thềm đá rêu xanh, dưới những tán cây vườn đồi che phủ. Nhanh nhảu đón tiếp du khách trước là lũ chó đuôi ngoáy tít, lăng xăng sủa vang trời báo hiệu cho gia chủ có khách đến chơi. Người dân Tiên Phước nổi tiếng hiếu khách. Có khi gặp một cậu bé lễ phép mời chào “các cô, các chú vô nhà uống nước”, rồi nhanh chóng bưng bát nước chè xanh thơm đậm, hoặc một chùm bòn bon vào vụ mời khách thưởng thức. Khách, chủ chẳng mấy chốc hòa đồng như đã thân thiết bấy lâu.
Người dân nơi đây dù còn nghèo khó, khi lập vườn, dựng nhà có thể còn sơ sài, nhưng ngõ đá vẫn là ưu tiên trước, một công việc khó nhọc nhưng lôi cuốn và tích lũy công sức dựng xây. Lớp cha trước, lớp con sau, trải qua bao thế hệ, những viên đá tưởng chừng như vô tri kia bỗng có hồn như một trầm tích văn hóa và cả công sức dựng xây gìn giữ nếp nhà đến muôn đời sau.
Ngõ đá qua vườn bòn bon râm mát
Rảo bước qua những lối đá, lúc lên cao, lúc xuống thấp, chợt thấy lòng thanh thản, bình yên. Hồn đá và hồn người như thấp thoáng trong những lối đi về. Người dân nơi đây khi xa quê, chợt nhớ về cố quận, nhớ những ngõ đá đã lưu giữ trong đó biết bao ký ức thời gian bỗng như cồn cào gan ruột, bởi từ bao đời những ngõ đá là tình yêu và niềm tự hào rất riêng của họ:
“Có duyên lấy đặng chồng nguồn,
Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui...”
(Ca dao - Văn học dân gian Tiên Phước. UBND huyện Tiên Phước 2005).
Theo SGTT