Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó (*)

Cập nhật 27/05/2007 16:34

Những lần đến Singapore đi lang thang dạo phố chứ không phải shopping, tôi bỗng nhận ra cả thành phố dường như không có ngõ hẻm. Đường nhỏ, ngắn xuyên từ phố này qua phố kia hay đại lộ vẫn cứ là đường, vẫn có tên cho dù là những cái tên mà nếu đi taxi, tài xế taxi vẫn phải tìm trên bản đồ cảm ứng trước mặt.

Không có ngõ hẻm, nghĩa là không có từ “đột ngột hiện ra…” một điều gì đó như thường có ở xứ mình. Thôi kệ! cả đảo quốc vừa là thành phố cần gì hẻm. Nhưng thói quen sống, ở, đi cùng hẻm ngõ ở nhà nay chẳng thấy có cái “đột ngột…” nào hiện ra bỗng thấy kém… thú vị.



Hẻm chỉ là hẻm, ngõ chỉ là ngõ, nhưng lối đi nho nhỏ không tên (thường chỉ có số cho dễ phân biệt) là cái “lối cũ ta về” có đến 80% dân số thành phố, mấy ai tìm được cái mặt tiền đường. Những lối ngõ đan xen, cài nhau như một mê cung, nhà cửa san sát cận kề hay đối mặt. Đời sống thị dân chẳng cần đi xa, chỉ bước qua bên kia là có một tiệm chạp phô, đi đến đầu hẻm có ngay xe hủ tíu, giữa hẻm là bún riêu, bún ốc… nay có thêm dịch vụ rửa xe hay một “khung cửa hẹp” nhưng đủ để các cao thủ tuổi teen quần xà lỏn, áo may ô tìm đến mà chí chát “Võ lâm truyền kỳ”. Hẻm ngõ luôn có một đời sống không ầm ĩ nhưng cũng đủ rộn ràng đâu kém ngoài mặt tiền đường nơi sáng choang ánh đèn quảng cáo, quán xá, shop thời trang.


Hẻm là nơi ta đi về, lại có thể đồng thời là nơi người ta kiếm sống - chỉ cần một xe thuốc lá hay một chiếc bàn gỗ nhỏ cà phê cóc là nói theo kiểu bình dân “đủ tiền chợ qua ngày”. Cái lối sống quần tụ, quần cư mang đậm dấu ấn của văn hoá làng xã trong thói quen tiềm thức. Dù đi đâu, ngụ cư hay nhập cư đến nơi ở mới, thói quen ấy bám vào hẻm ngõ - một phần vì kinh tế eo hẹp, phần nữa do lối sống cộng đồng quen thuộc.


Hẻm cây me, hẻm cây xoài, hẻm cây quéo, những cái tên hình thành lâu ngày theo cách tư duy cụ thể: thấy gì đặt tên cái nấy - dù cây quéo, cây gòn từ lâu đã không còn. Hẻm ngõ là đặc trưng quan trọng của Sài Gòn (và Hà Nội). “Ngõ nhỏ, phố nhỏ… nhà tôi ở đó…”. Có hẻm người Hoa, có hẻm người Chăm, có hẻm ngang dọc, đan xen mà thành địa danh như khu Bàn Cờ… Đời sống thị dân cứ thế sinh động, phát triển… theo nhịp văn minh cũng có, mang theo tệ nạn cũng có.

Hẻm ngõ - có khi trở thành vô khối ký ức với người này, người nọ. “Hồi đó, ở truồng tắm mưa mỗi khi cơn mưa lớn đến, chạy từ hẻm này qua hẻm khác, hú hét ầm ĩ, “Tí ơi! ra… tắm… mư…a với tao!”.


Rằm tháng bảy rủ nhau từ hẻm này qua hẻm khác giựt đồ cúng cô hồn, rằm tháng tám lũ lượt xếp hàng rước đèn ống lon luồn lách khắp xóm qua những con hẻm quanh co. Đêm giao thừa, áo mới, giày mới cũng đi qua những ngõ hẻm theo mẹ lên chùa… Hẻm ngõ thân mật và gần gũi biết dường nào.

Chẳng rõ vài thập kỷ nữa hẻm ngõ ra sao, có còn hay không còn nữa. Nhưng cái nơi “tối lửa tắt đèn” ấy chắc còn theo mãi đến tận tuổi già của ai đó. Như thư gửi từ nước ngoài xa xôi cũng có thể có câu “Hồi đó tôi ở hẻm… đường…, cây khế có còn không?”.

Biết đâu!

(*) lời một bài hát

Đỗ Trung Quân - Theo Sài Gòn Tiếp Thị