Lối quê - lối về của miền ký ức

Cập nhật 26/06/2008 15:40

Không đủ lớn để gọi là đường. Lối quê chỉ vừa bước chân kẻ bộ hành, hoặc họa hoằn lắm cũng chỉ đủ để một vài chiếc xe qua lại. Nhỏ bé thế nhưng chất chứa trong nó cả cái hồn quê thuần hậu…

Với triết lí sống xem trọng tình làng nghĩa xóm “bà con xa không qua láng giềng gần”, cái lối quê bé nhỏ dẫn từ nhà này đến nhà kia như sợi dây tình cảm không thể thiếu. Nó mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng: kết chặt thâm tình, sẻ chia, giúp đỡ khi tối lửa tắt đèn, lúc trở trời trái gió.


Bởi là đường nội bộ mở ra từ chính mảnh đất riêng của từng nhà chứ không hề được “quy hoạch” nên cái lối đi nhỏ xíu ấy không hề có nét chung nào. Có lối chỉ vừa đủ một người qua, có lối lớn hơn một chút, có thể chạy xe đạp hoặc xe máy. Nhưng thường không bao giờ rộng hơn hai mét.

Không gay gắt nắng như những con đường tuy lớn mà chẳng một bóng cây, không ồn ào bụi bặm như phố xá thị thành, lối quê bé nhỏ hiền hòa, nấp mình dưới lũy tre khóm trúc hay dậu râm bụt đỏ hoa. Không chỉ xoa dịu cái nắng chang chang giữa nắng hè hay che bớt vài hạt mưa bất chợt, lối quê còn xoa dịu lòng người, làm ấm lên thứ tình quê muôn thuở!


Không chỉ để kết giao tình làng nghĩa xóm, đó còn là nơi mỗi người trở về sau một ngày nhọc mệt hay một chuyến đi xa…

Từ phía xa xa nơi đầu ngõ, bóng mẹ thấp thoáng với đôi quang gánh kĩu kịt khi tan buổi chợ chiều, dáng cha liêu xiêu tay cày tay cuốc sau một ngày vất vả… Từng đi qua tuổi thơ, không ai khỏi rạo rực trước cái phút giây ấy: dù chỉ chiếc bánh con con mẹ mang về, hay cái ôm hôn đẫm mùi mồ hôi của cha… cũng đủ làm lòng ấm lạ!


Bên cạnh mảnh sân nhà, lối quê cũng là nơi gắn liền với những trò chơi thơ ấu với đám bạn bè quanh xóm. Nào cút bắt, năm mười, nào bắn bi, lò cò,… Những giậu tre bờ trúc trở thành nơi lí tưởng, kín đáo để không chỉ vui đùa mà còn… trốn mẹ cha để được thỏa chí tung tăng!

Rồi lối quê âm thầm cùng chúng ta lớn lên… Âm thầm thỏa hiệp với những trò nghịch ngợm của tuổi hái hoa bắt bướm… Và âm thầm làm chứng nhân cho những câu chuyện tình nơi thôn dã. E ấp, dịu dàng, nhưng cũng nồng thắm thương yêu, họ gởi gắm ước mơ, trao nhau lời hẹn bên gốc tre già nơi đầu ngõ…


Để rồi đến một lúc nào đó, lại vô tình, lối quê trở thành “lối yêu thương” dẫn cô gái trẻ về làm dâu nhà hàng xóm, hay dẫn lối cau trầu cho anh chàng lực điền cưới cô thôn nữ… Không chỉ đôi uyên ương đắm say trong hạnh phúc, mà cả xóm làng như cũng rạo rực chung vui. Trẻ con tíu tít gọi nhau đi xem “cô dâu chú rể”, cụ già lom khom gậy trúc bước ra xem mặt dâu thảo, rể hiền… Tất cả như ngập trong hạnh phúc trên cái lối quê bé nhỏ mà đậm tình…


Mặc cho đường tỉnh, đường huyện, đường làng cứ to ra theo nhịp độ phát triển của cuộc sống, thì lối quê vẫn thế: nhỏ bé, hiền lành. Không ồn ào, nhưng lối quê biết lặng lẽ ghi vào mình những buồn vui rất đỗi con người.

Lối quê – lối về của miền ký ức…

Phù Sa _DiaOcOnline.vn