Làng Hoàng Trù – gõ cửa miền kí ức

Cập nhật 11/10/2007 08:09

Giữa tất bật công việc, đôi khi người ta muốn tìm về một miền đất xa xôi nào đó như để được trở về quá khứ, trở về lại với chính mình. Làng Hoàng Trù – nơi đánh thức kí ức ngủ quên, nơi mở ngõ một thời quá vãng…

Hoàng Trù là cái nôi văn hóa đồng quê xứ Nghệ. Làng Hoàng Trù xưa có tên nôm là Cồn Trùa sau thành làng Chùa. Sau cánh cổng tre rộng mở của cụm di tích Hoàng Trù là lối đi giữa hai bờ dậu, nơi dẫn chúng ta đến một ngôi nhà thờ và hai ngôi nhà tranh thân thuộc, như gợi nhớ về một nơi của quê cha đất tổ.



Ngôi nhà tranh ba gian đơn sơ, mộc mạc, nơi sinh thành Người cha kính yêu của dân tộc – Bác Hồ. Không phải là “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…” nhưng đặt chân đến đây sẽ không nguôi nghĩ đến một nơi đi về thân thương.

 


Gian nhà ngoài là nơi lưu dấu những kỉ vật nhuốm màu thời gian: một bộ phản, một chiếc án thư, hai cái ghế kê sát cửa sổ, hai cái giá để sách; gian thứ hai với chiếc giường nhỏ đơn sơ, khung giường làm bằng gỗ xoan đâu, thang làm bằng tre, liếp bằng nứa, trên trải chiếu mộc; gian thứ ba để bộ khung cửi dệt vải, cạnh bên là chiếc võng cói dài.

 


Tất cả đều phảng phất bóng dáng của một ngày xa xưa nào đấy, một cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, một cảm giác làm người ta quên đi những lo toan thường nhật. Âm thanh khung cửi êm đềm, tiếng võng đưa kẽo kẹt, những lời ru ngọt ngào, dịu dàng của mẹ, tiếng lá tre xào xạc giữa trưa hè, tiếng những người con bi bô niềm hạnh phúc…

 


Những thứ mộc mạc, dân dã ấy sẽ đưa ta về với chính mình, với một thời của hạnh phúc, một thời không nhiều âm thanh xô bồ của xe cộ, không bon chen chật vật, ít người nhưng chẳng cô đơn…

Cánh cổng tre mở ra là mở cả một miền kí ức; khép lại là dành cho những vẹn nguyên tươi đẹp mùa sau, bởi nó đã luôn có một thời như thế…

DiaOcOnline.vn