Núi Nemrut, là một ngọn núi nằm về phía Đông Nam của vùng Anatolia thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, cao 2.134m so với mặt nước biển, nơi đây đang lưu giữ một trong những di sản mang dáng vẻ kỳ bí nhất thế giới. Dãy núi nổi tiếng với những chiếc đầu tượng khổng lồ nằm rải rác khắp nơi.
Nằm trong số các di tích được phát hiện vào thế kỷ XIX trên núi Nemrut, các nhà khảo cổ học cho rằng, lăng của Vua Antiochus I Theos trị vì vương quốc Commagene được xem là công trình xây dựng tham vọng nhất thời kỳ Hy Lạp cổ đại.
Được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đặc thù của quần thể lăng mộ ở đây là những pho tượng cỡ lớn (tầm 8-9m) được đúc mô phỏng theo khuôn mặt của Vua Antichus Theos và những vị thần Hy Lạp cũng như Ba Tư. Tất cả các vị thần này đều có tư thế ngồi. Sau mấy thế kỷ chịu đựng gió mưa, phần đầu của các tượng đều tách rời khỏi thân mình, lăn lóc rải khắp dãy núi một cách lạ lùng.
Địa danh này đã “ngủ quên” trong vòng gần 2000 năm và được một nhà kiến trúc sư người Đức tình cờ khám phá ra vào cuối thế kỷ 19 khi đang thực hiện nhiệm vụ mở đường giao thông. Và thế là những bí mật đằng sau các pho tượng khổng lồ được đưa ra ánh sáng vào giữa thế kỷ 20.
Theo các nhà khảo cổ học, vị vua Antichus là vua của xứ Commagene – một vương quốc chư hầu của đế chế La Mã. Vì chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp cổ đại, nên tất cả các vị vua của xứ này sau khi băng hà đều được tôn làm thần thánh. Đó chính là lý do vì sao tượng của vua Antichus được xếp ngang hàng với các vị thần khác.
Trên đỉnh núi có một khu mộ cổ, do nhiều khối đá rời rạc chất cao khoảng 49m. Hai bên hông có chạm khắc hình ảnh tổ tiên của Antiochus I Theos. Khu mộ cổ này có hai con sư tử và hai con chim ó đứng ở hai phía Đông và Tây để bảo vệ.
Những bức tượng ở đây còn được sắp xếp theo trình tự của các ngôi sao và hành tinh như Sao Mộc, Sao Thủy và Sao Hỏa vào ngày 7/7 năm 62 TCN. Các nhà khảo cổ cho rằng, nó có thể là dấu hiệu lưu lại ngày mà công trình di tích này bắt đầu được xây dựng.Các phiến đá với hình ảnh người Ba Tư và Hy Lạp khác nhau được tìm thấy với những dòng chữ khắc phía sau xác định các liên kết về phả hệ của nhà vua.
Vào năm 1987, núi Nemrut đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Mặc dù nhiều bức tượng đã bị phá hủy và hư hỏng nặng nề, nơi này vẫn được coi là một trong những di tích hùng vĩ nhất thế giới.
DiaOcOnline.vn - Theo Thể Thao việt Nam