Kiến trúc Tongkonan và di sản từ thế giới hôm qua

Cập nhật 16/03/2008 10:01

Đi giữa màu xanh bạt ngàn của vùng thung lũng nắng và gió trên đảo Sulawesi chợt bắt gặp những mái nhà dáng cong hình thuyền đầy ấn tượng, ấy là lúc ta đang hòa mình vào không gian văn hóa Toraja kỳ bí. Với bất kì ai lần đâu tiên tiếp xúc, từng căn nhà tongkonan xếp thành hàng chạy dài thẳng tắp trông giống như những chiếc ngư thuyền đang neo đậu giữa một bến nước trong xanh thẫm màu sơn cước.



Đảo Sulawesi, Indonesia.


Toraja là dân tộc bản địa thuộc ngữ hệ Nam Đảo định cư lâu đời tại khu vực phía nam đảo Sulawesi, dân số vào khoảng 650.000 người, chủ yếu làm các nghề nông ngư nghiệp và thủ công truyền thống. Họ theo Kitô giáo, một số theo Islam và và các dạng tín ngưỡng bản địa khác. Trong tiếng Bugis địa phương, “toraja” nghĩa là “cư dân vùng núi”, được người Hà Lan chính thức đặt tên vào đầu thế kỷ 20 khi vùng này còn là thuộc địa.



Người Toraja.


Nhắc đến văn hóa Toraja, không thể không nhắc đến mẫu kiến trúc nhà sàn tongkonan độc đáo.


Hang thờ của người Toraja.

Hoàng hôn về trên bản Toraja.


Nhà Tongkonan được xây trên trục những thân cột to cao, rắn chắc. Mái nhà lợp bằng lá, kim loại hay ngói nung, được thiết kế dáng cong hình thuyền cao vút, kiêu hãnh. Hai mũi thuyền ở hai đầu được kéo ra và dựng cong lên một góc 45 độ, khiến tổng thể căn nhà cứ một chiếc thuyền bồng bềnh giữa màu xanh cây lá chung quanh.

Mặt trước nhà tongkonan thường quay về hướng bắc (hướng tổ tiên). Tường và sàn nhà thường làm gỗ, được trang trí với nhiều gam màu đặc trưng (màu đen = bóng tối, chết chóc; màu trắng = thuần khiết; màu đỏ = màu máu, màu sự sống; vàng = màu mặt trời, quyền lực). Nhiều môtíp trang trí được cho là mang phong cách văn hóa Đông Sơn truyền bá từ đất liền ra. Theo chiều thẳng đứng, tổng thể tongkonan chia ra ba phần: trên cùng là nơi linh thiêng dành cho tổ tiên và là nơi cất giữa các báu vật gia truyền; ở giữa là không gian sống của con người; và bên dưới sàn nhà là nơi cột gia súc.

Theo quan niệm Toraja, ba tầng không gian trong mỗi tongkonan tượng trưng cho ba tầng vũ trụ thiên giới - dương gian - địa ngục; cả căn nhà tongkonan là một vũ trụ thu nhỏ, là nơi gặp gỡ của quá khứ - hiện tại - tương lai, và là nơi hội tụ của “khí” từ tứ phương Đông - Tây - Nam - Bắc.



Trang trí bên trong tongkonan .




Các tongkonan trông như
những con thuyền lướt sóng.


Theo truyền thuyết Toraja, thuở hồng hoang khi loài người còn ở trên thiên giới, ngôi nhà tongkonan đầu tiên được Đấng Sáng thế Puang Matua xây dựng trên bốn chiếc cột lớn là lợp mái bằng một thứ vải thiêng, và khi tổ tiên Toraja xuống trần đã mang theo mẫu kiến trúc ấy. Và cứ thế, các thế hệ Toraja vẫn giữ nguyên phong cách nguyên thủy, coi đó biểu tượng thiêng liêng mà Đấng sáng thế đã ban tặng cho riêng họ.

Theo từ nguyên, tongkonan bắt nguồn từ tongkon, trong tiếng bản địa có nghĩa là ngồi, ngụ ý tongkonan là nơi các thành viên gia đình “ngồi lại” với nhau để gìn giữ truyền thống. Vì thế, tongkonan có vị trí hết sức đặc biệt trong xã hội Toraja.

Từng làng bản Toraja đều có tongkonan trung tâm (như đình, nhà rông ở Việt Nam) do người dân hợp sức xây dựng làm trung tâm sinh hoạt chính trị - xã hội - tôn giáo cộng đồng. Theo quy định cũ, chỉ có các chức sắc mới có quyền dựng tongkonan riêng, song quy mô thường nhỏ hơn tongkonan trung tâm. Hiện nay, việc xây dựng tongkonan hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi gia đình do phải mất nhiều công sức và tiền của.



Tongkonan trong hội họa.




Biểu tượng của sự thịnh vượng .


Có ba loại nhà tongkanan: tongkonan layuk dành cho chức sắc hay các vị trưởng tộc chịu trách nhiệm cúng tế cho cả dòng tộc; tongkonan pekamberan dành cho chức dịch và những gia đình khá giả; và tongkonan batu dành cho giới bình dân.

Ngày nay, các ngôi nhà tongkonan mới được xây dựng bằng các nguyên vật liệu hiện đại hơn, song cốt cách truyền thống vẫn là điều thiêng liêng mà người Toraja muốn dành tặng cho con cháu mai sau.


Kiểu nhà tongkonan batu xưa.

Kiểu nhà tongkonan batu hôm nay.


Giữa núi rừng hùng vĩ người Toraja lại xây nhà hình thuyền, phải chăng đó là dấu ấn sinh động còn sót lại của lục địa Đông Nam Á cổ xưa với nền văn minh trồng trọt huy hoàng đã chìm đắm giữa lòng đại dương mà không ít các học giả Tây phương (như Stephen Oppenheimer) đã từng đề cập đến?

Theo website Văn Hóa Học