Kiến trúc của sự tao nhã

Cập nhật 04/09/2007 15:23

Nói đến vẻ đẹp của Sài Gòn, đã có quá nhiều lời trách cứ. Nên chăng phải có một cuộc thi Kiến Trúc cho Sài Gòn, để tìm ra một tổng thể tổng hợp nhất như Lào Cai đã từng làm? Sài Gòn đang lột xác rất nhanh, những trào lưu kiến trúc đang nở rộ, muôn màu muôn vẻ.

Trừ những công trình được coi là biểu tượng của Sài Gòn như chợ Bến Thành, trụ sở UBND Thành Phố, nhà thờ Đức Bà… đều do người Pháp thiết kế, mặt bằng kiến trúc chung của Sài Gòn ảnh hưởng khá lớn từ những người lãnh đạo Thành Phố.

Mặc dù vậy, Sài Gòn đang dần vui lên nhờ bàn tay của cư dân và những nhà đầu tư đã chọn Sài Gòn là điểm dừng chân lâu dài. Đẹp nhất, dễ thấy nhất là những quán cà phê sân vườn thơ mộng. Quán cà phê tràn xuống phố, mang theo hơi hướng của thiên nhiên khiến cho những phút giây bên bạn bè trở nên thi vị hơn.

Niềm tự hào của người Sài Gòn là một không gian xanh mát của Nam Sài Gòn, Thảo Điền. Nhưng tôi vẫn ước giá như con đường ở Nam Sài Gòn không quá thẳng, quá phẳng như thế, những phòng ốc không quá chật hẹp như thế, mỗi ngôi nhà không thiếu những khuôn viên riêng như thế… hẳn sẽ làm cho con người ta đỡ chán hơn.

Để biến một Nam Sài Gòn trong tương lai thành môi trường sống lý tưởng, phải dựa vào điều kiện tự nhiên để đưa ra cách sống phù hợp nhất. Với Thảo Điền cũng vậy, môi trường sống lộn xộn, nhiều đẳng cấp đã làm mất đi tính đặc thù. Càng ở càng thấy khó chịu vì tiếng ồn, nạn ngập nước, xây cất trồi sụt bất thường…


Đang có một sự thay đổi rõ rệt trong quan niệm về nhà ở của người Sài Gòn nói chung và nhất là giới doanh nhân nói riêng. Tôi đánh giá cao những doanh nhân trẻ thành đạt từ 35 tuổi trở xuống, có tri thức, có quan điểm kiến trúc cấp tiến, lại đi nhiều, thấy nhiều, sẵn sàng chấp nhận tốn nhiều công sức và tiền bạc để tối ưu hóa môi trường sống, nâng cao giá trị tinh thần. Rất tiếc, giới kiến trúc hiểu biết vẫn còn nằm ngoài bộ máy công quyền. Phải làm sao cho họ tham gia sâu vào bộ máy nhà nước mới có thể cùng những người lãnh đạo thành phố hiện thực hóa những suy nghĩ cấp tiến, lựa chọn cách đi đón đầu cho kiến trúc mới của Sài Gòn.

Chính họ đã đặt ra cho kiến trúc sư những suy nghĩ đúng đắn hơn về một ngôi nhà. Nó không còn là những khuôn mẫu “sinh sản vô tính”, nơi để “trưng bày” những của cải quí giá, mà là nơi chốn thích hợp nhất với tâm hồn mình, với bạn bè, nơi chốn của mình.

Một vị khách hàng doanh nhân đã nói với tôi: “Tôi sẵn sàng bỏ nhiều tiền cho thiết kế, cho không gian mà anh sẽ tạo ra cho tôi, chứ không phải là những đồ đạc mà anh sẽ đặt vào đó”. Càng ngẫm, tôi càng thấy anh ấy có lý. Mỗi ngôi nhà phải là một tác phẩm riêng biệt, là chốn riêng tư, chỗ an toàn nhất để mỗi người quay về, tích trữ năng lượng, nuôi dưỡng tâm hồn để rồi lại đủ sức bước ra cuộc đời. Kiến trúc phải xác định rõ là phục nhu cầu cá nhân.

Đúng là một số kiến trúc sư đang làm mất niềm tin của khách hàng. Người làm kiến trúc lâu năm phải có những nhà thi công “ruột” mới có thể thể hiện được tác phẩm của mình. Một khiếm khuyết phổ biến hiện nay là những tác phẩm kiến trúc dừng lại quá sớm, cái nhìn của kiến trúc sư về chủ nhà quá đơn giản, có người còn không thèm tiếp xúc tới không gian xung quanh nơi mình xây dựng, “nhắm mắt” vẽ đại một hai buổi là xong. Phải dành thời gian công sức thích ứng với số tiền mà chủ nhân bỏ ra mới có thể tạo nên một tác phẩm phục vụ cho chính họ.

Tôi rất coi trọng khoảng thời gian đầu tiên tiếp xúc với chủ nhà và “đi” suốt cùng họ nhiều năm, cả khi công trình đã xây dựng xong, để có thể bổ khuyết cho không gian bên trong. Nếu mình không song hành với chủ nhà mà giao nhà xong là biến mất, sẽ không thể duy trì được môi trường sống lý tưởng mà mình đã tạo ra. Rất nhiều chủ nhà trở thành bạn thân của tôi là vì vậy, và ngược lại, tôi cũng học được rất nhiều từ những khách hàng doanh nhân của mình. Ví dụ ngôi biệt thự mà công ty chúng tôi xây cho chị Hằng, chủ nhân quán Ngon chẳng hạn. Chị là một phụ nữ kín đáo, thích sự đơn giản, dịu dàng. Mọi thiết kế trong nhà chị đều hiện lên ý tưởng chủ đạo là sự dịu dàng.

Hơn 80% doanh nhân trẻ thích phong cách kiến trúc của châu Âu, hình khối đơn giản, tối ưu hóa mọi nhu cầu, nhưng với chất liệu châu Á. Tính toàn cầu, tính dân tộc thể hiện rất rõ qua sự cởi mở, giao hòa này. Từ đó, tôi có thể khẳng định những giá trị truyền thống không hề mất đi, mà mở hơn, đặc thù hơn. Xu hướng giao hòa với thiên nhiên, trở về với thiên nhiên đang ngày càng nở rộ. Thiên nhiên chính là nguồn cảm hứng vô tận cho kiến trúc sư trong sự sáng tạo.

Mang nắng, gió, hoa dại vào nhà, với những vật liệu không trùng lắp, để tạo nên sự gần gũi, tươi mát cho không gian ở là sở trường của tôi. Tôi đặt biệt yêu thích hoa dại, những loại hoa cỏ mọc tự nhiên trong vườn nhà, những cánh hoa mua, hoa sim…Các ngôi nhà tôi thiết kế đều trồng toàn hoa dại. Tôi thích hòa trộn giữa kiến trúc cổ điển và hiện đại, để tạo ra ”kiến trúc của sự tao nhã”, với phong cách đơn giản, nhẹ nhàng, trong sáng.

Theo KTS Trần Văn Toàn