Hội Ngộ quán – nơi hội ngộ những tâm hồn

Cập nhật 18/10/2007 10:39

Nằm trong khuôn viên làng du lịch Bình Quới, cách trung tâm TP HCM khoảng 10km, nhà lưu niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hiện nay và Hội quán Hội Ngộ trước đây là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm của bạn bè và người hâm mộ nhạc sĩ.

Cánh cổng như đặt hờ hững, đơn sơ, không phải để khép lại vì không có cửa, mà luôn mở rộng để những người bạn đồng điệu cùng hội ngộ - như chính cái tên của nó, cùng bước vào một khoảng yên lặng chỉ dành riêng cho những vận động tâm linh. Hội ngộ!



Cổng không cánh cửa, như rộng mở chào đón
tất cả mọi người tới Hội quán Hội Ngộ.




Hội quán Hội Ngộ nay là Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn.


Hội quán được dựng trên phần đất rợp bóng cây, cạnh dòng kênh Sở Nhật, trong một không gian tĩnh lặng ven sông Sài Gòn để làm nơi gặp gỡ của những người yêu âm nhạc, hội họa, văn thơ.... KTS Nguyễn Văn Tất đã thiết kế công trình để dành tặng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những vật liệu được sử dụng trong Hội quán đều rất thân thuộc, gần gũi với thiên nhiên như gỗ, gạch trần, đá... để hài hòa với cảnh quan chung. Một không gian có phần tĩnh lặng, kiểu kiến trúc đơn sơ nhưng đầy chất nghệ thuật.

Ngay lối vào có thể bắt gặp tấm ảnh lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một tấm ảnh của suy tư, của hoài niệm. Phong cách trang trí giản dị như chính bản thân người nhạc sĩ: những chiếc ghế tre nhỏ, tường gạch, đá, tấm mành tre, những thanh gỗ nhỏ làm điểm tựa cho những bức tranh treo trên tường - những bức tranh của một “thuở hồng hoang”, của một thời “Tôi ru em ngủ”… hay chỉ đơn giản là của “Một cõi đi về”…



Tấm ảnh lớn, đầy tâm trạng của nhạc sĩ ngay lối vào.




Những chiếc ghế bằng tre nhỏ
được kê dọc bức tường chính của Hội quán.




Khoảng không gian xanh bao quanh khu nhà lưu niệm.


Đến Hội Ngộ, người ta lại muốn đi tìm hình bóng của “một người con gái rất mong manh đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học Văn Khoa Huế”, một “Diễm” của ngày xưa. Phải chăng chính không gian đầy hoài niệm, đầy chất Trịnh đã đưa người ta tìm đến nó, đến một nơi mà những tâm hồn cần đến những tâm hồn?

Những tấm ảnh, những bản nhạc, đĩa CD hay những kỷ vật lưu niệm một thời ký ức của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những viên sỏi xếp liền nhau như ghi nhớ một ngày sỏi đá cũng cần nhau… Tất cả đều phảng phất dư vị đôi lúc ngọt ngào, đôi lúc mằn mặn, cay cay, một dư vị của cuộc sống.



Những tấm mành cũng là những bản nhạc




"Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau".




Những vật kỷ niệm, các bản nhạc,
đĩa CD tác phẩm của Trịnh Công Sơn.


Năm tháng đi qua, người thân và người yêu nhạc Trịnh Công Sơn vẫn không quên đến ngày 1 tháng 4 hàng năm, cùng hội ngộ lại đây, cùng tổ chức những đêm nhạc ấm cúng, thân tình tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa này. Hội Ngộ quán không đơn giản chỉ là “quán” mà chất chứa trong nó rất nhiều “tình yêu, nỗi đau, thân phận” của những câu hát được cất lên từ tiếng lòng, của tiếng đêm, của “những cung đàn kỉ niệm”, để ta “sống lại một mùa trăng xa xôi”…

Đã qua rồi những năm tháng “ở trọ trần gian”, chỉ còn lại đây chút tình người nhạc sĩ: Hội Ngộ quán.

DiaOcOnline.vn
Ảnh: Đô Thị