Hoang sơ thảo nguyên

Cập nhật 10/09/2009 14:10

Thảo nguyên không chỉ là những đồng cỏ bát ngát chân trời. Đó còn là những vùng đất duyên hải ngập mặn, nơi chỉ có những loài cây nước lợ sinh sống hoặc có thể là vùng đất đóng băng quanh năm nơi Bắc cực, hoặc nơi trú ẩn cho hàng triệu chú ngựa vằn... theo National Geographic.

Một đầu máy xe lửa hơi nước đang xình xịch băng ngang qua vùng thảo nguyên mênh mông Patagonia thuộc lãnh địa Nam Mỹ. Vùng thảo nguyên này quanh năm khô hạn, không hề có cây cối. Đây từng là điểm trú ngụ cho những đoàn người du mục chuyên sống bằng nghề săn bắn, nhưng giờ đây chỉ có chủ nhà là những chú cừu nằm ườn ra trên khắp thảo nguyên bao la. Công nghiệp quanh vùng này gồm có dầu khí, khí gas, khoáng chất.

Những du khách tìm đến nơi này chỉ để ngắm nhìn cảnh đẹp hoang sơ của thảo nguyên Patagonia mênh mông đến chân trời.

 


Cây boab to lớn trông giống những cây bao báp của vùng châu Phi và Madagasca đứng lẻ loi giữa cánh đồng cỏ vàng trên miền thảo nguyên gần thị trấn Wyndham ở phía tây nước Úc. Bờ biển dài 12.500km với những vùng duyên hải mênh mông như thảo nguyên này vốn là những vùng đất ăn sâu vào đất liền thuộc phần đất trung nguyên khô hạn và nắng nóng, được biết đến như là những vùng hẻo lánh.

 


Dòng sông Snake uốn lượn qua rừng cây thuộc công viên quốc gia Grand Teton, Wyoming. Một thảo nguyên rộng lớn phủ đầy cây ngải đắng, nơi trú ngụ của bò rừng và nai sừng tấm giống Bắc Mỹ, trải dài đến tận chân núi Teton lởm chởm trông giống như mọc lên đột ngột từ thung lũng sâu.

 


Thảo nguyên Kansas đang nằm nghỉ ngơi trong khi một lằn sấm chớp hiện ra phía chân trời. Đồng cỏ rộng lớn này chạy băng qua trung tâm vùng Bắc Mỹ, từ phía nam Canada băng ngang qua giữa nước Mỹ và chạy thẳng đến vùng bắc Mexico.

Cánh đồng rộng lớn này có những vùng phân biệt giữa loài cỏ thân ngắn, loài cỏ chịu khô hạn, vùng pha trộn giữa hai loài cỏ chịu khô hạn và cỏ ngắn, vùng cỏ thân cao ở phía đông thảo nguyên nơi mang không khí ẩm ướt hơn.

 


Những cây bách con đứng chôn chân trong thảo nguyên nước ngập mặn thuộc duyên hải đông nam nước Mỹ. Thảo nguyên duyên hải này thấp hơn cả nền đất bãi biển. Những cây bách với sức chịu đựng nước lợ có thể lớn nhanh trong điều kiện hệ sinh thái nơi đây.

 


Đây có phải là mặt nước ảo ảnh không? Những vùng hồ cạn này trông có vẻ giống như thế, được tạo nên bởi những trận mưa lớn vào mùa mưa, dạng hồ hiếm gặp này xuất hiện nhanh chóng trên những thảo nguyên hoang mạc mênh mông của công viên quốc gia Witjira thuộc Úc. Nằm trong vùng hoang mạc Simpson, Witjira cũng là nơi có dòng suối Dalhousie, một trong những suối nước nóng phun trào từ lòng đất lớn nhất của Úc.

 


Những dòng nước cuốn mạnh mẽ của mùa nước lũ đã quay về với vùng đất khô hạn này, thảo nguyên phủ dày cỏ trở thành một ốc đảo cuốn tròn trên vùng châu thổ Okavango thuộc Botswana.

Mỗi năm hệ thống châu thổ được xem là lớn nhất Trái đất này với diện tích 25.900km2 hứng chịu những trận lũ, cánh đồng cỏ rộng lớn này kẻ một đường cỏ xanh đến tận hoang mạc Kalahari và rồi chuyển thành vùng đất phù sa ẩm ướt, làm phong phú thêm đời sống thực vật nơi đây.

 


Hai chú ngựa vằn đang lướt qua đồng cỏ trong bóng chiều chạng vạng ở khu bảo tồn quốc gia Masai Mara thuộc Kenya. Mỗi năm khu bảo tồn của 200.000 chú ngựa vằn này tiếp nhận 1,5 triệu chú ngựa hoang di trú vào mùa mưa vượt qua hơn 480km từ vùng Tanzania chuyển đến Kenya vào mùa khô. Sau đó chúng quay về lại phương nam và cho ra đời những chú ngựa non trên vùng thảo nguyên ẩm ướt Serengeti.

 


Đường cao tốc James Dalton cắt một đường độc đạo băng qua cánh đồng băng tuyết của vùng Bắc cực thuộc Alaska. Tuyến đường này với chiều dài 666km được trải đá với tên gọi Haul Road, là đường giao thông cho những nhóm người làm việc ở vùng dầu hỏa vịnh Prudhoe. Tuyến đường vắng vẻ và có vẻ mạo hiểm này đã được đưa vào sử dụng rộng rãi cho dân chúng đi lại từ năm 1994.

 


Mỗi năm vùng khô hạn Botswana đều đón nhận món quà thiên nhiên ban tặng. Đó là những trận mưa đổ suốt ba tháng trên khắp dải đất dài 800km dài theo những vùng cao nguyên của vùng đất mấp mô Angola đổ xuống vùng sông Okavango tưới tắm cho vùng châu thổ Okavango, đổ đầy tràn những kênh đào trong vùng và ngập tràn thảo nguyên mùa lũ.

 


Một bức hình toàn cảnh của vùng châu thổ sông Lena với diện tích 30.000km2, một trong những vùng đồng bằng lớn nhất thế giới. Nằm ở vùng đất thấp bắc Siberia của Nga, vùng duyên hải Bắc cực với lớp đất đóng băng vĩnh cửu này không thể đến trong mùa đông.

Song vào mùa xuân, nhiều loài động thực vật lại bắt đầu cuộc sống hoang dã của chúng, bao gồm cá, loài động vật có vú sống ở biển, các loài sói và hàng triệu loài chim di trú. Vùng châu thổ này được tưới tắm bởi sông Lena, một trong những con sông dài nhất thế giới với chiều dài 4.400km.

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ