Hành tinh xanh qua lăng kính hai mặt

Cập nhật 26/04/2012 14:10

Chùm ảnh nhân Ngày Trái đất 22.4 đăng tải trên trang Boston mang lại những góc nhìn khác nhau về hành tinh xanh của chúng ta.

Một con bọ rùa dang rộng đôi cánh, phấn khích trước cánh đồng cỏ xanh bát ngát ở Vườn quốc gia Rooks, Walla Walla, Washington, Mỹ.

22.4 sẽ đánh dấu Ngày Trái đất năm thứ 42, với sự tham gia của 175 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là ngày mà nhân loại cần dành thời gian để suy ngẫm về những tác động của chính mình lên môi trường sống, cân nhắc được - mất trước mỗi hành động.

Với chùm ảnh về thiên nhiên tươi đẹp cũng như thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, giới truyền thông muốn góp thêm một tiếng nói bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà chung.


Hai con voi lang thang đi kiếm ăn tại Vườn quốc gia Đông Tsavo, Kenya. Quốc gia châu Phi này đang phải chịu sự hoành hành của nạn săn trộm voi, bất chấp mọi nỗ lực của chính phủ.


Một con sơn dương đứng trên miệng núi lửa Ramon ở sa mạc Negev, nam Israel nhìn cảnh tượng ngoạn mục phía dưới.


Nam cực quang xuất hiện giữa Nam Cực và Australia, được ghi lại bởi phi hành gia Andre Kuipers từ bên ngoài vũ trụ.


Nửa vầng trăng xuất hiện trên đỉnh núi Vrenelisgaertli (cách mực nước biển 2904m), gần thị trấn Glarus, phía đông Thụy Sĩ.


Cảnh như bức tranh bằng đá bên trong hang Niah Great ở Vườn quốc gia Niah trên đảo Borneo, Malaysia. Hang động Niah Great được ghi nhận là nơi có dấu hiệu xuất hiện đầu tiên của loài người hiện đại (cách đây 46.000-34.000 nghìn năm) và cũng là một trong những hang động đá vôi lớn nhất thế giới.


Những bông hoa thủy tiên vàng nở rộ tại công viên St James, dưới ánh nắng tháng Ba cực hiếm hoi ở Anh.


Chiếc máy bay thử nghiệm Solar Impulse với lần bay thử đầu tiên của mình. Loại máy bay này hoạt động 100% bằng năng lượng mặt trời.


PlanetSolar - chiếc canô sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên đi vòng quanh thế giới.


Phát triển pin năng lượng mặt trời được coi là cách hiệu quả nhất để mang điện đến những vùng quê - nơi mạng lưới điện cao thế chưa thể vươn tới.


Một tuabin điện đang được lắp đặt tại sân bóng chày ở Cleveland. Sản phẩm của Đại học Cleveland này có thể tạo ra điện từ những cơn gió nhẹ nhất.


Một nhà máy năng lượng địa nhiệt hoạt động bằng hơi nóng hút từ lòng đất sau gần Calipatria, California, Mỹ.


Để đối phó với lượng khí cacbonic quá lớn trong không khí, chính phủ Congo đã có biện pháp trồng rộng rãi một loại cây keo với mục đích lợi dụng sự quang hợp mạnh từ cây để lọc lại không khí, chống biến đổi khí hậu.


Một cậu bé nhặt nhạnh lại những gì còn có thể tái chế trong đống rác thải tại vịnh Manila, Philippines.


Một người phụ nữ thu thập mẫu nước thải chảy ra từ ống cống của hai công ty sản xuất thuốc nhuộm bất hợp pháp ở Lạc Dương, Trung Quốc để phân tích.


Chất thải chảy ra từ một nhà máy lọc dầu trái phép ở Ogoniland, ngoại ô Port Harcourt, Nigeria.


Những người công nhân đang rút nước thải rò rỉ từ bể chứa của một mỏ đồng tại Trung Quốc. Ở Trung Quốc, những mỏ khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường triền miên dù có nhiều án phạt lên đến hàng triệu USD.


Những tay lâm tặc người Indonesia vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông từ một khu rừng phía nam Sampit. Việc bảo tồn rừng là rất quan trọng trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu, nhưng bất chấp những hậu quả từ nạn phá rừng, giới lâm tặc vẫn tàn sát rừng vì lợi ích cá nhân.


Một cậu bé nhặt nhạnh những đồng xu được các tín đồ theo đạo Hindu ném xuống sông Yamuna khi các nghi lễ diễn ra tại đây. Con sông ô nhiễm nhất Ấn Độ này mỗi ngày phải "gánh" gần 3,3 triệu lít nước thải từ thành phố New Delhi.


Bắc Kinh (Trung Quốc) thường xuyên bị những đám mây ô nhiễm phủ kín. Theo thang đo ô nhiễm của Mỹ, không khí ở mức 150 là ô nhiễm thì Bắc Kinh ở mức 403 - ngưỡng "nguy hiểm".

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động