Cự Đà: ngày ấy - bây giờ…

Cập nhật 25/04/2010 08:30

Một trăm năm trước, Cự Đà là ngôi làng giàu có bên bờ sông Nhuệ, một minh chứng của “nhất cận thị - nhị cận giang”. Thông thương phát triển đã mang đến cho ngôi làng vóc dáng của sự trù phú, thịnh vượng và vương phát.



Cổng làng Cự Đà.

Làng Cự Đà nằm mình dọc theo triền nước, với những ngõ nhỏ hình xương cá đâm ra bến, những ngôi nhà gạch - gỗ kiến trúc cầu kỳ, là kết quả của sự pha trộn ấn tượng giữa phong cách Á Đông và phong cách thuộc địa Pháp. Những đường nét hoa văn được chạm trổ trên tường nhà, khuôn cửa, mái vòm đều rất tinh xảo và mềm mại, thể hiện một nhận thức cao trong thẩm mỹ của dân làng những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.



Nhà theo phong cách Tây kết hợp với hoa văn mái xưa.

Thời hưng thịnh đó, khi người làng Cự Đà ra Hà Nội làm ăn, có nhiều thành đạt đã trở về quê để xây dựng lên một ngôi làng đáng mơ ước của nhiều gia đình bấy giờ. Năm 1929, làng đã có điện, trên đầu các mái nhà hoặc các căn biệt thự cổ đến nay vẫn còn lưu giữ những tụ điện, cột sắt từ thuở nào. Những ngôi nhà đươc phân lô có tên ngõ, tên xóm, được đánh số rành mạch rõ ràng, mỗi ngõ nhỏ được mở thẳng ra bến sông, có cột đá để làm trụ đặt đèn hải đăng cho đoàn thuyền thông thương biết nơi chốn mà cập bến đưa hàng về kho trong đêm tối.

Một trăm năm sau, vạn vật đã đổi dời, ngôi làng vẫn bên sông, những minh chứng của một thời huy hoàng dường như vẫn còn ở lại, tuy có thể, thời gian và dòng đời đang bào mòn nó đi, chẳng biết sau bao lâu Cự Đà sẽ không còn là Cự Đà của ngày ấy…

Và bây giờ…

Làng Cự Đà bây giờ đã trở nên nổi tiếng với dân nhiếp ảnh. Người ta tìm thấy ở ngôi làng cổ ven sông ấy những nét huy hoàng của quá khứ, một không gian yên bình, một làng quê đã từng kinh qua một thời “vương giả”.


Dân làng giờ đã quá quen với hình ảnh một vài người người tay máy, tay túi đi lang thang qua những ngõ nhỏ, mắt ngước nhìn lên bức tường rêu trầm trồ pha lẫn tiếc nuối, hay ngồi lê la hàng giờ trong quán cóc bên đường, sau bức mành mốc thếch, uống chén trà nhạt, chuyện vãn với dăm ba người già rảnh rỗi trong làng…



Quán nước làng Cự Đà

Hoặc giả ngồi duỗi chân trên bậc tam cấp của chùa làng hay đình, đền, miếu, nhà thờ họ Vương, họ Trịnh… để nghe tiếng xe đạp lọc cọc lăn trên đường, tiếng xe công nông ầm ầm qua ngõ, thậm chí cả tiếng dép quẹt trên nền đường nhè nhẹ của các cụ già trong một không gian cổ xưa và sâu lắng…

Có lẽ cũng không quá nhiều người biết, cách trung tâm Hà Nội chỉ chừng 20km lại có một nơi yên ả và thanh bình đậm chất nông thôn Bắc bộ như ở Cự Đà, ngôi làng cổ thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, nay đã là làng cổ của Hà thành!

Thỉnh thoảng rảnh rang một buổi cuối tuần, tôi lại chạy xe qua Cự Đà. Gần đến nỗi, vừa ra khỏi cầu Bươu xe cộ nườm nượp, qua một cây cầu bắc trên dòng sông Nhuệ không còn thơ mộng như năm nảo năm nào, tôi đã bước vào một không gian yên bình rất khác lạ, rất tĩnh và rất mời.

Này là đình chùa miếu mạo, này là cổng làng vẫn còn nguyên chiếc đồng hồ dấu ấn của một thời sung túc, nay đã dừng chạy vì hết pin, này là những tên ngõ, tên xóm nghe vừa rất lạ vừa rất đỗi thân thương như xóm Chùa, Lễ nghĩa, xóm An Lạc, Hiếu Đễ, Đồng Nhân Cát…


Bây giờ phía bên sông, người dân đã dựng nhà để ở, nhà không kiên cố, nhưng chắn hết tầm nhìn khoáng đạt. Những ngõ gạch vẫn xưa cũ trầm mặc, nhưng bến sông giờ đã lấp đầy gai góc và lá mục, thậm chí cả rác rưởi. Chỉ còn hai con cóc đá, vốn là nơi đặt đèn đêm thuở ấy, giờ một con trốn sau một bức tường kiên cố, kín đặc bụi cây, rất khó có thể nhận ra nếu không chú ý, một con cóc khác vẫn thu lu nơi góc đường…

Nhưng bất kỳ người dân nào trong làng Cự Đà khi đi ngang thấy người làng khác đang chăm chú ngắm nhìn con cóc đá, đều hồ hởi nói về con cóc thứ hai đang thu mình nơi góc tường. Giống như thể, với họ, đó là một hồi ức xa xưa quá đỗi tự hào.

Bây giờ ở Cự Đà, người dân vẫn làm miến làm tương. Miến dong Cự Đà không biết đã đi vào trong bao nhiêu khuôn hình của những người lữ khách trót dừng chân và yên mến chốn này. Ngày nắng, miến được phơi khắp sân làng lối xóm, ngõ nhỏ, tường bao, trên không... đâu đâu cũng thấy rực một màu vàng - cam, tạo nên những khuôn hình vô cùng đẹp và ấn tượng…



Làng Cự Đà là một làng Việt cổ với nghề làm miến truyền thống.

Bây giờ ở Cự Đà, không gian cổ xưa đang dần bị che khuất bởi những căn nhà mới cao ngạo nghễ mấy tầng, khang trang và vôi ve đẹp đẽ, nhưng đáng tiếc lại phá vỡ cảnh quan chung của một ngôi làng cổ. Lần giở những bức hình cũ, thoáng tiếc nuối dâng lên trong lòng… Sau này khi quay lại Cự Đà, liệu sẽ còn mất thêm những gì của một ngôi làng đã từng một thời vang bóng? Tôi liệu có còn tìm được dấu hào quang quá khứ ở chốn này trong tương lai?

DiaOcOnline.vn - Theo TTO
Ảnh: Internet