Chữ “An” trong ngôi nhà xưa - nay

Cập nhật 08/07/2007 10:27

Ngôi nhà làm xong, thảnh thơi nhìn lại thấy thật bình yên khi ta biết chọn mình làm chủ thể để sống an nhiên giữa không gian cư ngụ được sắp xếp cho chính mình, để chung quanh cùng an hòa với mình, đó là lẽ Phong Lưu cuối cùng cần đạt tới.

Khái niệm phong lưu luôn song hành với con người an nhiên cư trú trong không gian an lành. Sống Phong Lưu thật hợp lý! Để đạt được điều ấy, chủ nhân trong ngôi nhà đương đại trải qua không ít vất vả kiếm tìm, sàng lọc. Chữ An trong ngôi nhà ở xưa và nay cần được hiểu và tìm kiếm thế nào?


An cư mới lạc nghiệp

Chỉ cần nơi cư ngụ yên ổn, thế là đủ, chuyện rộng rãi hoành tráng hay tiện nghi cao cấp nằm ở mức độ đầu tư nhiều hay ít, bao người xây nhà lâu nay vẫn chỉ mong được một tiếng An Cư mà thôi. Nhưng bàn về chữ An trong nhà ở quả thật vô chừng, chỉ biết chắc rằng cha ông ta trước nay không hề đi tìm kiếm chữ An ở các giá trị vật chất đơn thuần theo kiểu tòa ngang dãy dọc, kín cổng cao tường, mà chủ yếu thể hiện qua các ứng xử với thiên nhiên và con người. An cư để an hưởng, xem ra tính chất văn hóa của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước vẫn thiên về Tĩnh, chẳng ai chịu ở trong xe kéo hay lang thang rày đây mai đó hoài, tìm kiếm “tấc đất cắm dùi” là mơ ước của nhiều thế hệ.

Vì thế, ngôi nhà xưa chỉ được tính là chốn an cư khi nằm trong mối quan hệ tổng thể, thiên nhiên được “sử dụng” quay vòng và khép kín. Ta ở đâu thì tiểu vũ trụ ở đó, hai bên Long - Hổ, hai mặt Tiền - Hậu đều lấy tâm điểm - Trung Cung là ta, hỗ trợ cho ta trong cái Hình Thế chung của cả xóm cả làng, thật tĩnh tại mà cũng thật linh động.

An khang cho mình - cho người







Lời chúc An khang Thịnh vượng đầu năm mới cũng là mong cho người yên vui khỏe mạnh, nhà an toàn và phát triển. Nếp nhà xưa chỉ với mấy “hàng giậu mùng tơi xanh rờn” đủ cao để giảm những bước chân trực diện, nhưng vẫn đủ thấp để ánh mắt láng giềng quyến luyến nhau. Khung cảnh hữu tình, đường nét sắp xếp uốn lượn theo kiểu “đường vô xứ Nghệ quanh quanh, non xanh nước biếc như tranh họa đồ” mới chính là cái lý Phong Thủy của tiền nhân. Bởi thế mà khách nào trước khi vô nhà đều phải qua sân, đến hồ bán nguyệt hay tấm bình phong xây gạch mà có khi đơn giản chỉ là khóm hoa cát tường, bụi cây phát tài, rồi gặp ba bậc thềm nối liền vào hàng hiên. Vùng Dương chói lòa của nắng gió xứ nhiệt đới được làm dịu xuống nhờ khoảng đệm hữu tình ấy, trước khi vào vùng Âm mờ ảo bên trong - một cách xử lý đơn giản mà khéo léo trong nếp nhà xưa.

Chỉ đề phòng người ngay, quan điểm phóng khoáng này khiến ngôi nhà Việt xưa chẳng chút vướng bận bông sắt bảo vệ hay camera chống trộm! Rào giậu thuần chất thiên nhiên, thềm nhà cao, hiên vươn rộng khiến ngôi nhà nhìn từ ngoài như một vệt tối kín đáo, bộ mái phủ bên trên e ấp như chiếc nón lá che khuôn mặt thiếu nữ truớc mọi ánh nhìn, nhưng chủ nhân bên trong vẫn có thể thảnh thơi quan sát, khách đến từ tít tận ngoài cổng đã rõ mười mươi. Trong Tĩnh có Động, trong Am có Dương, nhà trên - vườn dưới tương hỗ nhau khiến ngôi nhà quấn quít gốc mít hàng cau, làm cho vườn Việt lâu nay được tiếng là ít thiên về trang trí thuần túy mà nhiều tính công năng, trong đó việc bảo vệ cũng là yếu tố quan trọng.

An tâm để sống an hòa

Thời đô thị hóa, nhà ống phân lô hay chung cư ngất trời, chữ An ở đâu trong không gian sống người Việt hôm nay? Vẫn còn đủ cả, chỉ khác biệt về cung cách thể hiện, mà khởi nguồn không thể bỏ qua quan điểm chung cho mỗi gia chủ và người làm nhà. Thiết kế kiến trúc, nội thất, hay xếp đặt… đều là “vẽ” nên phần chưa hiển hiện cho đến lúc gia chủ dọn vào cư ngụ, một chữ An không chỉ cho ngôi nhà mà cho các thành viên trong đó! “Trước cau sau chuối” trở nên hiếm hoi, mà rào giậu cổng quê cũng đang dần mai một, ngôi nhà Việt đương đại đi tìm chữ An bắt đầu và kết thúc đều ở một niềm tin. Với mức độ thấp, niềm tin ấy được giao cho các… thầy địa lý. Xoay vài cái cửa, chọn ngày khởi công, đếm bước bậc thang… đã gọi là đủ An chăng? Có kiêng có lành, nhưng kiêng cữ quá hóa… rối tung! Kiến trúc sư lắm lúc buông bút nhìn theo ngôi nhà bị xoay như chong chóng. Những vấn đề gọi là Phong Thủy hiện đại, thực ra vẫn đang nối dài sợi dây ứng xử từ nếp nhà truyền thống, tìm kiếm chất liệu của hôm nay (và cả ngày mai) trên tinh thần học hỏi giá trị hôm qua. Giai điệu về nếp nhà Việt xưa vẫn có những nốt trầm, khoảng lặng của sự thiếu tiện nghi hay thiếu độ bền chắc, an tâm có lúc thành ra… an phận! Tại sao kiến trúc sư hôm nay không thể viết tiếp bằng những thanh âm mới mẻ của vật liệu hiện đại và các ứng dụng kỹ thuật cao trên cơ sở kế thừa các quan niệm truyền thống?

Ngôi nhà làm xong, thảnh thơi nhìn lại thấy thật bình yên khi ta biết chọn mình làm chủ thể để sống an nhiên giữa không gian cư ngụ được sắp xếp cho chính mình, để chung quanh cùng an hòa với mình, đó cũng là lẽ Phong Thủy cuối cùng cần đạt tới. Bởi thế mà không có khái niệm về một ngôi nhà sắp xếp Phong Thủy chung chung. An lành phải có theo cuộc đất cụ thể và những con người cụ thể. Con người ứng xử với môi trường, với xã hội ra sao, hình thế Phong Thủy sẽ đáp trả như vậy. Tiên tích đức - hậu tầm long, cha ông ta đã dạy vậy mà!

Theo Nhà đẹp