Cùng chiêm ngưỡng bộ ảnh chân thực về đời sống hàng ngày của bộ tộc thiểu số Thái Lan vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước.
Trong một lần ghé thăm Thái Lan, nhiếp ảnh gia John Spies đã vô cùng ấn tượng bởi nếp sống của những cư dân bộ tộc nơi đây. Chính vì vậy, ông đã sống cùng với các bộ tộc này trong thời gian khá dài để quan sát và thấu hiểu họ.
Nhằm lưu giữ những kỷ niệm quý giá, nhiếp ảnh gia John Spies đã thực hiện bộ ảnh khắc họa cuộc sống “dân dã” của một số bộ tộc miền núi hoàn toàn tách biệt với xã hội hiện đại bên ngoài. Hầu hết những bức hình này được chụp lại cách đây gần 30 năm, vào khoảng thập niên 70, 80 của thế kỷ XX.
Hãy cùng ngắm nhìn bộ ảnh và hiểu hơn về nếp sống của những cư dân bộ tộc thiểu số Thái Lan qua bài viết dưới đây.
Vùng núi phía Bắc của Thái Lan từng là nơi tập trung sinh sống của gần một triệu người, gồm 7 bộ tộc thiểu số chính cùng nhiều nhóm người nhỏ hơn sống vùng biên giới.
Ngày nay, phần lớn những người dân nơi đây đều đã di chuyển đến các vùng đô thị. Chính vì thế mà bộ ảnh này được coi như một trong những tài liệu cuối cùng về cuộc sống tách biệt, có phần hoang dã của con người nơi này trước đây.
Với cuộc sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, những bộ tộc này hoàn toàn "tự cung tự cấp", dựa vào trồng trọt và chăn nuôi gia súc là chính. Họ phá rừng làm rẫy và trồng lúa trên các sườn núi.
Bên cạnh việc trồng lúa để ăn, cư dân bộ tộc này cũng sử dụng đất để trồng các cánh đồng thuốc phiện và sử dụng chúng như món hàng giao dịch với làng bên. Những cánh đồng thuốc phiện nở hoa bạt ngàn là khung cảnh thường thấy ở khu vực miền núi này trong suốt thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX.
Không được tiếp cận với nền giáo dục đầy đủ, người dân ở đây dễ mắc các bệnh như bướu cổ do thiếu i-ốt.
Ở đây không hề có trường học, con người nơi đây chỉ sống quanh quẩn trong những ngôi làng khuất sâu trên vùng núi hẻo lánh. Chính vì thế mà họ không hề biết gì về cuộc sống đang diễn ra ở thế giới hiện đại bên ngoài.
Trồng nhiều cánh đồng thuốc phiện nhưng cư dân nơi đây không hề biết về sự nguy hiểm và tác hại nên họ sử dụng chúng một cách bừa bãi.
Nhiều đứa trẻ ở đây hút thuốc phiện mỗi ngày mà không hề biết tới những nguy cơ có thể xảy ra với sức khỏe. Thậm chí, những đứa bé còn đang bú sữa mẹ cũng thỏa sức nghịch ngợm, cầm điếu thuốc hút mà không hề bị ngăn cấm.
Không chỉ vậy, thuốc phiện còn được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ, làm thuốc chữa bệnh và giải trí. Theo nhiếp ảnh gia John Spies, với người dân nơi đây, hút thuốc phiện là một việc hết sức bình thường, thậm chí còn được coi là truyền thống - đặc biệt với trẻ em.
Một “truyền thống” vô cùng nguy hiểm khác của những đứa trẻ nơi đây chính là "làm bạn" với khẩu súng trường. Những đứa trẻ chỉ mới 10 tuổi được thỏa sức chơi đùa cùng khẩu súng được nạp đạn như món đồ chơi, vật dụng hàng ngày. Ngoài ra, nơi đây còn có tục lệ khá kỳ lạ - trẻ em nổ súng để chúc mừng sinh nhật nhau.
Mặc dù có nhiều nhóm người thiểu số khác nhau cùng chung sống ở vùng đồi núi phía Bắc Thái Lan nhưng họ vẫn giữ cho mình bản sắc riêng của từng bộ tộc. Điều này được thể hiện ở cách ăn mặc, tập tục sinh hoạt và thói quen ở mỗi bộ tộc.
Những cô gái của bộ tộc Pwo Karen thường khoác trên người trang phục truyền thống với bộ váy hai màu trắng, đỏ. Họ còn đeo nhiều chuỗi hạt khá nặng làm vòng cổ, đôi khi được điểm xuyết bởi những đồng tiền xu và khá nhiều vòng tay. Những đôi hoa tai cũng được trang trí bằng len cùng những dây bạc nhỏ.
Một bộ tộc khác có truyền thống khá thú vị cũng sống trong khu vực này đó là bộ tộc Padaung. Những cô gái ở đây đeo rất nhiều cuộn dây đồng như một loại vòng cổ, khiến cổ họ trở nên dài khác thường.
Những cô gái của bộ tộc Padaung bắt đầu đeo vòng cổ đồng lúc 5 tuổi và mỗi năm họ lại tự cho thêm chiếc vòng khác vào. Trên thực tế, cổ của những người phụ nữ Padaung không hề dài ra, nhưng chính những chiếc vòng đã đè vào xương cổ và gây biến dạng xương đòn, khiến chiếc cổ nhìn như rất dài.
Khi được hỏi, phụ nữ bộ tộc Padaung cho biết, với họ những chiếc vòng cổ này biểu trưng cho cái đẹp của người phụ nữ. Do đó, phụ nữ Padaung sẽ vẫn đeo vòng cổ như một cách để duy trì bản sắc văn hóa này.
Những ngôi làng này giờ đây gần như đã biến mất hoàn toàn bởi sự đô thị hóa và quy định nghiêm ngặt của chính phủ về cấm trồng trọt, tàng trữ và buôn bán thuốc phiện.
Những cư dân bộ tộc thiểu số cũng tìm đến các thành phố hiện đại để kiếm sống. Chính vì thế mà bộ ảnh của nhiếp ảnh gia John Spies được coi như một chứng nhân lịch sử, lưu giữ nhiều kỷ niệm về con người của các bộ tộc nơi đây.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ