Bắc Hà: Chốn bình yên khác lạ

Cập nhật 26/10/2018 10:25

Nếu như Sa Pa đã quá đông đúc, chợ tình Mộc Châu trở nên nhàm chán và Mù Căng Chải lúa chỉ mới bắt đầu chín, thì Bắc Hà là nơi bạn nên đến để tận hưởng không khí trong lành của mùa Thu.

Những trải nghiệm thú vị nơi “cao nguyên trắng”

Cách Sa Pa hơn 100 km, nhưng vùng đất Bắc Hà (Si Ma Cai, Lào Cai) mãi đến tận gần đây mới được đánh thức. Trước đó, “cao nguyên trắng” hãy còn thiếp ngủ ngàn năm trong rừng cấm cheo leo giữa núi đá hùng vĩ và hiểm trở. Nhưng nhờ vậy mà Bắc Hà giữ trọn cho mình sự hoang sơ, kỳ bí như chất chứa nhiều huyền thoại về cảnh vật và con người.

Ngoài tên gọi về địa lý, Bắc Hà một thời còn được ví như “cao nguyên trắng” của Việt Nam. Bởi khoảng 30 năm về trước đất đai ở đây đa phần để trồng cần sa, anh túc. Mãi tới 1993, nhờ chủ trương trồng mận thay thế của Nhà nước mới xóa bỏ được các loại cây ma túy ở đây.


Đến Bắc Hà hôm nay, cao nguyên trắng vẫn an yên, vắng lặng và cuốn hút bao người với rừng sa mộc Lầu Thí Ngài, rượu ngô Bản Phố, cánh đồng tam giác mạch Lử Thần, thác Sông Lẫm Tả Củ Tỷ và không biết bao nhiêu cảnh đẹp hoang sơ khác. Quan trọng, đường sá đi lại giữa Lào Cai và Bắc Hà đã thuận tiện hơn trước rất nhiều. Nhờ đó, người dân dễ dàng giao thương, buôn bán và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.


Để tiết kiệm thời gian di chuyển, chúng tôi lựa chọn các chuyến xe khách xuất phát tại Hà Nội lúc 21 h, lên tới nơi là trời gần sáng. Từ trạm dừng, chúng tôi thuê tiếp 3 xe máy vào Bac Ha Eco Homestay nằm ngay rìa thị trấn. Nhiều năm gần đây, homestay là một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh tại Bắc Hà, tập trung chủ yếu tại thôn Bản Phố, Na Lo, Trung Đô, Na Hối Tày, Na Hối Nùng…

Lựa chọn đi xa hơn một chút để vào Bac Ha Eco Homestay là bởi khung cảnh đẹp miễn chê ở đây đã được nhiều dân phượt ca tụng hết lời. Nó có một vườn rau xanh sạch ngay trước nhà. Mùa nào thức nấy. Mùa Thu có hồng chín đỏ, mùa Hè có lê ngọt lành. Và vì có rau sạch, nên việc tự nấu ăn tại homestay cũng là điều tuyệt vời khi ở đây.


Bac Ha Eco có nhiều loại phòng, trong đó đẹp nhất là các phòng view hướng núi. Tinh sương thức giấc, nhẹ tay vén rèm là cả Bắc Hà lãng đãng trong sương đã hiện ra trước mặt. Nó đem lại cảm nhận một ngày rõ ràng hơn, bình tĩnh hơn và giàu năng lượng hơn so với một ngày tỉnh dậy đã nghe tiếng ồn ngoài ngõ của phố thị. Vì thế, mọi người quyết định sẽ dành buổi sáng an nhàn hiếm hoi này để nghỉ ngơi ngắm cảnh.



Hơn 1 giờ chiều, nắng lên dày đã xua hết sương lạnh về cuối núi. Cả đoàn quyết định lên đường ngay còn về kịp giờ ăn tối. Cơ bản trời miền núi thường tối rất nhanh, chỉ khoảng 4 - 5h có khi đã gặp lại sương mù.

Nơi dừng chân đầu tiên là dinh vua Mèo Hoàng A Tưởng nằm trên một quả đồi rộng, phía sau và hai bên có núi, phía trước có dòng suối uốn lượn đúng thế “tựa sơn đạp thủy” vững chãi. So với cuộc sống bình dị, sơ sài của Bắc Hà, thì khu dinh thự này thật đồ sộ. Nghe nói trước khi được xây dựng, chủ nhân dinh thự đã cho mời nhiều thầy phong thủy về xem thế đất cẩn thận với mong muốn dòng họ được quyền quý, con cháu đời sau vinh hiển.



Từ dinh thự Hoàng A Tưởng đi thêm 3 km nữa là thung lũng hoa Thải Giàng Phố bốn mùa nở hoa. Cung đường tới đây đẹp miên man và hùng vĩ. Hút tầm mắt bên dưới là một thảm xanh mơn man được điểm xuyết bởi những tà áo lung linh cùng mấy nếp nhà sàn thấp thoáng.

Lúc chúng tôi ghé thăm, chỉ còn hoa phong lan là rực rỡ nhất, còn các loại hoa cẩm tú cầu, tử la lan, cát tường, dạ yến ngọc thảo… thì chưa tới mùa đâm trồi nảy lộc. Một vài vạt hoa tam giác mạch hãy còn xanh, phải chờ khi trời chuyển hẳn sang cuối thu mới bắt đầu bung lụa.



Kết thúc cuộc hành trình, cả đoàn không quên ghé thăm ngôi đền Bắc Hà vô cùng nổi tiếng. Ngôi đền được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, thờ phụng hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, người Hải Dương có công xây dựng vùng đất ngày một trù phú, giàu đẹp. Đền Bắc Hà cũng nằm ở thế lưng dựa vào núi mang dáng vẻ uy nghi, linh thiêng, cổ kính, khiến lữ khách đường xa ghé thăm đều cảm thấp ngợp trong lòng.

Trở về homestay khi ấy mới gần 5h chiều, nhưng phía dưới chân đèo đã lờ mờ hơi sương như khói thuốc người đi đường vừa phả ra. Những con đường khi nãy đi còn rõ nét, giờ ẩn mình dưới lớp sương đặc dần. Gió hanh cũng đã thổi tràn lên những đám lá làm cánh rừng như đang đứng dậy bước đi. Không khí của lúc 4h và 5h chiều là cả một thế giới ở giữa.


Về tới nhà bữa cơm đặt sẵn đã dọn lên, toàn hương vị núi rừng. Tuy nhiên, vì hơi mệt, nên tôi ăn vài món qua loa rồi nhanh chóng về phòng nghỉ. Chị chủ thấy tôi ăn ít nên cứ dúi vào tay tôi nắm cốm xanh. Cốm Bắc Hà được làm từ loại thóc nếp trồng trên đồi núi cao biệt lập nên ấn giấu hương vị thơm ngon khác biệt. Cùng với tay nghề làm cốm truyền thống của người Tày khiến cốm càng ngon hơn. Cốm có thể biến thành chè cốm, bánh cốm, chả cốm, cháo cốm… hoặc ăn trực tiếp cũng rất ngon rồi.

Đừng đi chợ phiên nếu không muốn quên lối về!

Còn đây là cuộc hành trình quan trọng nhất trong chuyến đi lần này: Chợ phiên Bắc Hà chỉ họp vào sáng Chủ nhật. Chợ phiên này từng được Tạp chí du lịch Serendib xếp là một trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á.

Phiên chợ quả là to ngoài sức tưởng của tôi. Từ sáng sớm, trên khắp mọi nẻo đường, đã thấy người nườm nượp nối nhau về chợ. Người gùi hàng. Ngựa cũng thồ hàng. Và lẽ đương nhiên, trong thời mở cửa, đồng bào mình còn xuống chợ cả bằng xe máy. Váy áo xúng xính như vườn hoa đang đua nở. Những chiếc ô xòe ra như nấm trên đầu thiếu nữ.


Ngày xưa chợ họp trên một triền đồi thoải, nhưng bây giờ chợ đã được xây dựng khang trang và phân thành nhiều khu vực. Trong đó, tấp nập nhất phải kể đến những gian hàng bán đồ thổ cẩm. Thích nhất là ngồi xổm xuống mà lựa hàng, mà ngã giá từng món một. Chỉ là cho vui chứ có đắt đỏ gì.


Việc đầu tiên tôi làm ở chợ là tìm ngay một quán phở chua Bắc Hà. Phở chua phải ăn lạnh mới ngon, nên thích hợp ăn vào mùa Hè. Một bát phở chua đầy đủ gồm bánh phở mới tráng, thịt lợn xá xíu, rau sống thái nhỏ và ít nước chua. Phở ngon hay dở nằm ở thứ nước này. Chúng được làm từ nước giấm hoa quả nấu theo tỷ lệ nhất định. Chưa kể, chất lượng của nước chua phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người làm.

Món tiếp theo phải thử là thắng cố. Món này ngon nhất là thịt ngựa. Thịt được ướp với gia vị truyền thống như thảo quả, địa điền, muối hạt… rồi đem ninh nhừ trong nhiều giờ, tạo nên hương thơm ngào ngạt cả góc chợ. Ăn thịt không thể quên gọi cút rượu ngô Bản Phố chưng cất từ loại men làm bằng lá cây rừng và nấu bằng nước suối trên độ cao hơn 1.200 m.

Ngoài 2 món chính ấy, chúng tôi còn thử qua xôi 7 màu của người Nùng Dín, bánh dày, mèn mén, bánh đúc Bắc Hà màu ngả vàng, tỏa ra mùi thơm ngây ngất hương vị vùng cao.

Đang ăn uống no say thì dưới góc chợ, tiếng khèn lá cất lên cùng một điệu múa xòe dịu dàng. Quả thực, chỉ cần một lần tham gia điệu múa xòe Tày Pakha, tôi chắc chắn một điều, bạn sẽ bị nó cuốn hút như núi rừng Tây Bắc đã cuốn hút bạn. Âm nhạc khiến cho tâm hồn cằn cỗi như đá cũng nở hoa. Những thứ âm nhạc phóng khoáng nơi núi rừng sẽ khiến cho bạn trở nên cực kỳ rộng lượng.



Từ Bắc Hà chạy ngược lên phía Bắc là Si Ma Cai là phiên chợ trâu bò Cán Cấu lớn nhất Tây Bắc. Chạm mắt tôi đầu tiên là bãi buộc trâu bò với cả trăm con. Chúng đứng thành bãi. Có con nép bên vách núi, im lặng như đang suy gẫm về phiên chợ của con người. Người đông tới chóng mặt.

Không còn chờ người từ miền xuôi đưa khách du lịch tới những bản làng của mình, vài năm trở lại đây, người Bắc Hà đã tự làm du lịch. Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi đến chóng mặt của cuộc sống hiện đại, Bắc Hà, Si Ma Cai vẫn bình thản với những giá trị chân sơ, mộc mạc của riêng mình.

Đừng vội tưởng những người dân tộc này cứ sống lẫn với thiên nhiên là khổ. Khi ngồi xem lại cả trăm tấm ảnh chụp Bắc Hà hôm ấy, tôi đã dừng lại rất lâu trước bức ảnh một cụ ông đang “tư lự” với thời gian. Trong khi cụ bà lại tìm thấy niềm vui nơi chốn chợ. Những điều mà người sống ở đô thị như chúng tôi chưa chắc đã có được trong đời.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTCK