Ảnh minh họa
|
Từ Singapore hay Kuala Lumpur (Malaysia), chỉ mất khoảng 3 - 4 giờ xe buýt là bạn đã có thể chiêm ngưỡng một thành phố cổ bậc nhất của đất nước Hồi giáo - TP Melaka (Malaysia) - nơi pha trộn văn hóa châu Á và châu Âu. Những người Hoa bé nhỏ trong thành phố nhỏ này đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho du khách.
Khu vực di sản của Melaka tuy nhỏ nhưng có đến hàng chục nhà bảo tàng, nhà thờ, chùa và đền hồi giáo được xây từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17. Thành phố du lịch nhỏ và đông đúc nhưng du khách không thấy cảnh người bán hàng chèo kéo khách, chặt chém. Ở các khu bán thức ăn và quà lưu niệm du khách được săm soi, lựa chọn, trả giá và người bán hàng không hề khó chịu. Trong quán ăn, một du khách nổi cáu vì nhân viên dọn sai món. Dù bất đồng ngôn ngữ, không hiểu trọn vẹn ý khách và không thể giải bày lý do, chủ và nhân viên đều tỏ vẻ quan tâm lắng nghe và đổi lại món ăn đúng ý khách với nụ cười rất tươi.
Ảnh minh họa
|
Đến với Melaka, ta còn ngạc nhiên hơn khi thấy nhịp sống của họ tuy có vẻ nhộn nhịp, sôi động nhưng bình yên đến lạ. Ngày làm việc rất ngắn: 8 giờ sáng cả thành phố còn say ngủ, 9 giờ các cửa hiệu mới lác đác mở cửa, đến 5 giờ chiều hầu hết các cửa hiệu đã ngưng phục vụ. Riêng khu phố đêm được Unesco xếp hạng di sản bắt đầu nhộn nhịp từ 19 giờ đến 23 giờ nhưng lại nghỉ bán vào ngày đầu tuần. Người dân ở đây không lăn xả kiếm tiền bằng mọi giá mà vẫn giữ cho mình những khoảnh khắc nghỉ ngơi.
Đoàn khách chúng tôi gồm 9 người thuê tám phòng ở nhà trọ River View. Ông chủ không ngần ngại giao cho khách chìa khóa nhà rồi hướng dẫn cách sử dụng bếp núc sinh hoạt trong nhà. Xong, ông đóng cửa treo bảng thông báo hết phòng và... bỏ đi đâu đó mặc dù trong nhà vẫn còn ba phòng trống. Chúng tôi được tự do sử dụng những vật dụng bếp núc, giặt giũ tự do nhưng người chủ ngôi nhà. Họ tin tưởng khách đến lạ!
Khu phố cổ của Melaka có nhiều con đường chằng chịt đan chéo nhau khiến du khách dễ nhầm. Đầu tháng 10-2010, cô bạn tên Hương trong nhóm du khách Việt Nam đến thăm Melaka lang thang bách bộ, say sưa quá nên lạc đường lúc nào không hay. Hương tá hỏa mà lại không nhớ tên con đường, tên khách sạn mình ở. Cô quáng quàng lấy vốn liếng Anh ít ỏi của mình mô tả nơi ở và hỏi thăm đường. Khổ nỗi những người Mã, người Hoa ở đây lại không biết tiếng Anh. Họ bèn dẫn cô đến nhà đôi vợ chồng người Mã biết tiếng Anh. Nghe Hương mô tả một hồi, họ cũng... không thể hiểu được, bèn lấy ôtô chở Hương đi tìm. Chạy hơn một giờ, xe hết xăng. Hương giành trả tiền, họ nhất quyết không chịu. Và khi Hương tìm được nhà của mình thì đã quá 12h giờ đêm. Đôi vợ chồng tốt bụng vội vã về nhà... Ngày hôm sau, không ngờ họ còn tìm đến thăm hỏi xem Hương sống có ổn không.
Ở Kuala Lumpur, khi đi taxi thì khách có thể thương lượng trả tiền theo cuốc (chuyến) hoặc trả trên theo km. Tuy nhiên, tài xế taxi nơi đây cũng có tiếng ranh ma nên bạn phải thủ sẵn bản đồ, nếu không taxi sẽ “chém” bạn 20 - 30 đồng RM (khoảng 120-180 ngàn đồng) cho một đoạn đường chỉ 2 – 3km. Tuy nhiên, với chút tiếng Anh giao tiếp thông thường, bạn sẽ được hướng dẫn đi bộ rất tận tình. Từ phố đi bộ của Chinatown, đoàn chúng tôi muốn đi tháp truyền hình, anh taxi đòi 20 MR (120 ngàn đồng) cho quãng đường 2km. Thấy đắt quá chúng tôi cuốc bộ. Không có bản đồ, người dân lẫn anh tài xế nói trên bèn chỉ đường. Họ chỉ tới chỉ lui, cả bọn... mất cả phương hướng. Đang bối rối thì có một sinh viên tốt bụng dẫn đến tận nơi và hướng dẫn cách đón xe buýt đi về.
Cuối cùng đọng lại là hình ảnh ông cụ trên 70 tuổi, áo sơ mi "đóng thùng" chỉn chu ngồi ăn mì Tàu trong con hẻm nhỏ khu mua bán Chinatown. Ngày cuối cùng ở Kuala Lumpur, hai chị em trong đoàn đếm tới đếm lui còn hơn 40 MR, định mua vài thứ bánh kẹo về làm quà, bất ngờ bà chị tôi thông báo bị mất sạch tiền, trong túi tôi cũng chỉ còn 11 MR. Hai chị em tranh thủ kiếm thứ gì ăn bỏ bụng chờ giờ ra sân bay. Chủ quán niêm yết giá chỉ 8 RM cho hai tô mì. Hai đứa ung dung ăn và bắt chuyện với ông cụ. Ông cho biết ông đã từng đến Sài Gòn, khen Sài Gòn đẹp. Ông ăn trước và gọi tính tiền luôn hai tô mì của chúng tôi khi tình cờ nghe chuyện chị tôi bị móc túi sạch tiền. Tôi nói là còn tiền để trả, ông cụ vẫn xua tay và bảo coi như ông mời khách Sài Gòn đến chơi vậy. Một tấm ảnh chụp chung với cụ là kỷ niệm thật đẹp của hai chị em trong chuyến đi này. Nơi nào cũng có người xấu người tốt để cuộc sống chúng ta thêm nhiều chiêm nghiệm, lắng đọng.
Đi ra đất nước bạn mới thấy nước mình có những điều chưa tốt, chưa ngay ngắn, sòng phẳng với du khách. Ngày lên đường “xuất ngoại”, tại sân bay Tân Sơn Nhất, do mọi người phải có mặt lúc 6 giờ sáng nên không kịp điểm tâm. Cả nhóm đến quầy bán thức ăn nhanh kêu năm tô mì gói nấu xúc xích và vài ly cà phê, hỏi giá thì nhân viên không trả lời. Mọi người cứ nghĩ không đắt. Đến khi tính tiền, nhân viên phục vụ thông báo tính bằng “đô”, quy tra tiền Việt chúng tôi phải trả cho bốn ly cà phê đá, năm tô mì gói và hai ly nước trái cây ép là 930 ngàn đồng. Ngạc nhiên đến mức không phản kháng được, chỉ biết ngậm ngùi.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh
Ảnh: Internet