Trong Nghìn lẻ một đêm, tác phẩm vĩ đại của nền văn học Ba Tư (Perse) có viết: 'Những ai chưa đến Ai Cập được xem như chưa biết thế giới. Bụi nơi đây được làm bằng vàng. Dòng sông Nile ở đây là một kỳ quan. Phụ nữ nơi này giống như những thiên thần. Và không thể khác hơn được vì Ai Cập là chiếc nôi của nền văn minh nhân loại'.
Tôi bắt đầu kể câu chuyện của tôi theo cách của nàng Scheharazade (nhân vật kể chuyện trong Nghìn lẻ một đêm) như sau:
Trên bản đồ, hình bình hành Ai Cập và bán đảo Sinai tạo thành một vùng đất có diện tích hơn một triệu cây số vuông. Dòng sông Nile mang hai sắc màu xanh trắng bắt đầu từ cao nguyên Ruanda, chảy qua Ai Cập theo hướng Nam - Bắc và kết thúc tại biển Địa Trung Hải. Châu thổ sông Nile như một cây quạt khổng lồ màu xanh đang xòe ra và thủ đô Cairo như một viên ngọc sáng đính vào đầu mút của nó.
Cairo - thành phố của ngàn ngọn tháp
Những ngọn kim tự tháp huyền thoại.
Tháng 4 thường làm người ta suy nghĩ về những đóa anh đào bên đất Phù Tang nhưng Cairo đón tiếp chúng tôi bằng những tòa nhà đỏ quạch chưa tô vữa, vẫn vậy sau tám năm tôi trở lại đây. Đơn giản vì nếu tô vữa đầy đủ cho căn nhà, chủ nhà phải đăng ký hoàn công và phải trả thêm thuế. Ở đây người ta cần nhà phía trong để ở chứ đâu cần cái bề ngoài vôi vữa đâu.
Đang tiết xuân nên thành phố Cairo nằm ven sa mạc Sahara này không nóng lắm. Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm thường có những trận gió cát nóng, được gọi là khamsiin, thổi từ sa mạc vào thành phố. Những ngọn gió cát này làm thành phố ô nhiễm hơn bên cạnh khói xe và khói của các nhà máy xi măng. Tuy vậy, đâu đó tôi vẫn thấy hoa họ nhà mimosa nở vàng ven đường kèm theo những đóa tử kinh tim tím bên hàng rào nhà ai.
The Pyramids hay Kim tự tháp, theo cách gọi của người Trung Quốc vì hình dáng giống chữ “kim” luôn là điểm thu hút du khách. Đến nay, Ai Cập đã phát hiện được khoảng 100 kim tự tháp lớn nhỏ, nhưng nổi tiếng nhất là ba tháp ở cao nguyên Giza cách trung tâm Cairo không xa về phía Tây Nam. Hùng vĩ và tráng lệ nhất trong đó là kim tự tháp của vua Chéops, xây dựng vào khoảng năm 2.600 trước Công nguyên.
Chiều cao của kim tự tháp là 146,5m và bốn cạnh đáy mỗi cạnh dài 230,5m tạo nên một diện tích hình vuông rộng 5,5 hecta (do tác động của thiên nhiên và con người qua hàng ngàn năm, các con số thực tế này hiện nay có nhỏ đi). Các mặt tháp tạo nên một góc nghiêng 51 độ 51 phút so với mặt đất. Khi chia chu vi hình vuông cho hai lần chiều cao của tháp, chúng ta có con số pi = 3,1416 và góc nghiêng 51 độ 51 phút 14 giây chính là con số arctg (4/pi).
Điều ngạc nhiên hơn nữa là sai số xây dựng chỉ khoảng 15mm đối với các chiều dài và 12 giây đối với các góc nghiêng. Con số này ngày nay vẫn là sai số lý tưởng đối với các công trình hiện đại với sự trợ giúp của các thiết bị tiên tiến. Khi Napoleon và đội quân của ông có mặt tại Ai Cập, người ta tính có khoảng 2,3 triệu phiến đá được dùng để xây kim tự tháp này trong thời gian khoảng 30 năm.
Một phiến đá ở đây nặng từ 2 đến 4 tấn, có khối nặng đến 7 tấn. Số đá này đủ để xây một bức tường cao 3 mét đi vòng quanh nước Pháp! Người xưa phải gọt đẽo, vận chuyển, sắp xếp và xây với một tốc độ rất nhanh, tám phiến đá trong một giờ mới kịp tiến độ. Hiện nay còn nhiều giả thiết trái ngược nhau về cách xây kim tự tháp. Phải chăng kim tự tháp được xây bởi các vị thần?
Nạn chèo kéo khách chụp ảnh và cỡi lạc đà tại khu vực kim tự tháp luôn là nỗi ám ảnh cho du khách. “Đây là một đòn tra tấn của những người nghèo để xin tiền mà không bút nào có thể miêu tả được”, nhà văn Mark Twain đã viết như vậy khi tham quan kim tự tháp từ năm 1866. Đứng một mình giữa những kim tự tháp, trước mắt là bạt ngàn cát của Sahara, tự nhiên thấy con người nhỏ bé quá. Ở đây có ba cái “có”: có nắng, có cát và có gió; và ba cái “không”: không thức ăn, không thức uống và không nhà ở. Tôi hay bạn, nếu sống ở đây, có lẽ cũng phải thay đổi để thích nghi thôi.
Trong một thánh đường cổ tại Cairo.
Cairo là một trong hai thành phố lớn nhất châu Phi, diện tích trên 1.200km2 với số dân gần 18 triệu người. Nhiều góc phố làm du khách như nghẹt thở trước nạn kẹt xe, mật độ dân số quá cao, môi trường ô nhiễm...
Khu Cairo cổ với cổ thành là nơi ở của những vị vua cai trị đất nước này hơn 700 năm, thánh đường Mohammed Ali bằng đá hoa cương sừng sững trên đồi cao, nhà thờ cổ Saint Serge được xây lại từ thế kỷ thứ IV với những chuyện kể về thời kỳ đức Chúa hài đồng Jesus cùng gia đình thần thánh (gồm có ba người: Chúa hài đồng, ông thợ mộc Joseph và bà Maria) đến tị nạn tại đây để tránh sự truy sát của vua Herod xứ Jerusalem... và hàng ngàn những ngọn tháp của các thánh đường Hồi giáo khác làm lưu luyến những người khách phương xa như chúng tôi.
Có những buổi tối, tôi đi ra chợ Khan al-Khalili một mình chỉ để được thưởng thức ly trà đen pha cùng vài lá húng thơm ngát. Ngồi uống trà ở quán Fishawi cổ nhất thành Cairo kèm theo một điếu thuốc lào sheesha mùi trái cây (khoảng 45 ngàn đồng) sẽ mang lại cảm giác nhẹ nhàng, một chút bay bổng và thích nhất vẫn là cái cảm giác hòa nhập với văn hóa địa phương. Ngoài ra, chúng tôi dành một buổi tối xem múa bụng nổi tiếng và màn biểu diễn không quên của các diễn viên múa sufi tài hoa.
Trong bảy kỳ quan kiến trúc thời cổ đại, kim tự tháp là kỳ quan duy nhất còn tồn tại. Những câu chuyện về Hải đăng Alexandria - một kỳ quan khác cũng của Ai Cập - tuy không còn nữa nhưng đã thôi thúc chúng tôi đến với thành phố cùng tên.
Theo DNSG Cuối tuần