Thị trường nhỏ đang có cơ hội

Cập nhật 14/05/2009 10:09

Công ty Dịch vụ Bất động sản Bạch Kim Cương (Platinum 1), ra mắt trên thị trường dịch vụ bất động sản từ quý 1-2009, trò chuyện với TBKTSG Online, ông Trần Văn Chương - người sáng lập và hiện là Tổng giám đốc Công ty Platinum1, chia sẻ một góc nhìn mới trong tổng quan về thị trường bất động sản hiện nay.

* TBKTSG Online: Thị trường địa ốc vừa trải qua một năm 2008 đầy khó khăn, vì sao Platinum1 lại chọn thời điểm khó khăn để khởi nghiệp?

Ông Trần Văn Chương: Với tác động của cuộc khủng hoảng này, khi nào thị trường ấm lại vẫn còn là một ẩn số. Vì thế, mỗi một người muốn làm ăn cần tự hỏi thị trường đang chờ đợi gì ở ta thay vì ngồi chờ đợi thị trường ấm lại.

* Có nghĩa ông đã nhìn thấy những cơ hội từ thị trường bất động sản hiện nay?

Tôi sống và làm việc ở Mỹ gần ba mươi năm qua. Tình hình khủng hoảng ở Mỹ đã “dẫn lối” tôi về tìm hiểu thị trường trong nước hồi tháng 10 năm ngoái. Khi đó, thị trường địa ốc khá xấu và có thể cảm nhận được bầu không khí bi quan bao trùm. Nhưng tôi nhận thấy thị trường trong nước chỉ đơn thuần là “đóng băng” do một số điều kiện khó khăn chứ không phải khủng hoảng giống ở Mỹ, bởi ở Mỹ người ta bị mất “tiền thật” còn ở Việt Nam nhìn chung chỉ mất “tiền ảo”.

Nhưng đó cũng chưa phải là thời cơ. Thời cơ cho Platinum1 là hoàn cảnh thị trường xấu cũng chính là mảnh đất giàu “chất dinh dưỡng” để phát triển nhận thức về giá trị của các hoạt động dịch vụ chuyên nghiệp, trong khi lực lượng cung cấp dịch vụ bất động sản trong nước còn khá mỏng.

Một số ít công ty có tên tuổi từ nước ngoài chỉ đủ sức chăm sóc những đối tượng khách hàng là các công ty đa quốc gia hay nhà đầu tư nước ngoài. Còn lại khá nhiều doanh nghiệp trong nước còn thiếu kỹ năng đang có nhu cầu “chuẩn hóa” cách làm ăn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn lúc nào hết, họ bắt đầu thấy cần nhà tư vấn cũng như các dịch vụ hỗ trợ.

* Nhiều nhân viên của Platinum1 là người có kinh nghiệm từ các công ty dịch vụ bất động sản lớn đầu quân về. Ông đã mạnh dạn trả lương cao trong thời buổi này?

Chính xác là tôi có cơ may tuyển dụng vào lúc các công ty khác đang sắp xếp lại bộ máy. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn chính là yếu tố văn hóa. Nhiều người sau một thời gian làm việc với “sếp” người nước ngoài đang có nhu cầu tìm kiếm “sếp” là người Việt.

* Ông đang huy động thành lập một quỹ đầu tư. Vậy ông có thể cho biết về tính khả thi của kế hoạch này khi mà nhiều quỹ lớn đang co cụm, cơ cấu lại danh mục đầu tư, thậm chí một số quỹ còn giảm quy mô vốn?

Tôi nghĩ các quỹ lớn phải tính toán lại là đúng. Nhưng nếu chúng tôi huy động vốn chỉ để làm ăn nhỏ thì vẫn còn nhiều cơ hội trong lúc này. Rõ ràng tiền ở bên ngoài (vốn nước ngoài – PV) đang cạn nhưng đối với mục tiêu vài chục triệu đô la thì không phải là không khả thi. Người ta vẫn phải nghĩ cách làm ăn và nay là cơ hội cho các phương án làm ăn quy mô nhỏ, vừa sức. Vì vậy, những thị trường nhỏ sẽ được quan tâm hơn trước.

Theo tôi, những nhà đầu tư mới vẫn đang tìm kiếm cơ hội và nếu ai đó muốn đầu tư lúc này sẽ có phần ưu ái thị trường Việt Nam hơn Trung Quốc hay một số nước khác trong khu vực, vì nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khá linh hoạt và “chịu” đi vào chiều sâu.

Tuy vậy, trước mắt từ nay đến 2010, Platinum1 vẫn tập trung chính vào việc phát triển dịch vụ. Mảng này không cần nhiều vốn và thị trường đang rộng cửa. Còn hoạt động đầu tư cần chờ đợi thêm những tín hiệu lạc quan hơn từ thị trường.

* Dịch vụ cho từng loại sản phẩm bất động sản rất khác nhau. Ông đánh giá thế nào về triển vọng hồi phục của từng loại hình bất động sản và cơ hội cho các hoạt động dịch vụ?

Có lẽ mặt bằng bán lẻ trong các trung tâm thương mại là loại hình bất động sản duy nhất còn tiếp tục sốt giá trong một thời gian nữa. Nhu cầu mua sắm trong nước tuy không ào ạt như thời kỳ nền kinh tế lạc quan nhưng vẫn đều đặn. Các nhà bán lẻ nước ngoài đang lần lượt tìm cách xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Tôi cho rằng những thương hiệu nào chưa đủ điều kiện thâm nhập thị trường trên diện rộng thì cũng sẽ nỗ lực xuất hiện bằng một vài cửa hàng tại những khu vực tiềm năng nhất. Dịch vụ cho hoạt động bán lẻ tại các trung tâm lâu nay cũng chưa thật sự phát triển.

Ngoài ra, loại hình căn hộ cho thuê cũng rất cần dịch vụ quản lý chuyên nghiệp. Nhu cầu đối với phân khúc căn hộ có giá thuê từ 1.000 - 2.500 đô la Mỹ/tháng vẫn còn nhiều do sự dịch chuyển nhu cầu thuê từ các cao ốc căn hộ đắt tiền sang. Các dự án căn hộ vẫn thường được gọi là cao cấp thực ra là do giá bán cao chứ nếu so sánh “phần cứng” với nhiều dự án ở nước ngoài thì chỉ có thể xếp vào hàng trung bình. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể “thăng hạng” ở chất lượng dịch vụ quản lý dự án.

* Giá văn phòng cho thuê đang rớt nhưng các tòa nhà mới vẫn trống trơn. Ông nhận định như thế nào về thị trường này?

Đây có lẽ là loại hình nguy cơ nhất! Tốc độ phát triển nhanh của nguồn cung diện tích văn phòng cộng với tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế đã đẩy thị trường vào tình trạng bất cân đối cung – cầu nghiêm trọng. Cái khó của loại hình này là cho dù diện tích cho thuê đang dư thừa nhưng mức giảm giá chỉ giới hạn để có thể đủ bù chi phí vận hành của cả hệ thống. Đây là vấn đề nan giải cho những dự án mới nhưng lại là cơ hội cho các công ty tư vấn, dịch vụ.

"Các dự án căn hộ vẫn thường được gọi là cao cấp thực ra là do giá bán cao chứ nếu so sánh “phần cứng” với nhiều dự án ở nước ngoài thì chỉ có thể xếp vào hàng trung bình".



DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG