Thiếu đầu tư về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã dẫn đến tình trạng hàng loạt những dãy nhà phố chưa thể đưa vào sử dụng tại một số khu vực ở Long An. Sự quy hoạch thiếu bài bản của các chủ đầu tư đã góp phần tạo ra những khu đô thị…“ma” ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Hàng loạt dãy nhà ở huyện Bến Cát, Bình Dương đã mọc lên nhưng vẫn “đóng cửa cài then”, chưa có người đến ở. Những điều này đã gây ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế xã hội, gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất, lãng phí về tiền và gây mất mỹ quan đô thị. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra hiện nay, đó là giải pháp nào để “lấp đầy khoảng trống” cho những khu đô thị này trong thời gian tới.
Những “nguyên tắc vàng” để phát triển đô thị
Phát triển đô thị bền vững cần dựa trên nền tảng phát triển kinh tế, đặc biệt là chú trọng đầu tư vào công nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu hút nguồn lao động từ thấp đến cao đến sinh sống và làm việc nhằm thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hoá. Đây chính là điều kiện tiên quyết để các khu đô thị phát triển bền vững. Tuy nhiên, phát triển inh tế phải phù hợp với quy hoạch vùng. Đây là một trong những yếu tố căn bản để lựa chọn định hướng phát triển các loại kinh doanh, thương mại, dịch vụ sao cho phù hợp. Bởi hiện nay có rất nhiều tỉnh thành không có lợi thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ nhưng vẫn cố tình “lao vào” phát triển đô thị nên không thể thu hút lao động đến làm việc, tạo ra những khu đô thị “ma”. Cần xem xét đến các yếu tố như vị trí địa lý, hạ tầng vĩ mô cùng các lợi thế sẵn có tại địa phương để đảm bảo định hướng kinh tế là phát triển bền vững.
Sự phát triển đô thị còn phải đi kèm với việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, hệ thống giao thống phải được kết nối đồng bộ với các khu vực kinh tế trọng điểm, giúp thuận tiện cho việc đi lại, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân và giải quyết được bài toán về nhà ở. Ví dụ như tại Đồng Nai thì phải kết nối với tuyến đường “huyết mạch” quốc lộ 1A để hạn chế tình trạng “ùn tắc” giao thông tại khu vực này. Hay tại Bình Dương, tuyến đường Quốc Lộ 13 cần phải đầu tư, nâng cấp để dễ dàng kết nối với các tỉnh thành lân cận.
Đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội cũng là một trong những vấn đề thiết yếu để phát triển đô thị. Bởi lẽ, ngoài những nhu cầu thiết yếu như “nơi ăn, chốn ở”, thì khi người dân đã có được việc làm ổn định, thu nhập tăng thì sẽ phát sinh những nhu cầu khác như vui chơi, giải trí. Thế nên, việc xây dựng khu thương mại, mua sắm, công viên và các dịch vụ tiện ích là điều cần thiết khác nhằm đáp ứng các nhu cầu của người dân.
Song song với việc phát triển đô thị là phát triển thương mại, dịch vụ để nâng tầm đô thị, xây dựng “trọn gói” các dịch vụ phục vụ trong KCN như nhà ở cho các chuyên gia, công nhân, cung cấp các dịch vụ tiện ích như khu thương mại, ngân hàng, bưu điện, dịch vụ giao nhận hàng … nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân đến sinh sống , làm việc, “giữ chân” được nguồn nhân lực đến làm việc và định cư lâu dài.
Ngoài những yếu tố vĩ mô vừa đề cập, thì để khu đô thị được phát triển bền vững còn phụ thuộc phần lớn vào năng lực của các chủ đầu tư. Điều đó đòi hỏi những chủ đầu tư phải có năng lực vững mạnh để đủ sức đi cùng với thị trường, vượt qua thách thức để đến thành công. Nhiều chủ đầu tư khả năng “phòng vệ” yếu và ít vốn đã để lại hậu quả là những khu đô thị “hoang phế”. Về dài hạn, một thị trường phát triển và quy chuẩn luôn đòi hỏi những chủ đầu tư có năng lực đích thực.
Công nghiệp là “bàn đạp” để phát triển đô thị
Lối thoát cho các khu đô thị “không bóng người” chính là việc các tỉnh thành cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lấy công nghiệp làm “bàn đạp” để thúc đẩy kinh tế phát triển, làm “xương sống” cho sự phát triển đô thị. Lấy ví dụ tại huyện Dĩ An (Bình Dương) cách đây hơn 10 năm chỉ là một nơi vắng vẻ, dân cư thưa thớt. Sau hơn một thập niên phát triển, Dĩ An hôm nay dày đặc những nhà máy, với tốc độ công nghiệp hóa phát triển chóng mặt. “Mũi nhọn” đột phá cho Dĩ An phát triển công nghiệp phải kể đến KCN Sóng Thần I. Đây không những là KCN tiên phong của Bình Dương mà là KCN hình thành sớm nhất ở Việt Nam. Sự thành công của VSIP đã kéo theo hàng loạt những khu đô thị “đi kèm” công nghiệp liên tiếp được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Dương như khu công nghiệp Việt Hương, Sóng Thần 2, Mỹ Phước … với hệ thống hạ tầng được quy hoạch tốt cùng đầy đủ các dịch vụ tiện ích khác, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn khu đô thị tại các khu vực này đều đã được “lấp đầy”.
Phát triển công nghiệp để thu hút dân cư đến sinh sống
|
Phát triển đô thị có thể đi từ nhiều hướng nhưng những yếu tố nền tảng thì không thể bỏ qua. Theo đó, lấy kinh tế làm “bàn đạp” để phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu của người dân, giữ chân nguồn lao động đến làm việc và định cư lâu dài và chú trọng phát triển thương mại – dịch vụ để phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội. Một điều kiện quan trọng không thể thiếu chính là năng lực của chủ đầu tư phải vững mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách. Theo các chuyên gia, sự phát triển các khu công nghiệp- đô thị phải có tầm nhìn dài hạn và tính theo đơn vị hàng chục năm. Chính vì vậy, không thể nhìn những khu đô thị mới đi vào hoạt động trong một vài năm là có thể kết luận được nơi đây không có bóng người đến sinh sống. Do đó cần phải chấp nhận hi sinh những tổn thất ban đầu trong quá trình phát triển đô thị, mà trong đó chủ đầu tư sẽ người đóng vai trò đi tiên phong nơi “đầu sóng ngọn gió”, linh hoạt ứng biến với những khó khăn, nếu không sẽ để lại hậu quả là những khu đô thị “hoang vắng bóng người”