Đứng tên trên giấy tờ nhà do được ủy quyền thì có được bán nhà không?

Cập nhật 07/01/2012 10:30

Câu hỏi:

Gia đình tôi gồm: mẹ tôi già (Sinh năm 1925), cha tôi mất năm 1968 và  06 người con.

Vào năm 1974 mẹ tôi có bán căn nhà củ để mua căn nhà hiện nay tại phường 6, quận 3, Tp HCM do mẹ tôi đứng tên chủ quyền, đến năm 1986 chỉ còn vợ chồng người anh thứ 4 ( có vợ năm 1981) ở chung với mẹ tôi, các anh em tôi đều đã ở xa . Đến năm 2004 địa phương làm lại sổ chủ quyền nhà đất, do mẹ tôi đã lớn tuổi, các con còn lại đều ở xa nên cán bộ địa chính đề nghị mẹ tôi ủy quyền để người anh thứ 4 nầy thay mặt mẹ tôi đứng tên sổ chủ quyền mới này và anh tôi đã đứng tên từ 2004 đến nay.

Đến nay, mẹ tôi đã già và để tránh việc phát sinh tranh chấp tài sản là căn nhà nói trên nên vừa qua mẹ tôi đã gặp tất cả các anh, chị em tôi và đưa ra ý nguyện được tất cả anh chị em cùng đồng ý như sau:

1/ Anh tôi sẽ làm thủ tục sang tên lại cho mẹ tôi (bằng hình thức cho, tặng tài sản).

2/ Mẹ tôi sẽ bán căn nhà nói trên và cho người anh thứ 4 là 50%, số còn lại mẹ tôi sẽ mua 01 căn nhà khác do mẹ tôi đứng tên để ở chung với người chị gái thứ 5. Nếu sau nầy mẹ tôi có mất đi căn nhà mới mua sau nầy mẹ tôi sẽ làm di chúc để lại cho tất cả 05 người con còn lại đồng sở hữu (để nhằm mục đích không được bán) và ủy quyền cho người chị thứ 5 quản lý trông nom.

Với yêu cầu trên, cho phép tôi được xin ý kiến tư vấn như sau:

1/ Gia đình chúng tôi phải cần làm những thủ tục cụ thể ra sao?

2/ Do điều kiện khó khăn về thời gian, đi lại tôi có thể thuê đơn vị tổ chức có chức năng thực hiện và thời gian, chi phí khoảng bao nhiêu?


Kính gửi: Quý bạn đọc

Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vnCông ty Luật Giải Phóng xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Cafe Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:

Đối với căn nhà nêu trên do người anh thứ 4 của bạn được ủy quyền đứng tên, nếu mục đích của gia đình là bán căn nhà này, thì không cần người thứ 4 làm hợp đồng tặng cho lại mẹ bạn, mà có thể đứng ra bán căn nhà này.

Sau khi bán, mẹ bạn mua căn nhà khác và đứng tên căn nhà này.Sau đó, mẹ bạn có thể lập di chúc thể hiện ý chí của mẹ bạn là để lại căn nhà cho tất cả các con và chỉ định người quản lý di sản là người chị gái thứ 5 và không được bán.

Theo quy định tại điều 652 Bộ luật dân sự

Điều 652. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

Ngoài ra hình thức, nội dung của di chúc bạn có thể tham khảo thêm tại các điều 649, 653 BLDS.

Đối với bản di chúc này, nếu mẹ bạn gặp khó khăn khi đi lại, có thể mời công chứng viên đến để công chứng di chúc tại nhà. Theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực

Điều 50. Công chứng, chứng thực di chúc


1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu việc công chứng, chứng thực di chúc; không công chứng, chứng thực di chúc thông qua người khác.

2. Trong trường hợp tính mạng bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc nguyên nhân khác mà người lập di chúc không thể đến trụ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực, thì việc công chứng, chứng thực di chúc được thực hiện tại chỗ ở hoặc nơi có mặt của người lập di chúc. Đối với việc lập di chúc mà tính mạng bị cái chết đe doạ, thì không nhất thiết phải xuất trình giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định này.

***

Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn hoặc qua số điện thoại 19006665 và 08. 73 050 996

Trân trọng.

Chuyên mục Café Luật

DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.

Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.


DiaOcOnline.vn