Ý tưởng kéo sân bay Long Thành về TP.HCM: “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”?

Cập nhật 15/06/2020 09:10

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định: Thông tin sát nhập sân bay Long Thành vào TP.HCM là thiếu kiểm chứng, thiếu thực tế và không khả thi.

TP.HCM đề xuất thành lập Thành phố phía Đông không liên quan tới việc sát nhập các huyện của tỉnh Đồng Nai trong đó có sân bay Long Thành

Theo ông Cao Tiến Dũng, việc TP.HCM đề xuất thành lập Thành phố phía Đông là một sự việc hoàn toàn khác nhau, không liên quan tới việc sát nhập các huyện của tỉnh Đồng Nai trong đó có sân bay Long Thành.

Trong nhà chưa tỏ…

Cũng theo ông Dũng, huyện Long Thành, Nhơn Trạch là hai địa phương có tiềm năng và là động lực để Đồng Nai phát triển bứt phá cũng như tạo nên sự khác biệt trong định hướng tương lai. Do đó, câu chuyện và quan điểm của cá nhân nào đó về việc TP.HCM đề xuất thành lập Thành phố phía Đông nhưng lại đem ra gộp vào vào Long Thành, Đồng Nai là thông tin thất thiệt.

"Một quan điểm cá nhân nào đó nhưng lại tạo động lực và lợi thế cho người khác và người đó biến thành động lực và lợi thế của mình thì ai cũng làm được. Tuy nhiên, trong việc này, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, thông tin về việc sát nhập các huyện cũng như sân bay Long Thành (Đồng Nai) vào TP.HCM là thông tin không có thực. Việc sát nhập là quyết định của Trung ương, và ngoại trừ trường hợp có thông tin từ hệ thống chính trị, thì Đồng Nai mới quan tâm, mới xem xét” – ông Dũng khẳng định.

Những thông tin thất thiệt liên quan đến việc sát nhập các huyện giữa TP.HCM và Đồng Nai có thể tạm khẳng định: Đây là hành động hoàn toàn có chủ đích của một nhóm đối tượng nào đó. Đặc biệt, các đối tượng này đang nhắm tới hai địa phương đang rất nóng về tình hình phân lô bán nền, mua bán nhà đất…

"Lợi dụng quỹ đất đô thị tại TP.HCM eo hẹp, giới đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu cơ… đã chuyển hướng địa bàn hoạt động tại một số khu vực ven TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai… Trong đó, đích cuối cùng được các đối tượng này nhắm tới chính là huyện Long Thành, một huyện tiềm năng và khá hấp dẫn với dự án sân bay quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai để lợi dụng “thổi giá đất”, làm “méo mó” bản chất sự việc là rất đáng lưu ý” - lãnh đạo này cho biết thêm.

...Ngoài ngõ đã thông

Với những chia sẻ của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy, những thông tin về việc kéo sân bay Long Thành về TP.HCM là một câu chuyện chưa từng xảy ra, chưa có bất cứ một bàn luận, cuộc họp nào liên quan đến đến việc sát nhập giữa các huyện của Đồng Nai và TP.HCM. Thế nhưng, dư luận lại đồn thổi theo kiểu “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông” là hết sức nguy hiểm.

Đặc biệt, với những thông tin về “huyện” lên “quận” hay xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, dự án phát triển kinh tế… cần phải được thực hiện minh bạch, chính xác, có lộ trình rõ ràng để người dân dễ dàng nắm được. Song song đó, chính quyền cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để ngăn chặn giới đầu nậu, cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô, bán nền tràn lan, dẫn tới những cơn sốt ảo về đất nền trong thời gian vừa qua.

Với tầm nhìn lâu dài, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, nếu Nhơn Trạch và Long Thành là một phần của TP.HCM sẽ tương đồng với sự phát triển của Hà Nội sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính. Ngoài ra, trục cảnh quan của TP.HCM không chỉ có sông Sài Gòn, mà còn có cả sông Đồng Nai. Đối với cả nước, với khu vực, nếu có thêm Nhơn Trạch, có thêm sân bay Long Thành, TP.HCM thực sự là đầu tàu của cả nước.

Với những nhà phát triển bất động sản thì xét về mặt kinh tế nếu như ý tưởng đề xuất này thành hiện thực thì “Thành phố phía Đông” sẽ trở thành một khu trung tâm mới, đô thị mới đúng nghĩa và nâng tầm giá trị hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện tại nên tập trung nguồn lực cho việc sáp nhập 3 quận của TP.HCM thành lập Thành phố phía Đông trước. Việc mở rộng ra khu vực lân cận có thể sẽ tính đến trong tương lai. Bởi sự tương đồng về mặt quy mô và các yếu tố nền tảng còn phải xem xét trong quá trình sáp nhập. Cần xác định vai trò như thế nào trong tổng thể chiến lược khu Đông để xem xét về sự cần thiết hay không trong giai đoạn này.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN