Cả nước bắt đầu cấp một giấy chứng nhận cho cả nhà, đất từ ngày 10-12 năm ngoái. Đến nay sau hơn bốn tháng thực hiện, tin mừng về thống nhất một giấy cho nhà, đất chưa kịp vơi thì nhiều người dân TP.HCM lại gặp cái khổ mới.
Hai quy trình mua bán nhà đất
(với nhà đất giữ nguyên diện tích, số thửa...)
Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, người dân mua nhà, đất sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất mới (gọi tắt là giấy chứng nhận nhà, đất). Như vậy dù nhà, đất đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận trước đó một vài ngày thì khi mua bán, người mua cũng phải làm thủ tục đổi sang giấy mới ghi tên mình mới có giá trị. Việc này đã gây nhiều ách tắc trong công tác quản lý cũng như quá trình giao dịch của người dân.
Chờ đợi lâu hơn
Sẽ nghe thêm các địa phương khác
Ông Trần Hùng Phi, cục trưởng Cục Đăng ký và thống kê thuộc Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), cho rằng việc cấp giấy chứng nhận mới sau khi chuyển nhượng tuy phát sinh thêm việc cho cơ quan quản lý nhưng đáp ứng được nhu cầu của người dân là muốn có giấy chứng nhận đứng tên mình.
Hiện nay, mới chỉ có một số quận huyện tại TP.HCM kiến nghị nên cho cập nhật biến động sau khi chuyển nhượng trên trang 4 của giấy chứng nhận mới. Ngoài ra chưa có địa phương nào có ý kiến về việc này nên bộ chưa thể đưa ra kết luận. Nhưng bộ sẽ lưu ý vấn đề này và nghe thêm ý kiến của các địa phương khác. |
Ông Trần Quốc Tuấn, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) quận Tân Bình, TP.HCM, cho biết hiện mỗi ngày quận nhận khoảng 15 hồ sơ chuyển nhượng nhà đất đề nghị đổi sang giấy mới, chiếm khoảng 1/3 số lượng hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà, đất trên địa bàn quận.
Ông Tuấn nói theo quy định mới, người mua nhà, đất phải làm thủ tục để đổi sang tên mình, thời gian quy định tối đa là 20 ngày làm việc, tăng gấp ba lần so với thời gian đăng bộ như trước đây (xem bảng hai quy trình mua bán nhà đất).
Theo ông Tuấn, quy định mới này không chỉ mất thời gian cho người dân mà quy trình xử lý của cơ quan chức năng cũng kéo dài hơn. Nếu như việc đăng bộ, thay đổi tên người mua chỉ cần chữ ký của Phòng TN-MT quận là đủ thì việc đổi giấy chủ quyền mới phải qua nhiều khâu xử lý, có chữ ký của chủ tịch UBND quận huyện.
Thời gian chờ đợi lâu khiến người dân mất đi cơ hội chuyển nhượng nhà, đất cũng như các trường hợp cần thế chấp giấy tờ để vay tiền ngân hàng làm ăn... cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể việc đổi sang giấy chứng nhận mới người dân còn phải tốn thêm chi phí “mua” giấy chủ quyền, trong khi đăng bộ thì không phải mất khoản tiền này.
Thêm áp lực
Giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một quận xác nhận: quy định tối đa là 20 ngày làm việc nhưng thực tế có nơi giải quyết kéo dài đến 2-3 tháng (đối với những trường hợp phải đo vẽ lại sơ đồ nhà, đất theo quy định mới). “Trước kia, có thể một căn nhà vừa đăng bộ xong tuần trước thì tuần sau đã thụ lý hồ sơ mua bán lại. Nhưng nay thì không có trường hợp nào được giải quyết nhanh như vậy” - cán bộ này nói.
Theo lãnh đạo phòng TN-MT một quận, hiện số lượng người dân có nhà, đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận (lần đầu) còn rất lớn và các quận huyện đang tập trung cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp này. Trong khi cái cũ chưa giải quyết xong nay quy định buộc các trường hợp mua bán phải đổi sang giấy chứng nhận mới là tạo thêm áp lực cho cơ quan cấp giấy. Cán bộ này đề nghị chỉ nên cấp giấy chứng nhận mới khi người mua có yêu cầu hoặc nhà, đất có biến động, nếu không có biến động nên giữ nguyên.
Xét về mặt pháp lý, nhà, đất này đã được cơ quan chức năng kiểm tra, công nhận. Nay mua bán chỉ đổi tên chủ sử dụng, chủ sở hữu mà phải xử lý hồ sơ lại từ đầu, thậm chí có nơi lập lại các khâu thẩm tra, niêm yết hồ sơ có tranh chấp hay không... rõ ràng là không cần thiết.
Đề nghị cấp theo lối cũ
Trong cuộc họp với đại diện Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) tại TP.HCM gần đây, nhiều quận huyện cũng đã có ý kiến xung quanh vấn đề trên. Đại diện Phòng TN-MT quận 1 đã kiến nghị: khi nhà đất được sang tên, đổi chủ nên cho cập nhật trang 3 và trang 4 như mẫu giấy chứng nhận cũ. Những thông tin này gần như là một bản “lý lịch” về căn nhà, thửa đất, trong khi giấy chứng nhận mới không thể hiện được những thông tin này.
Ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, nói việc cập nhật thông tin chuyển nhượng nhà, đất vào trang 4 giấy chủ quyền khi mua bán, chuyển nhượng như trước đây là phù hợp. Việc yêu cầu cấp mới giấy chứng nhận khi mua bán đôi khi làm phát sinh thêm thủ tục.
Tại một cuộc họp ngày 26-4, Phó chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí đề nghị các cơ quan chức năng TP rà soát lại vấn đề trên để kiến nghị các cơ quan thẩm quyền có biện pháp giải quyết hợp lý.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, tổ phó tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, cho biết TP.HCM đã phản ánh với tổ công tác về chuyện cấp giấy chứng nhận mới khi chuyển nhượng nhà, đất và vấn đề này sẽ được đặt ra trong các cuộc họp. Theo ông, đây là vấn đề liên quan đến Bộ TN-MT, Bộ Tư pháp nên cần tham khảo thêm ý kiến của hai bộ này.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO