Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai xây thêm một cây cầu qua sông Sài Gòn nối quận Bình Thạnh và quận 2, gọi nôm na là cầu Sài Gòn 2. đây là thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật (CII), đơn vị vừa được TP chọn xây dựng chiếc cầu này.
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Giám đốc đầu tư kinh doanh của CII, cho biết, ngày 28-10, CII sẽ nộp thiết kế cơ sở cầu Sài Gòn 2 cho Sở Giao thông Vận tải và trong vòng 21 tháng kể từ khi thiết kế cơ sở được phê duyệt, mặt bằng xây dựng được giao, CII sẽ hoàn thành công trình.
Phối cảnh mô hình cầu Sài Gòn mới
Cũng theo CII, cầu Sài Gòn 2 được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng kinh phí đã bao gồm phí dự phòng trên 1.100 tỷ đồng. Cầu Sài Gòn 2 sẽ nằm song song với cầu Sài Gòn hiện hữu và thành cầu của hai cây cầu sẽ cách nhau khoảng 3m. Nếu đi từ phía quận Bình Thạnh ra quận 2, cầu Sài Gòn 2 sẽ nằm bên phải cầu Sài Gòn hiện hữu. Cầu Sài Gòn 2 cũng sẽ được kết nối với đường Điện Biên Phủ (phía quận Bình Thạnh) và xa lộ Hà Nội (phía quận 2) tương tự chiếc cầu “anh em” của nó. Cầu mới rộng 23,5m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe gắn máy 2 bánh, lề bộ hành. Tải trọng cầu không giới hạn (HL93) chiều cao thông thuyền 9m, khổ thông thuyền 80m.
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm cho biết, khảo sát ban đầu cho thấy, mố cầu Sài Gòn hiện hữu được thi công theo hình xiên nên thi công cầu Sài Gòn 2 nằm rất gần như vậy đòi hỏi từ thiết kế đến thi công phải hết sức cẩn trọng. CII đã tiếp nhận khá đầy đủ hồ sơ thiết kế của cầu Sài Gòn hiện hữu để nghiên cứu và tìm ra giải pháp thiết kế, thi công an toàn, hiệu quả nhất.
Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý Giao thông Đô thị số 2 - đơn vị được Sở Giao thông Vận tải ủy thác thay mặt sở tham gia công tác quản lý Nhà nước các công trình giao thông ở khu vực này, cầu Sài Gòn hiện hữu đã được sửa chữa xong với tải trọng cầu được nâng lên 30 tấn thay vì 25 tấn trước kia. Hiện chỉ còn hạng mục thảm bê tông nhựa mặt cầu là chưa thể tiến hành vì thời tiết xấu, mưa liên tục. Tình trạng xe quá tải qua cầu cũng đã được cải thiện. Những loại xe “siêu trường, siêu trọng” nặng từ 60 tấn trở lên qua cầu đã giảm hẳn.
Tuy nhiên, vẫn còn những loại xe nhẹ hơn, khoảng 40 tấn đến dưới 60 tấn lén lút qua cầu. Đó là những chiếc xe chở container mà ngành chức năng khó phán đoán được loại hàng hóa trong container. Ông Vũ Kiến Thiết cho biết, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 đang có kế hoạch phối hợp cùng lực lượng công an và Thanh tra Giao thông Công chánh nghiên cứu đặt cân dưới làn đường xe tải để vừa kiểm soát được tải trọng xe vừa không ảnh hưởng đến việc lưu thông qua cầu.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, khu vực cầu Sài Gòn là một trong những điểm nóng về an toàn giao thông của TPHCM. Tại đây rất hay xảy ra các vụ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Việc xử lý điểm nóng này vô cùng khó vì cầu Sài Gòn nằm trên tuyến đường huyết mạch chuyên chở hàng hóa từ các cảng biển nằm sâu trong nội thành đi miền Đông Nam bộ, miền Trung và cao nguyên.
Các hoạt động sửa chữa cầu cũ hay xây dựng cầu mới đều phải được tính toán kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cảng biển. Cầu Sài Gòn 2 xây dựng xong sẽ góp phần quan trọng giải quyết dứt điểm tình trạng mất an toàn giao thông ở khu vực này. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đang được tiến hành nhưng về cơ bản là thuận lợi vì chủ yếu chỉ là di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng