Mặc dù chương trình di dời 15.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch ở TPHCM, thuộc giai đoạn 3 (2006-2010) của Chương trình Chỉnh trang đô thị, còn chậm so với kế hoạch nhưng bước đầu đã thực hiện đúng mục tiêu, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân, cũng như tái bố trí dân cư có nơi ở mới tốt hơn.
Chung cư Tân Mỹ quận 7 vừa đưa vào sử dụng phục vụ tái định cư. Ảnh: Việt Dũng |
Đổi đời nhờ xã hội hóa
Đa số người di dời thuộc diện nghèo, số tiền được bồi thường rất thấp do hầu hết nhà chưa có giấy chủ quyền. Do đó nếu tái định cư (TĐC) bằng cách cho mua nhà trả góp thời gian dài thì việc thu hồi vốn chậm khiến ngân sách TP khó cân đối đủ cho các dự án trọng điểm khác. Để giảm áp lực ngân sách, UBND TPHCM đã chỉ đạo thực hiện chương trình di dời theo phương thức xã hội hóa. Quận 8 được chọn thực hiện thí điểm, trong đó rạch Ụ Cây ở phường 9, 10, 11 quận 8 là dự án đầu tiên. Được coi là “khu ổ chuột” trong lòng TP, cư dân nơi đây sống trong dãy nhà tạm bợ, vách bằng tôn và bất cứ vật liệu nào có thể che được như ni lông, thùng giấy cạc tông, cột chống sàn nhà bằng gỗ, tre… không đảm bảo điều kiện sinh sống. Phía dưới là dòng kênh đen, hàng ngày bốc mùi hôi thối…
Chính vì thế, khi được bố trí TĐC tại chung cư Tân Mỹ (quận 7), đa số người dân rất phấn khởi. Dọn về căn hộ tươm tất và khá tiện nghi được hơn 5 tháng, chị Huỳnh Thị Hồng (lô A2-11) vẫn chưa tin gia đình có thể đổi đời nhanh đến thế. Căn hộ 36m2 hơi chật so với gia đình 5 người nhưng chị vẫn thấy hạnh phúc. “Lúc trước sống tại căn nhà ven rạch ở phường 10 quận 8, vợ chồng tôi lúc nào cũng thấp thỏm không dám ngủ, phải canh tát nước chứ không bị ngập hư hết đồ đạc, cực lắm cô ơi” - chị Hồng nhớ lại.
Giai đoạn 1 của
dự án rạch Ụ Cây đã thành công, với việc di dời 905/905 hộ dân, trong đó có 629/905 hộ đã nhận căn hộ TĐC. Quận đã chi trả bồi thường 784 hộ với 411,5 tỷ đồng - kinh phí này do chủ đầu tư (Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - RESCO) tạm ứng. RESCO đã bàn giao 600 căn hộ chung cư Tân Mỹ (quận 7), 176 căn hộ chung cư An Sương (quận 12) và sắp tới là 350 căn hộ tại Bến Ba Đình (quận 8) với trị giá tạm tính là 435 tỷ đồng. Đánh giá về dự án này, Ban chỉ đạo Dự án nâng cấp đô thị TPHCM cho rằng, UBND quận 8 đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ các hộ dân sau di dời, tạo điều kiện ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi người dân sau TĐC.
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, sở dĩ dự án này được thực hiện nhanh và đạt kết quả như hiện nay vì không chỉ chỉnh trang đô thị mà còn là công trình an sinh xã hội giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn.
Đưa vào chương trình kích cầu của thành phố
Chương trình di dời 15.000 hộ dân trên và ven kênh rạch thuộc giai đoạn 3 (2006-2010) của Chương trình Chỉnh trang đô thị tập trung chủ yếu ở các tuyến kênh rạch như: lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và các chi lưu (4.074 hộ); kênh Tham Lương - Bến Cát, Vàm Thuật - rạch Nước Lên (giai đoạn 1), các chi lưu Nhiêu Lộc - Thị Nghè (4.800 hộ); kênh Đôi - kênh Tẻ (4.676 hộ)… |
Theo Sở Xây dựng TPHCM, tính từ năm 2006 đến nay, chỉ mới có 7.358 hộ được di dời và TĐC. Còn 7.642 hộ thuộc dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tập trung chủ yếu ở các quận 6, 8 và Bình Thạnh. So với kế hoạch đặt ra, tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 49,1%, chưa thể gọi là thành công. Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Nguyễn Văn Danh cho biết, nguyên nhân chương trình di dời đạt được còn thấp vì các dự án thuộc ngân sách Nhà nước phải điều chỉnh. Chính vì thế, Thành ủy và UBND TPHCM đã chủ trương thực hiện xã hội hóa đầu tư đối với các dự án thuộc các chương trình giải tỏa nhà trên kênh rạch.
Theo phương thức xã hội hóa đầu tư, một số tuyến kênh rạch được thí điểm tại quận 8 chưa triển khai sẽ tổ chức mời gọi nhà đầu tư di dời nhà trên kênh rạch kết hợp với chỉnh trang đô thị. Các chủ đầu tư sẽ tự ứng vốn thực hiện dự án, sau đó được hoàn vốn bằng kho bãi, nhà xưởng, quỹ đất sạch tương đương giá trị bồi thường, TĐC của dự án. Tuy nhiên, cách làm này không dễ. Từ năm 2008, UBND quận 8 đã kêu gọi đầu tư nhưng không có doanh nghiệp (DN) nào tham gia vì lo ngại không đảm bảo hiệu quả. Quận 8 cũng đề xuất đấu giá 55 cơ sở để tạo nguồn vốn mua quỹ nhà TĐC để di dời các hộ dân nhưng qua gần 2 năm vẫn chưa chọn được chủ đầu tư. Đến tháng 9-2009, UBNDTP mới giao RESCO - một DN nhà nước - làm chủ đầu tư.
Để phát triển quỹ nhà TĐC phục vụ chương trình di dời 15.000 căn hộ ven và trên kênh rạch, Sở Xây dựng TP kiến nghị trung ương và UBND TPHCM một số giải pháp để có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào cuộc. Cụ thể, cho phép các DN tham gia được hưởng những chính sách nhà thu nhập thấp như tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất lên 1,5 lần; thuế GTGT được áp mức 0%, cho DN chậm nộp tiền sử dụng đất đối với phần khai thác kinh doanh... Đồng thời, dự án TĐC phục vụ chương trình nhà trên kênh rạch cần được đưa vào chương trình kích cầu của TP với thời hạn vay vốn ưu đãi 10 năm, mức vay tối đa 100 tỷ đồng/dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng